29/01/2014 14:35 GMT+7

Võ Nguyên Giáp và người thầy của mình

DƯƠNG TRUNG QUỐC
DƯƠNG TRUNG QUỐC

TTXuân - Khi có người hỏi vì sao từ một thầy giáo dạy sử lại trở thành một vị tướng cầm quân kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một câu trả lời rất giản dị: “Điều đó chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được”.

Ha4CCHmL.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới 1950 - Ảnh tư liệu
gzyWtIw4.jpg
Bác Hồ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngày 2-9-1945 - Ảnh: Võ An Ninh

Đọc lại tiểu sử của nhân vật đã được thế giới coi là một vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20, có tên trong mọi sự tuyển chọn những người cầm quân tài ba nhất trong lịch sử nhân loại, người ta được biết người thanh niên Việt Nam Võ Nguyên Giáp được đào tạo hoàn toàn trong nền giáo dục thuộc địa với một tấm bằng ghi nhận học lực cao nhất là cử nhân luật khi 24 tuổi (1935) và một chức nghiệp là dạy sử tại Trường trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội).

Có thể nói tới một công việc nữa mà Võ Nguyên Giáp đã làm trong thời kỳ sôi nổi của phong trào vận động dân chủ ở Đông Dương là làm báo. Ban đầu cho tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn với Viện Dân biểu Trung Kỳ và một số tờ báo công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương bằng quốc ngữ (Tin Tức) hay tiếng Pháp (Le Travail, Notre Voix ...).

Bước ngoặt lớn nhất trong đời

Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động yêu nước từ rất sớm (Đảng Tân Việt sau này chuyển hướng thành cộng sản) và cũng bị tù đày khi còn trẻ (lúc 19 tuổi, 1930). Tuy nhiên, bước ngoặt lịch sử đến với ông là cuộc gặp Nguyễn Ái Quốc (6-1940). Khi Chiến tranh thế giới II đã bùng nổ (9-1939), điều kiện hoạt động công khai không còn, thực dân đàn áp dữ dội… cũng có nghĩa là cơ hội đang tới cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã điểm.

Võ Nguyên Giáp rời Hà Nội sau khi chia tay với người vợ và cô con gái đầu lòng để cùng Phạm Văn Đồng theo Hoàng Văn Thụ qua Trung Quốc. Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Võ Nguyên Giáp chính là thời điểm gặp Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng nổi tiếng hoạt động ở hải ngoại được mọi người Việt Nam ái quốc trong nước ngưỡng mộ.

Năm Võ Nguyên Giáp ra đời (1911) cũng là thời điểm Nguyễn Ái Quốc rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Và trước khi trở về nước không lâu (1941), nhà cách mạng tiếp xúc với những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi của mình. Năm ấy, Võ Nguyên Giáp vừa bước vào ngưỡng tuổi “tam thập nhi lập”.

Cần nói thêm đó cũng là thời điểm trong nước, đặc biệt là ở phía Nam cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ (11-1940). Giống như cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trước đó một thập kỷ (1930-1931), tinh thần cách mạng thì ngút trời nhưng lực lượng cách mạng bị thực dân tàn sát thảm khốc, tổn thất nặng nề... Gần như toàn bộ cơ quan đầu não của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương bị thực dân bắt bớ, giam cầm và số đông chết trong nhà tù thực dân. Trong số đó có cả hai vợ chồng tổng bí thư của Đảng ở hải ngoại là Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai cũng như tổng bí thư ở trong nước là Nguyễn Văn Cừ.

Có một câu hỏi mà người làm sử phải lý giải là vì sao Võ Nguyên Giáp, một thanh niên trí thức hoạt động ở trong nước mà Nguyễn Ái Quốc chưa từng gặp trước đó, lại sớm được vị lãnh tụ tin cậy để giao phó những trọng trách hàng đầu? Dường như chỉ có một mối liên hệ duy nhất trên tờ báo tiếng Pháp của Đảng, tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), là nơi Võ Nguyên Giáp làm phóng viên và Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi bài về đăng. Nhưng có một chi tiết là người đồng chí rất quen biết của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động tại hải ngoại vừa hi sinh sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là Nguyễn Thị Minh Khai có người em gái ruột Nguyễn Thị Quang Thái cũng là một chiến sĩ cộng sản hoạt động ở trong nước, lại chính là vợ của Võ Nguyên Giáp. Sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp chia tay với người vợ cũng là người đồng chí mà ông quen biết ở Huế (1930), lại là người bạn tù khi cả hai cùng bị thực dân bắt giam (1930) rồi kết hôn và cùng nhau chung sống tại Hà Nội sau ngày ông tốt nghiệp trường luật (1935). Võ Nguyên Giáp cũng không ngờ đó là cuộc chia tay lần cuối. Ở trong nước, Quang Thái đã bị thực dân bắt (1942) rồi hi sinh trong nhà tù đế quốc ngày 14-2-1944, để lại một người con gái còn nhỏ dại (Võ Hồng Anh).

Thời điểm đó, Võ Nguyên Giáp theo lệnh của lãnh tụ (lúc này đã mang tên) Hồ Chí Minh đang gầy dựng lực lượng trên chiến khu Việt Bắc. Để rồi ngày 22-12-1944, Võ Nguyên Giáp đã được nhà lãnh đạo tối cao giao trách nhiệm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (sau này hợp nhất với Cứu quốc quân) trở thành tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay với cẩm nang cho chiến thắng: sức mạnh vũ trang phải bắt nguồn từ sức mạnh của tuyên truyền chính trị và một khi có sức dân ủng hộ thì lực lượng vũ trang sẽ có sức mạnh bách chiến bách thắng. Nhận trách nhiệm nặng nề, người cầm quân họ Võ cũng nhận từ Bác Hồ cái tên gọi rất hiền là Văn như một lời nhắc nhở.

Tín tâm

Vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi động trên cả nước, đội quân của Võ Nguyên Giáp với hạt nhân là một đại đội Việt - Mỹ (do Đàm Quang Trung là đại đội trưởng và thiếu tá Thomas làm cố vấn) trang bị vũ khí nhẹ hiện đại đã làm lễ xuất quân từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên đánh phát xít Nhật rồi về Hà Nội tổ chức lễ độc lập.

Với chủ trương đại đoàn kết dân tộc, sau ngày giành được độc lập, trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, chức bộ trưởng quốc phòng được trao cho nhiều nhân vật khác như Chu Văn Tấn, rồi Phan Anh (nguyên bộ trưởng thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim)... Võ Nguyên Giáp giữ chức tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ và chủ tịch Quân sự ủy viên hội, có lúc xuất hiện với tư cách thứ trưởng Bộ Quốc phòng (khi tổ chức Bộ Tổng tham mưu 7-9-1945)...

Công việc xây dựng chế độ mới trong đó bao gồm cả việc ứng phó ngoại giao với cả Pháp và Mỹ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho Võ Nguyên Giáp với một vai trò quan trọng hàng đầu trong chính phủ đương thời là bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cần lưu ý là thời điểm này việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống pháp luật vô cùng quan trọng. Đó là thời kỳ người đứng đầu nhà nước dân chủ - cộng hòa rất quan tâm đến đội ngũ các luật gia. Những nhân vật có nhiều đóng góp trong thời kỳ trứng nước này phải kể đến Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Phan Anh... đều là những luật gia đã có tiếng. Khi chọn Võ Nguyên Giáp vào cương vị người đứng đầu cơ quan “nội trị”, hẳn Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng muốn phát huy những năng lực của vị cử nhân luật trẻ tuổi này.

Đọc lại trong công báo của Nhà nước Việt Nam độc lập những năm đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa, người có cương vị ban hành những sắc lệnh ngoài vị Chủ tịch nước là bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bản sắc lệnh đầu tiên (số 1) lại do Võ Nguyên Giáp ký bổ nhiệm vị hiệu trưởng cũ của Trường Thăng Long là Hoàng Minh Giám làm chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Tiếp đó là nhiều sắc lệnh quan trọng như: thành lập quỹ độc lập, bãi bỏ cờ quẻ ly của chính phủ Trần Trọng Kim và ấn định quy cách quốc kỳ của nhà nước dân chủ cộng hòa; sắc lệnh về tổ chức tổng tuyển cử; về việc giải tán một số đảng phái đi ngược lại lợi ích quốc gia; bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm người đứng đầu cơ quan lưu trữ; bảo vệ các công trình tôn giáo tín ngưỡng...

Trong lĩnh vực đối ngoại, hai nhà giáo của Trường Thăng Long cũ là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám trở thành hai cánh tay đắc lực nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là người đứng đầu công tác ngoại giao quốc gia. Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch nước ủy nhiệm trong các giao dịch đối với Mỹ và các quốc gia đồng minh; tham gia sự kiện ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946, là phó đoàn Việt Nam trong hội nghị Đà Lạt với Pháp để xác lập quan hệ giữa hai nước...

Kể từ sau khi Quốc hội khóa I được triệu tập, trong chính phủ liên hiệp kháng chiến, chức vụ quan trọng của Bộ Nội vụ được chuyển giao cho vị nhân sĩ yêu nước lão thành nổi tiếng là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Rời Tổ quốc hơn bốn tháng sang Pháp để vận động hòa bình (từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 10-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn tin cậy giao phó việc điều hành quốc gia cho cụ Huỳnh vì yên tâm bởi có Võ Nguyên Giáp, người đã từng gắn bó với vị chủ nhiệm tờ báo Tiếng Dân năm xưa, cộng tác và trợ lực.

Khi cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập là không thể tránh khỏi và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, trong hồi ức của mình, Võ Nguyên Giáp nhắc đến hai sự kiện: lời nhắc nhở của Bác Hồ khi giám sát công tác chuẩn bị kháng chiến của thủ đô rằng “quyết tâm” chưa đủ mà phải là “tín tâm”. “Tín tâm” mang ý nghĩa là một niềm tin không chỉ bằng trái tim mà phải bằng cả khối óc thì mới có thể tạo ra sự đồng thuận, đồng tâm trong hành động của mọi người thì sự nghiệp mới thành công.

Có thể nói nguyên lý “đã đánh là chắc thắng” trở thành một phương châm hành động của vị tổng tư lệnh trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Sự kiện thứ hai là yêu cầu mọi người tìm đọc lại trong sử sách (mà vào thời điểm năm 1946 thì chỉ có cuốn Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim là bộ sử quốc ngữ hoàn thiện nhất) để học cách đánh và cách thắng truyền thống của tổ tiên.

UugIwYf9.jpg
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến thị sát bộ đội diễn tập năm 1957 - Ảnh: TTXVN

“Đánh chắc thắng chắc”

Bên cạnh những “cẩm nang” Bác trao truyền, còn phải nói đến những quyết định sáng suốt đã chắp cánh và cổ vũ để vị đại tướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tân phong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa đi được một chặng đường thử thách đầu tiên, đánh bại cuộc tập kích của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng (1948). Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị đại tướng đầu tiên mà còn là vị tướng cầm quân duy nhất trong lịch sử được nguyên thủ quốc gia giao trọng trách tổng tư lệnh trong hai cuộc kháng chiến chống “hai đế quốc to” và là vị bộ trưởng quốc phòng cho đến lúc hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam thống nhất (1979)...

Sau Chiến dịch biên giới (1950), một chiến dịch có tầm quan trọng như một bước ngoặc của cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tài cầm quân của vị tổng tư lệnh sắp bước vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” đã thể hiện và được phát huy trong những chiến dịch tiếp theo... Cho đến chiến dịch mang tính chất quyết định toàn bộ chiến trường Đông Dương khi thực dân Pháp đã bị dồn vào tình thế để có thể tạo ra một trận quyết chiến chiến lược khi xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ và thách đấu Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định sẽ mở chiến dịch bao vây để tiêu diệt cứ điểm của Pháp trên thung lũng Mường Thanh.

Trận đánh lớn và quyết định này diễn ra vào thời điểm về phía đối phương Mỹ đã can thiệp sâu vào Đông Dương làm hậu thuẫn cho thực dân Pháp; còn về phía Việt Nam thì ngoài vũ khí của các nước xã hội chủ nghĩa, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cũng có mặt bên cạnh bộ tham mưu chiến dịch. Làm sao vừa đối phó với một đối thủ mạnh hơn nhờ sự trợ giúp của Mỹ và lại giữ được những quyết định độc lập bên cạnh sự trợ giúp về kinh nghiệm của các cố vấn Trung Quốc, những người đã có trải nghiệm đương đầu với Mỹ trên chiến trường Triều Tiên, tình thế ấy phải cần đến một chính sách quan trọng.

Chính sách ấy chính là quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó toàn quyền quyết định cho Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến trường Điện Biên Phủ. Chắc chắn nếu không có sự giao phó vô tiền khoáng hậu ấy, vào thời điểm mà phương châm tác chiến mang tính chất quyết định sống còn với kết quả trận đánh, Võ Nguyên Giáp sẽ không thể đưa ra được quyết định sáng suốt để chỉ đạo chiến dịch từ phương thức “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”. Đúng là vào thời điểm ấy, mọi sự chậm trễ, mọi sự cân nhắc mang tính tập thể lại cũng có thể là mầm mối cho thất bại... Sự thật đã chứng minh không chỉ tài năng của Võ Nguyên Giáp mà còn bắt nguồn từ sự sáng suốt biết dùng người của người đứng đầu cuộc kháng chiến.

Tháng 9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trải qua những thử thách cam go và khắc nghiệt nhất. Đó cũng là thời điểm Võ Nguyên Giáp cùng những đồng đội vượt lên tất cả để hoàn thành trọn vẹn công cuộc thống nhất đất nước bảo toàn lãnh thổ quốc gia. Mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa...” và quyết định giải phóng các hải đảo ngoài biển xa xôi giữa lúc cuộc chiến trên đất liền còn đang diễn ra quyết liệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vào mùa xuân 1975 đã nói lên ý chí của Đại tướng cùng cả dân tộc quyết tâm thực hiện lời chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân cuối cùng 1969: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”.

Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng vào thời điểm tổng hành dinh ở Hà Nội nhận được tin lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đã tung bay tại dinh Độc Lập vào buổi trưa 30-4-1975, trong tâm tưởng của ông, người đầu tiên ông nghĩ tới là Bác Hồ.

Vị tướng của hòa bình

Ông rời khỏi chức vụ đứng đầu lực lượng vũ trang vào năm 1980 để rồi đúng một thập kỷ sau (1990), ông lại là một quan chức đầu tiên (phó thủ tướng Chính phủ) công khai tới Bắc Kinh tham dự Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) như biểu tượng của quá trình hòa giải với Trung Quốc và đó cũng là một trong những công việc nhà nước cuối cùng trước khi ông về hưu (1991).

Và một thập kỷ sau (1995), vào thời điểm Mỹ chấm dứt cấm vận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vị đại tướng từng cầm quân đánh Mỹ gặp lại cả những đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (với nhóm “Con nai” của đại đội Việt - Mỹ năm xưa) vào tháng 9-1995 và gặp gỡ cả vị cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, đối thủ cũ trong cuộc chiến Việt Nam vào tháng 11 năm đó... như biểu tượng cho tiến trình hòa giải với Mỹ.

Với những cống hiến cho lịch sử, Võ Nguyên Giáp được vinh danh bởi những biểu tượng cao quý như “Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Vị tướng huyền thoại của nhân dân”..., nhưng chỉ có một danh hiệu ông tự nhận là “Vị tướng của hòa bình” và như một lần ông đã tâm sự với bạn bè quốc tế: “Nếu không có chiến tranh, tôi là một ông thầy dạy sử”.

Ít ai biết rằng trong ngày lễ Độc lập 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, sau tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc là bài diễn văn của Bộ trưởng nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập. Bài diễn văn kết thúc bằng những lời lẽ hào hùng của một ông thầy dạy sử:

Dân tộc Việt Nam đòi độc lập, tự do, bình đẳng đến cùng. Đòi bằng ngoại giao, ôn hòa chẳng được thì ta hãy tuốt gươm. Chúng ta sẵn sàng nhận tất cả mọi sự có thể xảy đến. Chúng ta có thể không mạnh bằng kẻ địch, song chúng ta sẽ thắng kẻ địch như ông cha chúng ta đời Trần. Chúng ta có thể thua năm mươi trận, nhưng thắng lợi nhất định sẽ về tay chúng ta.

Dù sao đi nữa, chúng ta quyết chí, nỗ lực chiến đấu thì nhất định chúng ta duy trì được những thắng lợi ngày hôm nay. Đúng như lời ông Ru-dơ-ven, sự áp bức và tàn bạo đã làm cho chúng ta biết tự do nghĩa là gì.

Dưới sự lãnh đạo của chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp, tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than kiệt quệ.

Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc”.

DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp