02/10/2023 07:23 GMT+7

Vô nhóm chat bán hàng thứ gì cũng có

Các ứng dụng như Messenger, Zalo, Viber... không chỉ để nhắn tin, tán gẫu mà còn là nơi bán hàng vô cùng sôi động tại Việt Nam với đủ thứ mặt hàng.

Một nhóm chat giới thiệu bán hàng trên nền tảng Telegram - Ảnh: HẢI QUỲNH

Một nhóm chat giới thiệu bán hàng trên nền tảng Telegram - Ảnh: HẢI QUỲNH

Ngày cuối tuần, bà Nguyễn Thị Bích (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) mở chiếc smartphone vào nhóm chat Zalo để đi... siêu thị. Suốt hai năm qua, bà Bích giảm dần thói quen đến siêu thị chọn thực phẩm, thay vào đó siêu thị đã đẩy hết các chương trình khuyến mãi vào nhóm chat khách hàng thân thiết.

1.001 món hàng đều có

Trong nhóm có gần 500 khách hàng này, toàn bộ các thông tin khuyến mãi, các mẫu hàng mới của siêu thị kèm giá cả đều được các nhân viên siêu thị luân phiên đăng liên tục để khách chọn. Ưng ý món nào, từ thịt cá, rau... siêu thị giao trực tiếp cho khách hàng, thậm chí quen đến nỗi không cần nhắn địa chỉ mà nhân viên giao hàng vẫn bấm chuông đúng nhà và nhớ luôn thời gian thường nhận hàng của gia chủ.

Săn tìm nguồn hàng qua mạng, chị Minh Nguyên (TP.HCM) được hướng dẫn vào các nhóm bán hàng trên Zalo. Trong đó, thông tin sản phẩm kèm giá cả được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ có phó hoặc trưởng nhóm mới được đăng bài vào nhóm. Các thành viên cần hỏi gì sẽ chat trực tiếp với tài khoản trưởng nhóm hoặc phó nhóm được tìm thấy trong danh sách thành viên.

Trong khi đó để hút khách tham gia các chương trình bán hàng thời trang khuyến mãi lưu động, thương hiệu V. cũng lập nhóm chat với số lượng thành viên tham gia lên đến 1.000 người. Trước những đợt tung hàng khuyến mãi, doanh nghiệp này đã đăng đầy đủ các mức khuyến mãi, số ngày khuyến mãi cũng như địa điểm tổ chức ở TP.HCM để khách hàng... săn sale.

Hay với giới chạy bộ, hiện có chừng chục nhóm lớn với số lượng thành viên lên đến hàng ngàn người/nhóm chuyên bán các phụ kiện chạy bộ. Là khách quen của nhóm giày chạy bộ có hơn 10.000 thành viên, anh Nguyễn Đức Tuấn cho biết giày chạy bộ là loại giày đặc thù, không nhiều shop bán các loại "hàng độc" nên anh phải tham gia nhóm mua bán trên mạng để săn các đôi giày độc lạ.

Anh chỉ cần thấm nước bàn chân in lên tờ giấy, sau đó đo kích cỡ và chụp luôn cả tờ giấy đăng lên nhóm, những người bán sẽ tự động bán đúng loại giày vừa chân anh Tuấn.

Doanh nghiệp bắt "trend"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thùy Lan (quản lý một chuỗi siêu thị tại TP.HCM) cho biết việc kinh doanh qua Zalo là "thừa kế" công cụ kinh doanh thời dịch COVID-19. Sau dịch, hệ thống nhận thấy nhiều khách hàng bận rộn vẫn có nhu cầu mua sắm qua nhóm chat nên siêu thị vẫn duy trì các nhóm mua hàng của những chi nhánh cũ và lập thêm những nhóm chat mới.

Đến nay, hệ thống này đã có hơn 20 nhóm chat của các chi nhánh siêu thị khắp TP với mỗi nhóm có từ 300 - 500 thành viên. Để mời thêm khách hàng thân thiết vào nhóm, bà Lan cho biết siêu thị đã đặt những mã QR của nhóm chat ngay lối ra vào, sau đó mời khách hàng vào nhóm để tương tác.

"Hiện nay cạnh tranh giữa các kênh bán lẻ rất gay gắt, nhiều siêu thị cũng có nhóm chat nên chúng tôi xác định mời khách vào là phải thu hút sự chú ý của khách, thường xuyên đăng tải các chương trình giảm giá để giữ khách và cuối cùng là bán được hàng", bà Lan kể.

Đánh giá về tầm quan trọng của xu hướng thương mại qua hội thoại trực tuyến đối với việc kết nối toàn diện với khách hàng, ông Khôi Lê (giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Hãng Meta) cho biết:

"Hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu kết nối với doanh nghiệp qua các dịch vụ nhắn tin của Meta mỗi tuần. Tại châu Á - Thái Bình Dương, hàng triệu doanh nghiệp đã đưa những công cụ này vào vận hành và từng bước thấy được giá trị của việc tăng cường hội thoại với khách hàng. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc nắm bắt xu thế sử dụng tin nhắn doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở ra tương lai mới của việc giao tiếp với khách hàng".

Ông Khôi Lê nhấn mạnh sự linh hoạt đến từ việc đặt hàng và sau đó được giao về tận nhà, hoặc có thể hỏi thông tin về sản phẩm trước khi mua. Hoạt động nhắn tin giúp tất cả các nhu cầu này được thỏa mãn và đem đến một trải nghiệm mua sắm liền mạch, có tính kết nối.

Luôn cảnh giác rủi ro lừa đảo

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, các hội nhóm kinh doanh, bán hàng trên Messenger, Zalo, Telegram hiện khá phổ biến tại Việt Nam. Đặc điểm của các hội nhóm này là không có nhiều ràng buộc hay cam kết gì cụ thể. Bên cạnh những người kinh doanh thật cũng sẽ có những người xấu đưa các thông tin giả, lừa đảo.

Hình thức tấn công người dùng là đưa ra các đường link tới các trang web giả mạo, chứa mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin, tài khoản, thậm chí lây nhiễm mã độc xuống điện thoại, máy tính của nạn nhân.

Chúng cũng có thể đưa ra các thông tin giả mạo để bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc dẫn dụ nạn nhân nộp tiền để tham gia các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi hấp dẫn nhưng không có thật để chiếm đoạt tiền.

Để phòng tránh các nguy cơ bị lừa đảo, tấn công mã độc, người dùng cần cảnh giác trước các đường link có tên miền lạ, không kết thúc bằng .vn, không bắt đầu bằng https. Không vội tin vào các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng mà cần kiểm tra lại thông qua các kênh thông tin khác để không bị mắc lừa. Đặc biệt nên chọn hình thức nhận hàng trả tiền sau (COD) để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hội nhóm xuyên biên giới

Không chỉ mua hàng trong nước, những du học sinh và Việt kiều ở các quốc gia cũng lập những nhóm trên Facebook có hàng chục ngàn người theo dõi để bán hàng xách tay từ nước ngoài, nhất là từ các nước có đông du học sinh như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Thái Bình Minh cho biết rất nhiều người chuộng hàng Nhật nên bà thường đăng các sản phẩm mỹ phẩm nội địa Nhật lên nhóm trên Facebook, khi có người mua bà sẽ gửi về Việt Nam hưởng tiền lời. Theo bà Minh, từ điện thoại, máy tính cũ, nước hoa, mỹ phẩm... đều có thể bán, miễn là khách đồng ý với phí vận chuyển.

"Với những hàng mới chất lượng đảm bảo, còn những hàng đã qua sử dụng thì cũng vô chừng, nếu hư thì khách hàng phải chịu vì không ai bảo hành cả", bà Minh nói.

Việt Nam thuộc nhóm kinh doanh hội thoại cao nhất

Bán hàng qua hội nhóm chat theo thuật ngữ chuyên ngành được gọi là thương mại qua hội thoại (business messaging).

Nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) và Meta năm 2022 cho thấy cứ ba người tiêu dùng Việt Nam thì có ít nhất một người nhắn tin cho doanh nghiệp ít nhất một lần/tuần. 73% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát sử dụng tính năng này để tiếp cận với các doanh nghiệp. Báo cáo đánh giá Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỉ lệ sử dụng kinh doanh hội thoại cao nhất.

Trong khi đó, một nghiên cứu do Forrester Consulting và Meta thực hiện hồi tháng 12-2022 cho thấy kênh kinh doanh hội thoại giúp đạt kết quả kinh doanh tốt hơn 61% so với các kênh khác, như giá trị đơn hàng cao hơn 22,1% nhờ vào giao tiếp giữa người bán và người mua.

Nóng các hội nhóm online đầu tư chứng khoán, cẩn thận bị "xoay mòng mòng"Nóng các hội nhóm online đầu tư chứng khoán, cẩn thận bị 'xoay mòng mòng'

Chứng khoán nóng trở lại, thêm nhiều nhà đầu tư, người dân được mời vào các hội nhóm online mang danh nghĩa đầu tư chứng khoán. Thay vì đổi đời, không ít người bị "bay" hàng tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp