30/07/2021 15:01 GMT+7

Vợ chồng ‘tranh nhau’ vào Nam chống dịch: ‘Mình cùng đi được không?’

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Chồng thông báo đã ở trong danh sách đi Nam chống dịch, đồng nghĩa vợ phải ở nhà, ngoài ra còn có con nhỏ, vợ vẫn nài nỉ: 'Mình cùng đi được không… Hay mỗi người đi một đợt. Em thực sự muốn đi, muốn giúp sức nhỏ bé của mình'.

Vợ chồng ‘tranh nhau’ vào Nam chống dịch: ‘Mình cùng đi được không?’ - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai chia tay đoàn 21 chuyên gia vào chi viện cho TP.HCM chiều 29-7 - Ảnh: THÀNH DƯƠNG

Sau mệnh lệnh "chi viện" cho miền Nam của Bộ Y tế, một làn sóng tình nguyện "vào Nam" đang sôi sục tại nhiều bệnh viện ở miền Bắc.

"Nơi nào nhân dân cần, chúng tôi có"

Khi đưa ra thông báo của bệnh viện tới các đồng nghiệp trong khoa về việc lập danh sách nhân lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19, bác sĩ Hoàng Tùng - phó trưởng khoa phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - không ngờ chỉ vài chục phút sau đã nhận tin nhắn tới tấp xin được "vô Nam", từ các bạn trẻ còn "chưa vướng bận" cho tới nhân viên sắp nghỉ hưu, người có con nhỏ, cha mẹ bệnh nặng.

Bác sĩ Tùng phải vất vả sàng lọc danh sách bởi lượng đăng ký đông quá. Đợt 1 chưa đi mà hiện ông đã có cả danh sách dài của đợt 2, đợt 3.

Là bác sĩ phẫu thuật với tinh thần thép và thường rất tiết chế cảm xúc, ông cảm động khi thấy những "bé" điều dưỡng thường ngày ông chỉ chấn chỉnh về chuyên môn chút xíu đã trốn vào một góc thút thít khóc, thì nay lại là những người đăng ký sớm nhất.

Có những trường hợp ông buộc phải từ chối cho đi đợt này mà "để dành" đợt sau, nhưng trong lòng vô cùng xúc động về tinh thần dấn thân của "đồng đội". 

Đó là bác sĩ Tiến trong khoa, dù nhà neo người, vất vả, vợ đang ở nước ngoài, bố mắc ung thư, mẹ mới ghép thận vài tháng nhưng vẫn đăng ký đi ngay trong đợt 1 để kịp thời hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch. Ông Tùng đã vất vả thuyết phục đồng nghiệp đi đợt sau, khi đã sắp xếp, lo toan cho cha mẹ, gia đình được chu toàn.

Thuyết phục bác sĩ Tiến xong, ông Tùng lại phải "ép" điều dưỡng Nguyễn Thị Trang đi đợt sau, ở nhà chăm sóc con nhỏ, "nhường" chồng chị (đang công tác ở khoa khác trong bệnh viện) đi trước.

Vợ chồng ‘tranh nhau’ vào Nam chống dịch: ‘Mình cùng đi được không?’ - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tự "cạo đầu" cho nhau để chuẩn bị vào "tuyến lửa" - Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức

Những người chấp nhận đi sau cũng không chịu ngồi yên đợt này. Họ tình nguyện cắt bớt thu nhập, gom góp ủng hộ cho những người đi trước 10 triệu đồng để mua sắm đồ dùng cá nhân cho chuyến đi.

Tinh thần xung phong ngùn ngụt như vậy nhưng bác sĩ Tùng chỉ cho đó là "chuyện bình thường cần làm, không có gì đáng kể".

"Chúng tôi là lực lượng tuyến đầu mà, sinh viên còn đi được. Tất cả chúng tôi sẽ lần lượt thay phiên nhau đi, chỉ trừ ai ốm đau, có bệnh lý nền đang điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ, có chỉ định của bác sĩ mới ở nhà thôi. Nơi nào nhân dân cần, chúng tôi có", bác sĩ Hoàng Tùng nói.

PGS.TS Lê Tư Hoàng - chủ tịch công đoàn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết đợt 1 này bệnh viện có gần 500 nhân viên y tế chuẩn bị lên đường. Mấy ngày nay, các y bác sĩ trong bệnh viện nhộn nhịp khoác nilông ngồi cho đồng nghiệp "cạo đầu" để sẵn sàng vào vùng dịch.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai trong chiều mưa 29-7 cũng xúc động chia tay đoàn 21 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn, hô hấp... vào chi viện cho TP.HCM.

Họ là các chuyên gia đã từng chiến thắng trên các "mặt trận" Sơn Lôi - Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh... vào TP.HCM đợt này khảo sát để lập Bệnh viện hồi sức Bạch Mai - TP.HCM với quy mô 500 giường.

Vợ chồng ‘tranh nhau’ vào Nam chống dịch: ‘Mình cùng đi được không?’ - Ảnh 3.

Những dòng tin nhắn xúc động của cặp vợ chồng bác sĩ Lê Trung Nghĩa - Trần Thị Thúy Ngần - Ảnh chụp màn hình

"Mình cùng đi được không bố?"

Mấy ngày nay, cặp vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức bỗng nổi tiếng trên truyền thông bởi những dòng tin nhắn cảm động vợ chồng "tranh nhau" vào Nam chống dịch.

Trong khi người vợ "xin phép" chồng cho vào Nam chống dịch đợt này, người chồng thuyết phục vợ ở lại chăm con cho mình yên tâm đi, bởi đi vào đó là "xác định khả năng mắc COVID-19 rất cao".

Mặc dù được chồng thông báo anh đã ở trong danh sách đi đợt này rồi, bệnh viện đã có chủ trương nhà có hai người trong viện thì chỉ đi một người nên "em sẽ không trong diện được đi nữa đâu", nhưng người vợ vẫn cố gắng nài nỉ chồng: "Mình cùng đi được không bố… Hay mỗi người đi một đợt. Em thực sự muốn đi, muốn giúp sức nhỏ bé của mình".

Đây là câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ ở Bệnh viện Việt - Đức: bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (khoa phẫu thuật cấp cứu bụng) và nữ điều dưỡng Trần Thị Thúy Ngần (khoa phẫu thuật thần kinh I).

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Ngần một mực cho rằng câu chuyện của mình không có gì đáng kể bởi còn "có rất nhiều anh chị nhân viên y tế con nhỏ vẫn đi chống dịch không chỉ 1 lần".

"Đâu ai muốn lao vào chốn nguy hiểm, đâu ai muốn xa gia đình, xa con nhỏ, nhưng vì tình hình dịch bệnh căng thẳng nên mọi người đều cố gắng bỏ qua nỗi sợ của bản thân", chị tâm sự.

Tiếng hát lại cất cao giữa nắng mưa nơi tuyến đầu chống dịch Tiếng hát lại cất cao giữa nắng mưa nơi tuyến đầu chống dịch

TTO - 'Hãy giữ cho mình bình an nhé, chúng tôi sẽ về sớm thôi...', lời tạm biệt xúc động của các bệnh nhân COVID-19 dành cho nhóm nghệ sĩ đã mang đến tiếng hát, mang đến yêu thương tại Bệnh viện dã chiến số 4, huyện Bình Chánh, TP.HCM ngày 29-7.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp