09/08/2020 14:20 GMT+7

Vợ ở tuyến đầu, chồng nơi tuyến lửa cùng nhau phòng chống COVID-19

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Sáng 7-8, trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dành nhiều lời khen cho cơ sở 2 - Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Vợ ở tuyến đầu, chồng nơi tuyến lửa cùng nhau phòng chống COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Phi (bìa trái) và bác sĩ Viễn trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Phía sau lời khen ngợi ấy có sự hi sinh thầm lặng của một đôi vợ chồng: bác sĩ Võ Hùng Viễn - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn và vợ là bác sĩ Phạm Thị Xuân Phi - trưởng khoa kiểm soát bệnh tật huyện Bình Sơn.

Vợ chồng cùng 'ra trận'

Đang ngồi trong cơ sở 2 - Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn điều hành xử lý một ca F1 có biểu hiện khó thở thì chuông điện thoại reo. Bác sĩ Viễn bốc máy, đầu dây bên kia:

'Em đang ở xã Bình Dương, còn khoảng 9 người liên quan đến ca bệnh 621 chưa được lấy mẫu, em tính mai lấy mẫu vét lần cuối những ca này, giờ chạy lên cơ sở 1 có ca F1 chuyển biến mệt. Ý anh sao?'.

Bác sĩ Viễn đổi giọng: 'Không được, lấy gấp, đã lấy mẫu phải làm ngay. Hôm nay không xong là phải chịu trách nhiệm đấy. Chuyện trên trung tâm để anh cử người lo'.

Kết thúc cuộc gọi, bác sĩ Viễn nói: 'Cố gắng lên, nhiều anh em cũng mệt như mình', rồi quay qua nói với chúng tôi đó là cuộc gọi của vợ anh. Chiếc đồng hồ treo tường báo đã hơn 15h chiều mà chị Phi vẫn chưa ăn trưa.

Bốn tháng qua, vợ chồng bác sĩ Viễn người ở tuyến đầu, người nơi tuyến lửa, bắt đầu từ ngày 9-3 khi ca bệnh thứ 17 tại VN được công bố, vợ chồng bác sĩ Viễn khăn gói đến cơ sở 2. Từ đó, đôi vợ chồng chưa có ngày nghỉ ngơi. Cuộc chiến căng thẳng nhất là đợt dịch bùng phát lần 2.

Y sĩ Phạm Ngọc Lên chia sẻ: 'Nói thật sự là chúng tôi làm ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn nhiều năm, biết rõ sự cố gắng và tâm huyết của bác Viễn và bác Phi nên chẳng ai nề hà gì, sẵn sàng hỗ trợ hết sức mình cùng anh chị ấy.

Không chỉ trong cuộc chiến lần này mà lâu nay đội ngũ y bác sĩ rất tự hào vì có người thủ lĩnh như vậy. Chúng tôi cực một thì bác Viễn, bác Phi cực mười, chẳng có lý do gì mà anh em nề hà, than khó, than khổ'.

Vợ ở tuyến đầu, chồng nơi tuyến lửa cùng nhau phòng chống COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế của Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng nghỉ ngơi trong bộ đồ bảo hộ “đặc chủng” riêng để vận chuyển bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: LAN NHÃ

Chồng la vợ gấp 10 lần người khác

Trong cuộc trò chuyện với bác sĩ Viễn, anh nghe điện thoại liên tục. Bác sĩ Viễn bảo: 'Anh em trong khu cách ly tuyệt đối là khổ nhất, tôi nắm tình hình các ca bệnh cũng nhờ các đồng nghiệp đầy trách nhiệm ấy'.

Chuyện y sĩ Lên kể là chuyện về bác sĩ Viễn trách nhiệm với công việc, với bệnh nhân. Với đồng nghiệp lại có chuyện ấm áp khác. Biết anh em mấy tháng trời ròng rã trực chiến trong khi cơ sở 2 vẫn còn nhiều thiếu thốn nên hai vợ chồng lại đi kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ máy lạnh, tủ lạnh và cả thức ăn cho đồng nghiệp.

Kết quả, 15 máy lạnh, 15 tủ lạnh đã được hỗ trợ, giúp cho việc ăn ở của y bác sĩ tốt hơn. Suất ăn thì sữa, rau không thiếu, thậm chí còn tăng cường thêm vào suất ăn của bệnh nhân, người cách ly.

'Điều kiện làm việc của chúng tôi đã tốt hơn so với bình thường rất nhiều nhờ sự quan tâm này' - một nhân viên ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn chia sẻ.

Lúc bác sĩ Viễn điều hành công việc tại cơ sở thì bác sĩ Phi đang truy vết ngoài cộng đồng trên toàn huyện Bình Sơn. Chồng tuyến lửa, vợ tuyến đầu, quanh quẩn ở huyện Bình Sơn nhưng hiếm lắm hai vợ chồng mới chạm mặt, chủ yếu là ở các cuộc họp bàn giải pháp dập dịch.

'Làm sao mà gặp được, mỗi người một việc. Hiếm lắm hai vợ chồng mới cùng về nhà, chị về sau thấy anh ngủ vùi. Chị qua phòng bên cạnh ngủ, hai vợ chồng hạn chế tiếp xúc gần với nhau' - bác sĩ Phi chia sẻ.

Với hai vợ chồng, nếu anh Viễn là tư lệnh thì chị là phó tư lệnh ở Bình Sơn. Trong điều hành công việc, nhiều lúc hai vợ chồng tranh luận gay gắt về cách thức bố trí cách ly, làm sao đảm bảo an toàn nhất.

Bác sĩ Phi 'trách móc': 'Bình thường ảnh nhịn chị lắm. Vậy mà mấy tháng nay la chị suốt, thậm chí la chị nhiều gấp 10 lần anh em khác. Ảnh toàn ra lệnh cho chị thôi! Xong dịch sẽ 'tính sổ' với ảnh".

Chẳng biết đến khi nào bác sĩ Phi mới 'tính sổ' được bác sĩ Viễn khi bệnh dịch vẫn tiếp tục tăng. Chỉ duy nhất một điều, cả hai cùng chung suy nghĩ 'khi nào hết dịch, bà con yên ổn sẽ trở về'.

'Tâm lý chiến' cho bệnh nhân

Hôm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vào thị sát cơ sở 2 - Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, ông thứ trưởng rất cảm phục chuyện làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân 419 của bác sĩ Viễn.

Bệnh nhân này bị nhiều bạn bè điện thoại, hỏi han, thêm căng thẳng bởi những lời trách móc trên mạng xã hội nên tâm lý rất nặng nề, dẫn đến chuyển biến khó thở.

Ngành y tế Quảng Ngãi đã tính toán phương án chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, bác sĩ Viễn hiểu bệnh nhân bị tâm lý. Ngoài việc hỗ trợ về mặt y tế, bác sĩ Viễn bàn với các y bác sĩ thay sim điện thoại cho bệnh nhân và chủ động gặp gỡ, động viên.

Bị ảnh hưởng tâm lý khiến bệnh nhân ăn uống khó, thế là trung tâm bỏ tiền ra nấu suất ăn riêng. 'Cực tí nhưng bệnh nhân khỏe và hết bệnh sớm ngày nào thì khỏe ngày đó. Cách đây mấy hôm, bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1 rồi. Anh em ai cũng mừng' - bác sĩ Viễn trải lòng.

'Vợ chồng bác sĩ Viễn, bác sĩ Phi là trường hợp rất đặc biệt khi thường thì ngành y tế sẽ để một người ở nhà lo gia đình. Anh Viễn phụ trách điều trị - cách ly, chị Phi phụ trách sát trùng, truy vết. Cả hai nhiệm vụ ấy đều quan trọng và dễ lây nhiễm bệnh. Vậy mà cả hai vợ chồng vẫn làm việc rất nhiệt tình và tâm huyết.

Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần của hai vợ chồng, không chỉ chuyên môn mà còn làm tâm lý cực tốt cho cả y bác sĩ và bệnh nhân. Tôi thấy anh em ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cực kỳ đoàn kết và trong tâm thế sẵn sàng ở tất cả các vị trí'.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Nghẹn lòng sau bức ảnh các nữ bác sĩ cắt tóc để lên tuyến đầu ở Đà Nẵng Nghẹn lòng sau bức ảnh các nữ bác sĩ cắt tóc để lên tuyến đầu ở Đà Nẵng

TTO - Bác sĩ Nguyễn Nhật Trường là người chụp lại bức ảnh các nữ đồng nghiệp cắt tóc để làm nhiệm vụ ở một bệnh viện tuyến đầu tại Đà Nẵng. Anh chia sẻ nhanh với Tuổi Trẻ Online về khoảnh khắc làm nhiều người nghẹn lòng này.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp