Phóng to |
Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 khiến trường thêm khó khăn. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Văn Hiến học trong thư viện trường - Ảnh: Trần Huỳnh |
Giữa tháng 4, các học viên và phụ huynh của cơ sở đào tạo thiết kế, nghệ thuật và quản lý thời trang Vmode (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đến cơ sở này đòi lại học phí. Cuối cùng, một học viên đã lấy... một chiếc máy may tương đương 4,2 triệu đồng học phí đã đóng cho những môn chưa được học.
Lấy tài sản trừ học phí
Có mặt ở cơ sở này tại thời điểm trên, chúng tôi nhận thấy mọi hoạt động dạy - học của cơ sở đã dừng lại. Vật dụng có giá trị của Vmode hầu như đã được chuyển đi hết, chỉ còn hai tủ kính, mấy bộ manơcanh và vài chiếc máy may. Trước đó, một số học viên khóa 1, khóa 3 đã đến lấy máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở... của trường để trừ nợ. Bà Nguyễn Nhật Quỳnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vi Mốt, đơn vị chủ quản cơ sở đào tạo này - cho biết: “Trường đã ngừng hoạt động vì khó khăn về tài chính. Thực tế chúng tôi đang trong quá trình thương thảo với các đối tác để vượt qua khó khăn hiện tại chứ không phải trường đã phá sản”.
Cũng theo bà Quỳnh, cơ sở đào tạo này chính thức tuyển sinh từ tháng 2-2011 với 120 học viên (40 học viên khóa dài hạn và 80 học viên khóa ngắn hạn). Mức học phí của trường là 60 triệu đồng/khóa dài hạn và 10-20 triệu đồng/khóa ngắn hạn. Tuy nhiên, trong quá trình học nhiều học viên tự bỏ học. Khi ngừng hoạt động trường chỉ còn 14 học viên đang theo học (trong đó có tám học viên dài hạn). Do không tuyển sinh đạt chỉ tiêu nên thu không đủ bù chi phí hoạt động. “Từ khi mở trường đến nay tháng nào công ty cũng phải bù lỗ do quá ít người học. Đầu năm 2012, trường đã không đủ khả năng trả lương cho giáo viên nhưng vẫn ráng gồng... Đến nay đã lỗ hàng tỉ đồng nên tạm thời phải ngừng hoạt động để tìm đối tác, kêu gọi đầu tư...”- bà Quỳnh cho biết.
Trước đó, nhà trường đã họp học viên để thông báo tình hình khó khăn của trường, công khai tài chính và đưa ra hướng giải quyết. Theo đó trường tạm ngưng ba tháng để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời học phí những môn học viên chưa học được hoàn trả 50% tiền mặt và 50% tài sản hiện có tại trường (máy chiếu, máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở...). “Trường rất muốn hoàn trả 100% học phí cho học viên nhưng không thể. Chúng tôi chỉ vay được mức vậy thôi...” - bà Quỳnh giãi bày.
Cố gắng cầm cự
Từ ba cơ sở đào tạo, đến nay Trường trung cấp nghề Việt Giao chỉ còn một điểm ở Q.10, TP.HCM. Theo ông Trần Phương - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường, năm 2007 trường tuyển được 5-7 lớp (50 học sinh/lớp), nhưng đến năm 2011 chỉ tuyển được một lớp. Ba năm nay nhà trường không tuyển sinh được vào đợt tuyển tháng tư hằng năm.
Năm 2011, Trường trung cấp tư thục Hoàn Cầu (TP.HCM) gửi 10.000 thư mời nhập học nhưng chỉ có 78 học viên đến nhập học. Hết học kỳ I, học viên theo học tại trường này “rơi rụng” gần một nửa, đến nay chỉ còn 40. Ông Võ Thanh Trà - trưởng phòng đào tạo nhà trường - tính toán trường thuê một căn nhà hai tầng trên đường Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM) vừa làm trụ sở, vừa bố trí 10 phòng học để phục vụ đào tạo hết 80 triệu đồng/tháng. Chi phí cho hoạt động tuyển sinh của trường trong năm 2011 hết khoảng 100 triệu đồng. Nhưng trước tình hình tuyển sinh “ế ẩm”, trường phải cho thuê lại tầng 1 của tòa nhà để bù lỗ. Đồng thời để giảm chi phí, trường vận động học viên hai ngành lập trình máy tính và quản trị mạng... dồn vào một lớp.
“Khi thành lập, lãnh đạo trường lạc quan nghĩ rằng mỗi năm sẽ tuyển được 300 học viên. Qua ba năm số học viên tại trường sẽ gần 1.000. Thế nhưng, học phí thu không đủ đóng tiền mặt bằng. Hiện trường đang gặp nhiều khó khăn vì phải bù lỗ hằng tháng cho phí thuê mặt bằng, giáo viên, nhân viên... Trường đã rao bán bớt cổ phần nhưng không ai mua nên đang cố gắng cầm cự, còn nước còn tát” - ông Trà nói.
Trong khi đó, Trường trung cấp nghề Du lịch và tiếp thị quốc tế (TP.HCM) cũng đang phải hoạt động cầm chừng. “Trường đang bù lỗ và không biết cầm cự được bao lâu nữa” - ông Phan Đình Huê, phó hiệu trưởng nhà trường, lo lắng. Theo ông Huê, từ năm 2008 đến nay trường đã phải cắt giảm 2/3 quy mô hoạt động. Từ khoảng 800 học viên, đến nay chỉ còn hơn 100 học viên đang theo học tại trường này. Dù tăng cường quảng cáo, tuyển sinh nhưng số người theo học cứ giảm dần đều qua từng năm. Trước đây, trường có một cơ sở chính “hoành tráng” ở đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng ba điểm hợp tác đào tạo khác thì hiện chỉ còn một trụ sở nhỏ hơn trụ sở ban đầu. Hiện nhà trường đang trông chờ tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn để “lấy ngắn nuôi dài” và hoàn tất hồ sơ, thủ tục để mở một phân hiệu ở Cần Thơ.
“Đẩy các trường vào chỗ khó hơn”
Từ khi thành lập đến nay Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) luôn trong tình trạng khó khăn đủ thứ do thiếu tiền. Năm trước trường có bảy khoa, hai trung tâm đào tạo hàng chục ngành với khoảng 1.250 sinh viên. Tuy nhiên trường lỗ 2,5-3 tỉ đồng/năm và nếu duy trì tình trạng này, số lỗ sẽ nhiều hơn, gấp 2-3 lần. Trong khi tình hình tuyển sinh của trường luôn èo uột nên khó càng thêm khó.
Ngày 27-4, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với một loạt ngành đào tạo ĐH của một số trường ĐH, trong số này hầu hết là các trường ngoài công lập. Lý do đình chỉ là tỉ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao và thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.. Trước đó, do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với các trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, ĐH Hùng Vương TP.HCM và đình chỉ tuyển sinh 12 ngành đào tạo thuộc bốn trường: ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Quy định mới của bộ rất đúng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng để thực hiện phải có lộ trình. Bộ phải thừa nhận thực tế các trường ngoài công lập đang tồn tại nhờ số lượng người học, nguồn thu từ học phí. Không ít trường đang khó khăn, nay bộ làm căng như vậy đã đẩy các trường vào chỗ khó hơn”.
Chỉ tiêu 100, tuyển sinh được 20 Bên cạnh đó, hiện còn có không ít trường ĐH tư thục khác cũng đang vật vã tìm cách tồn tại, bằng mọi cách vét thí sinh mỗi mùa tuyển sinh. Chưa bao giờ Trường ĐH Hà Hoa Tiên dùng hết 20-30% chỉ tiêu ĐH chính quy và chỉ tiêu phải cắt giảm dần theo từng mùa tuyển sinh... Mùa tuyển sinh năm trước, Trường ĐH Lương Thế Vinh có 1.400 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được vài chục từ nguyện vọng 1, Trường ĐH Thái Bình Dương có 900 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 92 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, Trường ĐH Tân Tạo chỉ vài chục sinh viên theo học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận