Với người Việt Nam, dường như khi vợ chồng còn cùng nhau chung sống, khái niệm "gì cũng chung", kể cả nguồn tài chính và tài sản luôn là suy nghĩ phổ biến nhất. Việc lập quỹ riêng của từng người được xem là khác thường. Nhưng quỹ riêng thực sự có tiêu cực không?
Những người đã ra đi trắng tay
Quỳnh Giao (tên đã đổi) có nhiều tích lũy ban đầu những năm đi làm công sở. Khi lấy chồng, cô đã khéo vun vén để khuếch trương được cửa hàng tạp hóa nhỏ có sẵn thành cửa hàng tương đối hoành tráng nơi quê chồng. Từ chuyện tìm hiểu thị trường, nhu cầu dân địa phương, liên hệ các đầu mối lấy hàng từ thành phố... một tay cô đảm nhiệm.
Ngoài những khoản chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, toàn bộ tiền lời lại được gộp vào vốn để mở rộng mặt hàng, khiến cửa hàng ngày càng phát đạt.
Nhưng cuộc sống chung nảy sinh nhiều mâu thuẫn không thể chấp nhận, khiến vợ chồng cô ly hôn sau 8 năm chung sống. Điều oái oăm là cô vừa muốn chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc càng sớm càng tốt, lại vừa có nguyện vọng được nuôi con nhỏ.
Và sau cùng, cô rời nhà chồng với 2 bàn tay trắng, để lại cả một cửa hàng đã dồn hết tâm sức bao năm qua, trong khi chồng cũ không đoái hoài.
Trở lại thành phố, cô lại bắt đầu công việc mưu sinh vất vả với túi tiền gần như cạn kiệt. Có lúc tâm sự cùng bạn bè, cô tiếc phải chi lúc trước mình có một "quỹ riêng", không phải để tiêu xài riêng, mà để qua những thời điểm ngặt nghèo nuôi con còn nhỏ như lúc này.
Còn anh Vũ, nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên về thiết bị chiếu sáng, có thời gian được hưởng lương và thưởng doanh số khá cao. Với quan niệm "đàn bà là tay hòm chìa khóa của gia đình", bao nhiêu lương thưởng anh đều đem về cho vợ. Chị vợ cũng là người biết vun vén, nhưng chẳng may hùn hạp với bạn bè làm ăn mà không bàn với chồng, cuối cùng mất sạch vốn.
Và cũng giống như cô bạn Quỳnh Giao trên kia, anh sau khi đường ai nấy đi cũng để lại chút gia sản cho vợ nuôi con, còn mình ngậm ngùi ra đi. Rồi quãng thời gian sau dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của công ty anh cầm chừng, lương chỉ căn bản, không thể phụ giúp thêm nhiều cho vợ cũ và con.
Và anh cũng hối hận mình đã không có một quỹ riêng để có thể có mức chi tiêu tốt hơn cho cuộc sống của con cái.
Đến việc vợ chồng đồng tình lập quỹ riêng
Ngược với 2 bạn Giao và Vũ, đôi vợ chồng trẻ "hiện đại" Hoài - Lâm lại có suy nghĩ thoáng. Không hẳn rạch ròi kiểu Tây phương hay hợp đồng phân chia tài sản của những nhân vật nổi tiếng, cả hai đều đồng thuận ngoài việc đóng góp chung cho cuộc sống gia đình, mỗi người đều có một ngân khoản riêng mà về lý thuyết, phía bên kia không có quyền động vào.
Có lẽ một phần ảnh hưởng bởi nghề nghiệp, cả hai xem những quỹ riêng này là những quỹ trích lập rủi ro, nhằm không bị động trong những tình huống xấu, kể cả trường hợp phải ly hôn.
Và ở khía cạnh khác, nó sẽ tránh được những rủi ro khi nguồn tài chính tập trung vào yếu tố "chung" và dễ dàng mất hết nếu một trong hai người mất tỉnh táo, hoặc không có tiếng nói chung trong việc đầu tư, chi tiêu...
Và đến nay, sau gần 10 năm chung sống, hình thức quỹ riêng của cặp vợ chồng này vẫn suôn sẻ, và không ít lần đã hỗ trợ kịp thời cho nhau.
Cặp vợ chồng "hiện đại" này còn nói vui, nếu lỡ chia tay, ngoài việc ứng xử văn minh trong mối quan hệ đã chấm dứt, việc có quỹ riêng tích lũy cũng sẽ hạn chế được những chuyện hậm hực, cắn đắn đáng buồn trong việc cùng hỗ trợ tài chính nuôi dưỡng con chung của cả hai.
Thành ra, xét cho cùng, chuyện có quỹ riêng của vợ hoặc chồng khi sống chung với nhau không hẳn là điều không tốt. Nó tùy thuộc vào nhận thức của cả hai, thậm chí là cả sự tin tưởng và luôn cả tầm nhìn xa cho những gì thuộc về chung nhất.
Vậy thì, có xem quỹ riêng như là một thứ "quỹ dự phòng chung" được hay không?
Theo bạn, vợ chồng lập quỹ chung và có quỹ riêng để phòng thân như thế nào cho hợp lý? Bạn có lời khuyên gì cho những người góp hết tiền riêng cho nửa kia lập nghiệp? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, bài học về địa chỉ email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận