18/01/2012 10:50 GMT+7

Vô địch rượu ngâm

HUY THỌ 
HUY THỌ 

TT - Trên thế giới, chẳng ai hơn nổi Việt Nam về cái khoản rượu ngâm. Ngâm đủ thứ, từ động vật đến thực vật.

VHcOWYOp.jpgPhóng to
Cặp hải mã “đại tướng quân” dài 30cm - Ảnh: H.T

Cái này không phải chúng tôi nói hay một người Việt nào nói, mà là chính mấy ông Tây balô đi du lịch Việt Nam về rồi viết trên mạng như thế. Nếu không tin, các bạn cứ vào Google gõ mấy từ “animals in alcohol” (ngâm động vật trong rượu) sẽ thấy vô số bài, hình ảnh về chuyện rượu ngâm của Việt Nam!

Tây xoàng lắm!

Trong một chuyến đi Mỹ, cậu em họ dẫn tôi đến một quán bar để lai rai, trò chuyện. Chú em bảo: “Quán này có nhiều loại rượu độc đáo của Mexico. Trong đó, Mezcal là loại độc đáo nhất. Phần lớn chỉ có dân Mễ mới dám uống, chứ dân Mỹ toàn nhìn. Mezcal là loại rượu gì mà ghê thế? Chú em của tôi bảo: Người ta ngâm sâu trong ấy!

Vốn ưa sưu tầm rượu lạ, tôi lùng mua bằng được Mezcal, loại chai nhỏ để chưng tủ kính. Ba chai nho nhỏ bằng nắm tay, mỗi chai một màu đen, trắng và đỏ. Quả tình trong mỗi chai có một chú sâu! Muốn biết cho rõ ngọn nguồn, tôi tra tìm trên Google và được biết Mezcal chỉ là rượu trắng của Mexico ngâm với những con ấu trùng của loại ngài có tên Hypopta Agavis, sống rất nhiều ở Oaxaca (Mexico). Người Mexico ngâm con ấu trùng này chẳng phải vì bổ béo gì, mà nó chỉ giúp rượu cho mùi thơm nhẹ do ấu trùng tiết ra, đồng thời để rượu có màu vàng nhạt khá đẹp.

Ôi, chỉ có thế thì quá xoàng.

iIDPdS7C.jpgPhóng to
Rượu ngâm xúc xích của dân Mỹ - Ảnh: egullet.org

Nhưng cũng để chắc ăn, tôi lục tung các trang web liên quan đến những loại rượu ngâm lạ. Trên trang web asylum.com chuyên về chuyện ăn nhậu, giải trí của dân Anh có nói khá nhiều về chuyện rượu ngâm. Trong đó, người ta “tôn vinh” Việt Nam là “trùm” về màn ngâm rắn, uống rượu pha tiết rắn. Còn các nước khác thì bèo lắm. Ví dụ dân Mỹ có món rượu ngâm… xúc xích. Ở Seattle (Mỹ) có một hãng rượu sản xuất Vodka Bacon (rượu vodka ngâm thịt heo muối). Nói về khoản ngâm rượu các loài động vật (nguyên con hoặc một bộ phận nào đó), họa may chỉ có Trung Quốc còn hi vọng bén gót dân ta. Tuy nhiên, họ cũng chỉ dừng lại mấy món như tay gấu, cao hổ cốt, hà nàm (bào thai) nai, nhím… Món độc nhất của Trung Quốc là ngâm chuột con ba ngày tuổi để chữa hen suyễn thì theo lương y Võ Hà viết trên Khoa Học & Đời Sống, món này cũng có ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc.

Với dân phương Tây, chuyện đem động vật ngâm rượu có vẻ là cấm kỵ. Cấm từ phong tục tập quán, lối sống đến luật pháp. Năm 2008, báo chí ở Mỹ và các nước rần rần đưa tin anh chàng Bob Popplewll ở Texas đã bị Ủy ban đồ uống có cồn phát hiện việc trong nhà có đến 411 hũ rượu rắn. Trong mỗi hũ có chứa một chú rắn chuông! Kết quả cảnh sát đã bắt và tống giam anh vào tù vì tội tàn sát động vật.

Không phải dân Tây không khoái rượu ngâm, có điều họ chỉ ngâm thực vật là chính. Ở Nga, người ta có loại rượu vodka ngâm horseradish (tạm dịch là cải ngựa, có vị cay như wasabi). Hay Pickle vodka là loại rượu ngâm với dưa chuột muối cũng rất được ưa thích. Nhưng nổi tiếng nhất là Chartreuse-Voiron của người Pháp, do các mục sư sáng chế khi ngâm trên 130 loại thảo dược. Loại rượu này đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

o6SsUG0Y.jpgPhóng to
Ấu trùng Hypopta Agavis dùng để ngâm rượu Mezcal - Ảnh: thechobble.com

Ta là số 1

Vâng, người Việt Nam có vẻ rất khoái ngâm, ngâm đủ thứ từ động vật đến thực vật. Nhưng rắn, bìm bịp, hải mã (cá ngựa), cao hổ cốt, tay gấu, nhung nai… dù quý nhưng quá thường. Thậm chí ở miền núi phía Bắc, nổi tiếng có rượu sâu chít. Viện Y học dân tộc quân đội đã làm hẳn một công trình nghiên cứu về con sâu này và kết luận rượu ngâm sâu chít có lợi cho sức khỏe đàn ông lẫn phụ nữ. Món này vài chục năm trước còn lạ với cánh đàn ông phương Nam, nhưng bây giờ cũng trở nên thường khi vào các quán ăn dân tộc trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ vài chục ngàn đồng là có ngay một xị rượu sâu chít. Thậm chí rượu ngán (ngán có hình thù giống con ngao), đặc sản Quảng Ninh, giờ cũng tìm thấy ở Sài Gòn.

Còn thực vật thì vô vàn, từ chuối hột Phú Lễ - đặc sản Bến Tre, sim rừng, mỏ quạ của Kiên Giang đến, ba kích của Quảng Ninh, mơ Hương Tích, táo mèo…

IBI632of.jpgPhóng to
Trứng yến ngâm rượu - Ảnh: H.T.

Rượu ngâm bổ thật hay không hãy khoan bàn tới, với cánh mày râu việc trước tiên là phải lạ. Tôi cũng trong số đông thích lạ ấy. Tết năm rồi, biết rằng thời buổi này ba ngày tết mọi người thường ngại đi nên không dễ tụ họp anh em bạn bè. Nhưng nếu có hàng độc thì ới một tiếng là đủ quân số ngay. Biết tính bạn bè, gần cuối năm tôi khoe: ”Có một bình hải mã độc đáo, anh em có rảnh xin mời mùng 2 đến nhà”. Lập tức có tiếng xì xà: ”Tưởng gì, hải mã! Bèo như con cá kèo”. Ấy, đừng vội chê. Đố thắp đuốc tìm được cặp hải mã đại tướng quân đấy, tôi nói. Nghe hải mã đại tướng quân, anh em vội nhao nhao hỏi là sao? Thì mỗi con dài ba tấc, to bằng nửa cườm tay. Xưa nay hải mã toàn thấy cỡ bằng ngón tay chứ sao có hàng khủng cỡ đó. Ngay lập tức, mùng 2 tết năm ngoái quân tướng tụ họp đầy đủ để thưởng thức (cả bằng mồm lẫn mắt) cặp hải mã đại tướng quân. Hai vị đại tướng quân này tôi nài nỉ lắm ông anh rể mới cho, khi được một học trò là dân thủy sản tặng, kèm theo lời khoe: ”Hàng này có tiền cũng khó mua ”.

Năm nay mọi người lại hỏi có hàng độc gì không? Độc thì không có, nhưng có lạ. Số là hè vừa rồi, một người quen đang công tác ở Công ty Yến sào Khánh Hòa gửi tặng hũ rượu ngâm trứng chim yến. Xin nói rõ là không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của yến. Cái này không có ngoài thị trường, vì nó chưa đủ cho dân trong ngành hưởng, lấy gì ra tới ngoài. Hỏi rượu ngâm trứng chim yến có tác dụng gì thì nghe bảo: rất tốt cho việc ổn định huyết áp. Ối trời, với các ông tầm ngũ tuần nghe thế là mê tít rồi.

Có điều dù khoái lạ đến mấy, tôi cũng như nhiều bạn bè đều không dám rớ đến một thứ: rượu huyết lình của vùng Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La. Ắt có người sẽ hỏi huyết lình là gì. Xin trả lời, huyết lình là máu của khỉ cái tới tháng…Ôi thôi, nói tới đó là xin dừng, kẻo ăn tết không ngon miệng!

Rượu ngâm Việt Nam

Rượu ngâm của Việt Nam rất phong phú. Hầu như gia đình nào cũng có một vài bình rượu ngâm trong nhà. Tạm chia làm hai loại như sau:

Rượu ngâm thảo dược

Trong thực tế, tùy địa phương, vùng miền có nhiều bí quyết ngâm rượu riêng, tuy nhiên người ta thường thấy rượu được ngâm với dâm dương hoắc, sâm các loại, kỷ tử, táo tàu, cùi nhãn, cùi vải, củ và rễ đinh lăng, cây mật gấu, thục, ba kích, chuối hột, mơ, tầm gửi (đặc biệt tầm gửi gỗ nghiến), quế chi, xuyên khung, nhục thung dung, hà thủ ô... Một số bài thuốc cổ truyền ngâm rượu trở nên nổi tiếng vì hiệu quả, như rượu Minh Mạng thang.

Rượu ngâm động vật

* Rượu ngâm nguyên con thường gặp là rượu rắn, rượu tắc kè, rượu bìm bịp, rượu chim sẻ, rượu cá ngựa, rượu ong đất, rượu ong vò vẽ, rượu hải long (rồng biển, sao biển), rượu tằm, rượu sâu chít, rượu hải sâm, rượu sò huyết, rượu ngán...

* Rượu ngâm từng phần tạng phủ động vật: ngâm bào thai (dê, bê, hổ, khỉ), tinh hoàn và dương vật (dê, hải cẩu, hổ), tiết động vật (rắn, dê), mật (mật gấu, mật rắn, mật trăn), óc (khỉ), tay (gấu)...

* Rượu ngâm các loại cao động vật: thường thấy rượu cao hổ cốt, rượu cao khỉ, rượu cao trăn, rượu cao sơn dương...

HUY THỌ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp