Một người dân trở về bản May nhặt nhạnh, tìm kiếm đồ đạc trong đống đổ nát - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Từ ngày 13-8, PV Tuổi Trẻ đã có mặt tại bản May, huyện Sanamxay - một trong tám bản gần như bị xóa sổ sau sự cố vỡ đập thủy điện - ghi nhận công tác khắc phục hậu quả.
Tại hiện trường sáng 15-8, thiếu tướng Pha Lom - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, chỉ huy trưởng chiến dịch cứu hộ tìm kiếm cứu nạn - cho biết:
- Có thể nói vụ vỡ đập thủy điện là thảm họa lớn chưa từng có từ trước đến nay. Ban đầu, chúng tôi thống kê có 131 người dân chết và mất tích, tuy nhiên từ ngày xảy ra thảm họa tới nay đã có một số người dân tìm được đường trở về địa phương, một số người dân bị thương tích nặng như giập sườn, gãy chân tay được cứu chữa tại các cơ sở y tế, nên đến nay con số chính xác của vụ việc này là 101 nạn nhân, 31 người được xác định đã tử vong, 70 người còn mất tích.
* Tình hình thực tế đến nay ở hạ du đập thủy điện xảy ra sự cố ra sao, thưa ông?
- Vụ vỡ đập đã ảnh hưởng với mức độ chưa từng có trong bán kính khoảng 300km tính từ thân đập. 11 bản thuộc tỉnh Attapeu gần như không còn có khả năng tái thiết, có những bản đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Hiện nay, người dân sau khi sơ tán đã trở về, nhưng nhà cửa tan hoang nên phải tạm thời sống trong các trại "tị nạn" tập trung do chính phủ, quân đội và các tổ chức quốc tế lập ra.
* Hiện nay, công tác điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư cụ thể như thế nào?
- Chính phủ Lào đã thành lập tổ công tác đặc biệt gồm các đoàn công tác, chuyên gia của trung ương đến hiện trường nơi đoạn thân đập thủy điện bị vỡ để đo đạc, cùng chủ đầu tư đánh giá, điều tra chính xác nguyên nhân vụ việc vô cùng nghiêm trọng này để từ đó có các bước tiếp theo.
* Về phía chủ đầu tư công trình thủy điện, đơn vị này đã có những động thái nhận trách nhiệm hay chưa, thưa ông?
- Sau sự cố vỡ đập thủy điện gây thảm họa cho người dân, phía chủ đầu tư công trình đã nhận trách nhiệm, cam kết cùng Chính phủ Lào trước mắt khắc phục hậu quả vụ việc, đồng thời cũng cam kết đền bù những thiệt hại, tổn thất nặng nề sau sự cố.
Việt Nam đưa 2 xuồng đệm khí tối tân qua Lào
Từ ngày 13-8, đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 5 do thiếu tướng Đoàn Kiểu - phó tư lệnh Quân khu 5 - dẫn đầu đã tới bản May.
Thiếu tướng Đoàn Kiểu cho biết trước tình hình khó khăn và mất mát lớn của Chính phủ, người dân Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã yêu cầu Quân khu 5 triển khai thêm lực lượng.
Cùng với Bộ tư lệnh Công binh, Quân khu 5 đã tổ chức đoàn đưa tổng cộng 65 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng qua tiếp tục cùng quân đội Lào khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích.
Trong nhiều phương tiện trang thiết bị được đưa qua đợt này thì lần đầu tiên Bộ Quốc phòng triển khai hai xuồng đệm khí.
Hai xuồng đệm khí này có khả năng lội trên bùn đặc, tiếp cận những vị trí mà canô, các phương tiện không thể tới được.
Thiếu tướng Pha Lom - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Cảm kích
Cả cộng đồng quốc tế đang dành sự quan tâm giúp đỡ Chính phủ, người dân Lào.
Ngoài tiền mặt, nhiều đoàn quốc tế từ các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... cũng đã tới các khu vực bị ảnh hưởng hỗ trợ người dân dựng lều tạm, khám chữa bệnh, ngăn ngừa bệnh dịch...
Chúng tôi đặc biệt rất cảm kích sự giúp đỡ đúng lúc của phía Việt Nam, đặc biệt là Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã cử lực lượng, chuyên gia, y bác sĩ tiếp cận vùng bị nạn tại Lào sớm nhất để kịp thời ứng phó thảm họa, khắc phục hậu quả tới nay.
Thiếu tướng PHA LOM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận