Người dân về quê ăn tết - Ảnh: LÊ PHAN
Sáng sớm chồng đưa ví tiền, gương mặt anh đượm buồn chậm rãi nói: "Mấy hôm nữa là tết, công việc của anh bấp bênh không đủ tiền tiêu tết".
- Vậy năm nay có về chơi tết hai bên nội, ngoại không anh?
- Chắc không được rồi, tiền ít quá, còn phải để dành tiền mua bỉm sữa cho con nữa.
Cuộc nói chuyện dừng lại ở đó. Hai vợ chồng tôi không ai nhìn ai, mỗi người quay đi một hướng. Tôi khẽ thở dài cẩn thận đếm lại số tiền còn trong ví. Tôi nhẩm tính những khoản phải chi cho tết, cố gắng tiết kiệm nhất có thể để có tết đầm ấm cho con.
Vợ chồng tôi mới chuyển lên thành phố làm việc. Tôi ở nhà chăm con nhỏ nên mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào công việc bán đất của chồng. Công việc cũng không ổn định. Cuối năm, nhà đất ở thành phố Thanh Hóa gần như đóng băng.
Giao dịch ít dần khiến cuộc sống của chúng tôi khó khăn hơn. Chỉ vài hôm nữa là đến tết. Những gia đình ở khu trọ đã rục rịch chuẩn bị đồ về quê, riêng vợ chồng tôi còn nấn ná ở lại, hi vọng có thể giao dịch thêm lô đất.
Mấy hôm cận tết, mẹ tôi và mẹ chồng ở quê gọi điện nhiều hơn ngày thường. Câu chuyện chỉ xoay quanh việc cho cháu về quê ăn tết. Mẹ tôi phấn khởi nói một tràng: "Vợ chồng bây hôm nào về đấy? Đi đường dài cố gắng thuê xe tắc xi cho an toàn, con Mun mới sáu tháng không khéo nó lại ốm, mất tết đấy con. Tao bán gần hết rau rồi, nhà bếp vừa xây xong, vợ chồng bây về tha hồ có chỗ ngủ".
Tôi nghe mà chạnh lòng nhưng không dám nói ra tình hình hiện tại. Hai bên nội ngoại đều neo người vì thế chỉ mong đến tết để cả gia đình quây quần bên nhau.
28 tháng chạp, vợ chồng tôi sốt ruột khi chủ đất hứa giao dịch nhưng không thấy gọi điện. Chồng tôi đứng ngồi không yên, mắt dán vào điện thoại chực chờ tiếng chuông may mắn. Đến quá trưa, tiếng chuông điện thoại reo lên, chồng tôi mừng rỡ.
Anh ra hiệu cho tôi im lặng, nếu giao dịch thành công chúng tôi sẽ có cái tết đủ đầy. Trong khi chồng tôi nói chuyện với khách hàng qua điện thoại, tôi gói ghém đồ đạc, quét dọn căn phòng nhỏ và nhẩm tính quà tết cho gia đình nội, ngoại.
Mười lăm phút trôi qua, chồng tôi buông điện thoại xuống bàn. Vẻ mặt thất vọng hằn trên gương mặt rám nắng: "Vợ ơi, anh không bán được đất rồi, giờ phải làm sao?".
- Em tính mình gửi ít tiền về biếu bố mẹ hai bên, nhờ bố mẹ mua hộp bánh thắp hương cho các cụ. Ra năm có điều kiện thì mình về.
Chồng tôi đi đi lại lại trong căn phòng nhỏ. Anh hết nhìn con gái ngủ say trên giường lại nhìn sang tôi. Mẹ chồng gọi điện khiến tôi càng thêm nóng ruột.
- Giờ anh ra ngân hàng gửi một triệu vào thẻ của dì út nhờ dì gửi cho ông ngoại, gửi một triệu cho bác Tuấn nhờ bác ấy biếu ông bà nội giúp vợ chồng mình. Anh đi nhanh lên kẻo ngân hàng họ nghỉ tết - tôi nói.
Chồng tôi lưỡng lự nhưng với tình hình kinh tế hiện tại chúng tôi cũng không thể làm khác được. Ngoài đường lớn, bài hát "Happy new year" vang lên khiến không khí càng trở nên rộn rã. Chồng tôi dắt xe ra khỏi con ngõ nhỏ, tôi ôm con vào lòng khóc lớn. Đây là cái tết đầu tiên của con. Không đưa được con về quê ăn tết khiến tôi cảm thấy thương con, có lỗi với con vô cùng.
Tôi nhớ những ngày tết sum vầy khi còn ở quê. Nhớ những gánh rau của mẹ ngày ba mươi tết, nhớ những chiếc bánh chưng vuông vức bố gói. Đào, quất có sẵn trong vườn. Cứ đến gần tết là đào có nụ chúm chím. Ngày mùng một, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ ăn uống vui vẻ. Tôi và các em nhận tiền lì xì kèm theo những lời chúc may mắn của bố mẹ.
Chồng tôi có lẽ cũng nhớ khung cảnh ngày tết, cũng mong được sum họp với đại gia đình ở quê vào đêm giao thừa. Tôi biết anh buồn nhưng anh không nói ra.
2h30 chiều 28. Tiếng xe máy quen thuộc của chồng rèn rẹt đến đầu ngõ. Tôi bế con chạy ra ngoài đón chồng. Tôi hi vọng anh gởi tiền suôn sẻ rồi gọi điện cáo lỗi với bố mẹ hai bên. Tôi chưa kịp hỏi tình hình thì anh cười nói rất dõng dạc:
- Thông báo với vợ một tin: Anh không gửi tiền về quê nữa. Vợ chồng mình đưa con về tết hai ông bà thôi. Thiếu tiền đi taxi thì mình đi xe máy. Thiếu nữa thì anh vay mượn bạn bè. Không có gì phải lo cả.
- Vậy à anh, vậy thì em vui quá. Anh trông con cho em chuẩn bị đồ, mua ít quà mang về quê.
8h sáng ngày 29 tháng chạp, vợ chồng tôi và con gái 6 tháng tuổi đi xe máy từ thành phố về Ngọc Lặc (về nhà bố mẹ đẻ của tôi) cách chừng 100km. Trông thấy chúng tôi về trước ngõ, mẹ tôi chạy ra tận cổng bế cháu gái thơm khắp má nó: "Cha bố con bé, lâu lắm mới về thăm ông bà". Bố tôi kể lể nhiều câu chuyện không đầu không đuôi với con rể. Ánh mắt ông tràn ngập niềm hạnh phúc.
Sáng 30 tháng chạp, mẹ tôi dậy từ sớm ra chợ xã mua thịt trâu, gà đồi và măng khô gửi vợ chồng tôi về biếu ông bà nội của con gái. Mẹ tôi cẩn thận dặn dò: "Đường ngày tết đông lắm, đi lại cho cẩn thận. Về dưới đó hỏi thăm sức khỏe ông bà nội. Mời ông bà tết lên chơi với bố mẹ nghe chưa!".
7h30 sáng, chúng tôi rời nhà ngoại về Nga Sơn. Chúng tôi đi hơn ba tiếng mới tới nhà. Về nhà, tôi cùng mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa. Chồng tôi trang trí cành đào, cây quất. Bố chồng viết đôi câu đối đỏ treo hai bên bàn thờ. Ông cố nội của Mun dựng cây nêu với nụ cười mãn nguyện.
Lúc này chỉ còn cách năm mới ba mươi phút đồng hồ. Con gái nhỏ đã say giấc từ lâu. Vợ chồng tôi và gia đình anh cả đợi giao thừa bên ông bà nội của các cháu. Những câu chuyện rôm rả xen lẫn tiếng nhạc xập xình ngoài ngõ khiến không khí tết càng trở nên hân hoan, ấm áp.
Bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn của đời sống mưu sinh, vợ chồng tôi cùng nhau chờ đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng bên gia đình thân yêu.
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).
Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng.
Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận