Ngày 28-12, phiên tòa phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại (VNCB) tiếp tục ngày làm việc thứ hai.
Bị cáo buộc có trách nhiệm chính trong việc để VNCB thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng, ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) bị tòa sơ thẩm tuyên án 30 năm tù cho cả hai tội danh, đồng thời phải hoàn trả hơn 6.000 tỉ đồng tiền gốc và lãi mà ông Danh đã vay và rút từ VNCB.
Để đảm bảo thi hành án, cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên nhiều tài khoản ngân hàng và tài sản có giá trị của ông Phạm Công Danh và vợ.
Bà Quách Kim Chi (vợ ông Danh, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) đã kháng cáo đòi lại tài sản.
Tại đơn kháng cáo, bà Chi đề nghị cơ quan chức năng cho phép giải tỏa kê biên 3 bất động sản tại TP.HCM vì bà đã vay của mẹ ruột số tiền 25 tỉ đồng để hình thành khối tài sản này.
Bà đề nghị được hưởng 1/2 số tài sản sau khi trừ đi khoản tiền 25 tỉ đồng của mẹ, nửa còn lại của ông Phạm Công Danh sẽ được dùng để khắc phục thiệt hại trong vụ án.
Đối với số tiền hơn 600.000 USD, đồng hồ và nhẫn của ông Phạm Công Danh bị thu hồi trong vụ án, bà Chi cũng đề nghị được trả lại vì đây là tiền của mẹ bà và là những kỷ vật có giá trị về mặt tinh thần.
Bản án sơ thẩm nhận định Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm chủ tịch HĐQT đã có nhiều sai phạm gây thất thoát tiền của VNCB.
Vì vậy tòa tuyên tiếp tục kê biên các tài sản của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh để liên đới bồi thường theo tỉ lệ vốn góp tại tập đoàn này. Bà Quách Kim Chi góp 20% vốn (tương đương 200 tỉ đồng) nên phải liên đới chịu trách nhiệm.
Ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích (Công ty Tân Hiệp Phát) cũng có đơn kháng cáo đề nghị tòa buộc VNCB phải trả lại cho bà Bích 5.190 tỉ đồng vì đây là số tiền bị chuyển khỏi tài khoản của bà mà không có chữ ký của chủ tài khoản.
Trong ngày xét xử thứ hai, bà Trần Ngọc Bích đã có đơn gửi đến tòa đề nghị hội đồng xét xử và các luật sư không dùng từ “nhóm Trần Ngọc Bích”, “nhóm Dr Thanh” hay “nhóm Tân Hiệp Phát”. Yêu cầu này của bà Bích được hội đồng xét xử chấp nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận