Nhà báo Võ Như Lanh (thứ ba từ phải qua) trong dịp kỷ niệm 28 năm thành lập báoTuổi Trẻ, năm 2003 - Ảnh: N.C.T. |
Thỉnh thoảng anh em có gặp nhau trong các cuộc hội thảo và xuống đường. Lúc ấy, cũng như những sinh viên khác tôi nhìn anh với cặp mắt vô cùng ngưỡng mộ.
Rồi năm 1972, tôi gặp lại anh trong nhà tù Chí Hòa. Trong tù, anh là một người điềm đạm, luôn giữ vững khí tiết của người sinh viên cách mạng trong các cuộc đấu tranh trong tù. Sau đó, anh được trao trả tại Lộc Ninh.
Năm 1977, khi anh Lê Văn Nuôi ra Hà Nội học, anh Lanh được phân công về làm tổng biên tập Tuổi Trẻ. Số phận run rủi, tôi lại được làm cùng anh ở Tuổi Trẻ. Lúc ấy, trong lòng tôi thầm nghĩ sao Võ Như Lanh có thể làm báo được khi anh không phải là sinh viên báo chí, cũng không phải là người mê văn nghệ cho lắm.
Tuy vậy, thi thoảng tôi thấy có người ngồi chép những bài giảng về báo chí của lớp báo B (Trường Tuyên huấn trung ương) để gửi cho anh. Trong lòng tôi cũng thầm phục và hiểu thêm về ước mơ của anh ấy.
Võ Như Lanh hay như chúng tôi thường gọi vui “Võ Xi Lanh” hoặc anh “Tư tiết kiệm” những lúc trà dư tửu hậu. Thân tình, gần gũi, chức vụ không làm anh em xa cách. Nhưng khi làm việc cũng phải đâu vào đó. Tôi là người hay bị anh Lanh “dũa” không thương tiếc. Nhưng tôi biết anh “dũa“ đúng.
Khi tôi viết bài về những đêm văn nghệ trong phong trào “Tiếng hát về nhà máy”, anh phê bình tôi không phân biệt thế nào là tư duy văn nghệ và tư duy báo chí. Ðó là những phong trào do tờ báo thực hiện và anh là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng.
Khi nghe anh cự, tôi hiểu anh đúng và càng cảm nhận rằng anh là người đang khắc khoải với sự sống còn của tờ báo. Anh không chỉ là người chạy theo sự kiện mà còn thúc đẩy phóng viên phải tạo ra sự kiện để phản ánh.
Số phát hành Tuổi Trẻ những năm mới ra đời loay hoay ở con số vài ngàn tờ. Tất cả chúng tôi đều là những tay mơ trong nghề báo. Có lúc, ban biên tập ngồi với nhau bàn từng chủ đề rồi phân công nhau viết bài thực hiện từng chuyên đề. Ai cũng phải đi viết bài, kể cả anh khi không hài lòng với bài viết của phóng viên.
Mỗi thứ hai đầu tuần anh Lanh đều họp toàn bộ phóng viên và tòa soạn để phân tích mặt mạnh, mặt yếu của tờ báo cũng như thúc phóng viên đi thực tế. “Tôi không hiểu nổi tại sao trong giờ hành chính, phóng viên lại la cà trong quán cà phê?”.
Từ sự thúc đẩy và phê bình của anh, phóng viên lăn xả xuống cơ sở. Một trong những bài đáng ghi nhận ngay sau đó là bài viết của anh Huỳnh Quý (ký tên Hồng Nhật) ủng hộ chi đoàn bến xe xa cảng Miền Tây chống giám đốc tham nhũng.
Anh Lanh không học bất cứ trường lớp nào về báo chí nhưng trong anh mang lửa nhiệt huyết của những người sinh viên học sinh Sài Gòn tranh đấu.
Lúc nào anh cũng học hỏi và biết dùng người. Khi báo Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, anh Lanh sẵn sàng nhận ngay những cây bút như Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Võ Văn Ðiểm, Phạm Thanh Vân... về Tuổi Trẻ không chút ngại ngần “những người của chế độ cũ”.
Anh sống chan hòa với họ, không có sự cách biệt hay e dè. Anh tin tưởng và sử dụng họ như những anh em đang làm tại Tuổi Trẻ. Từ nguồn tiếp sức này, báo Tuổi Trẻ từ tờ báo tuần đã được nâng lên báo 3 kỳ/tuần.
Thời gian anh Võ Như Lanh ở lại Tuổi Trẻ không lâu vì anh được điều đi học Trường Nguyễn Ái Quốc nhưng anh đã để lại dấu ấn lớn. Anh để lại lời nhắn nhủ cho những người đi sau: “Phải làm báo với tinh thần của những người sinh viên dấn thân đấu tranh cho lẽ phải”.
Khi nhắc đến sự lớn mạnh của Tuổi Trẻ hôm nay, nhất là thời gian 40 năm đang tới, chúng tôi không thể quên dấu ấn của anh - anh Võ Như Lanh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận