Chị Hằng bên các em học sinh đang đọc sách tại nhà mình - Ảnh: MINH TÂM
Thầy giáo ấy là thầy Huỳnh Văn Thế, vợ thầy là chị Nguyễn Thị Lệ Hằng. Nhà hai vợ chồng nằm hút sâu đường quê ở ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Phía trước nhà là tấm bảng "Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê", trong nhà hàng ngàn quyển sách được chất đầy trên 6 kệ sách.
Khi tổ ấm là không gian đọc
Đến gặp chị một ngày nọ, thấy chị ở phía sau bếp, lui cui làm bánh. Chị bảo, hôm nay nhận gói bánh tét bán nên 2h sáng phải thức dậy chuẩn bị các công đoạn, đến khoảng 17h là chị nấu xong. Sau đó, chị vô bánh vào thùng, rồi chở con ôm thùng bánh đi giao.
Xong, về đến nhà cũng 19h. Hai mẹ con mới ngồi vô bàn ăn, vừa ăn chị vừa nhớ lại, ngày trước đã xa, anh - thầy giáo Huỳnh Văn Thế - dạy học, chị bán tạp hóa. Mười năm ở trọ, dành dụm chắt chiu, cộng thêm cha mẹ giúp đỡ, công đoàn hỗ trợ, rồi vay ngân hàng, họ dựng lên căn nhà cấp 4.
Đôi vợ chồng trẻ bàn nhau, tiền lương của chồng sẽ trả nợ vay ngân hàng và lo học tiếp lên thạc sĩ. Riêng chị lo chuyện ăn uống của gia đình bằng nghề may và bán điểm tâm.
Mặc dù khó khăn, kinh tế eo hẹp nhưng vừa mới an cư, anh đã bàn với chị tiếp sức cùng anh thực hiện ước mơ ấp ủ từ thời sinh viên: đưa sách đến tay các em nhỏ vùng quê, bởi theo anh, đọc sách sẽ giúp các bạn nhỏ thay đổi được tư duy, nâng cao kiến thức, tầm nhìn, và bản lĩnh trong cuộc sống.
Anh quyên góp Tết sách bằng cách viết từng lá thư tay gửi đến những ai mà anh biết có lòng với sách. Tết sách đầu tiên năm 2015, anh vận động được 100 quyển sách. Tết sách năm 2016, được 500 cuốn sách. Tết sách năm 2017, anh vận động gần 900 quyển sách tặng cho học sinh hai điểm trường THPT Mang Thít và THPT Nguyễn Thông.
Chưa dừng lại ở đó, anh thành lập "CLB Sách và hành động Mang Thít". CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng với những chủ đề khác nhau. Và một cơ duyên đến, cuối năm 2017 ngôi nhà của vợ chồng anh trở thành thư viện phục vụ cộng đồng mang tên "Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê", thuộc hệ thống không gian đọc cùng tên của anh Trần Thiện Tùng.
Cứ vậy, anh dốc hết thời gian, sức lực cho sách và những tiết dạy văn đổi mới tư duy, chị đứng phía sau, vất vả tảo tần.
Nấu bánh mua sách
Tiền lời từ những đoàn bánh tét giúp chị Hằng nối tiếp việc làm đầy ý nghĩa của chồng - Ảnh: MINH TÂM
Tết sách mỗi năm chỉ có một lần, còn sinh hoạt định kỳ hằng tháng của CLB, do số lượng sách có hạn nên có em khi đến sinh hoạt cũng mong có một quyển sách mang về, nhưng không được. Điều này khiến anh cứ trăn trở, thấy vậy, chị nấu bánh tét bán kiếm tiền lời mua sách.
Anh rao bán bánh trên mạng. Lúc đầu, số lượng đơn hàng không nhiều nhưng dần sau đó, nhiều người biết được mục đích của người thầy đi bán bánh, cộng với lời giới thiệu tao nhã trên Facebook, cùng cái cách giao bánh lịch thiệp của anh nên số lượng bánh tăng dần lên.
Cứ gom đơn hàng khoảng 70 đòn là vợ nấu. Ngoài khách mua ở tỉnh Vĩnh Long, còn có khách ở Bến Tre, Trà Vinh, TP Cần Thơ. Do vậy, anh phải thức dậy từ 3h sáng chạy từ Mang Thít, Vĩnh Long qua TP Cần Thơ để kịp quay về dạy những tiết đầu lúc 7-8h sáng.
Mỗi đòn bánh tét lời 7.000 đồng anh đem bỏ ống heo, khi nhắm chừng trên 2 triệu đồng, anh đập ống lên Sài Gòn mua sách. Mỗi lần mua sách đem về, hoặc mỗi lần tổ chức sinh hoạt định kỳ là khuôn mặt anh ngập tràn niềm vui bởi theo anh: "Càng có thêm nhiều bạn trẻ thích sách, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn cho chúng ta và con cái chúng ta".
Nhìn chồng mãn nguyện như vậy, lòng chị cũng lâng lâng hạnh phúc, bao nhiêu mệt nhọc tan biến đi hết.
Thấy chị quanh năm quẩn quanh trong nhà với chuyện buôn bán nên thỉnh thoảng anh rủ chị đi giao bánh. Có những chuyến đi giao bánh gặp mưa nên hai vợ chồng ướt nhẹp khiến chị càng thương anh hơn. Hoặc có lúc, do đơn đặt hàng cùng một ngày nên sáng vừa giao ở Cần Thơ, chiều vội vã giao ở Bến Tre.
Thấy hai vợ chồng vất vả lặn lội đi về gần 80km giao bánh, kiếm vài chục ngàn đồng tiền lời mua sách tặng học trò, nên nhiều khách cảm kích đã tặng sách hoặc tiền mua sách - bởi những vị khách đó cũng tâm sự nhờ có sách họ mới được cuộc sống thoải mái như hôm nay. Điều này khiến chị hạnh phúc bởi thấy việc làm của chồng ý nghĩa biết bao nhiêu.
Người đi, "ngọn lửa" ở lại
Anh bị bệnh viêm gan. Chị bị tiểu đường. Cuộc sống của họ trôi qua trong vất vả khó khăn, bệnh tật nhưng bình lặng hạnh phúc. Chị rất cảm ơn anh, bởi anh rất chu toàn với gia đình, cưới nhau chục năm trời nhưng đối xử với chị như thuở mới quen: lịch sự, dịu dàng, giành việc nặng về mình.
Mặc dù thức đến 23h khuya soạn giáo án, nhưng 3h sáng là anh thức dậy, chạy mua thịt để chị nấu điểm tâm bán. Việc đưa rước, dạy con học, anh giành hết phần mình.
Những tưởng sẽ cùng nắm tay nhau đi qua nhiều mùa sách xuân dài, nhưng một ngày định mệnh, căn bệnh phổi khiến anh ra đi khi tuổi đời chưa đến 40.
Anh mất. Chị suy sụp, hoảng loạn. Lúc đầu chị định buông xuôi, nhưng khi nhìn thấy con gái 10 tuổi cần lắm bàn tay bảo bọc của mình, chị cố gắng nén nỗi đau cồn sâu nơi ngực, làm chỗ dựa cho con. Vả lại, chị nghĩ mình phải lo tiếp tục việc nấu bánh bán, để chắt chiu tích góp từng đồng mua sách cho Tết sách người chồng đã thành lập.
Nghĩ tới đó, chị thấy như tiếp thêm năng lượng tích cực, để mỗi buổi sáng thức dậy lòng nhẹ nhàng hơn.
Anh mất, không ai phụ mua nguyên liệu về cho chị nấu, nên chị nghỉ bán điểm tâm sáng, chỉ nhận may áo dài và lãnh đồ may gia công. Rồi lên mạng rao bán bánh tét. Khách đặt bánh thường là những người quen trong chợ huyện, trong những ngày lễ giỗ hoặc tặng người thân. Những khi có khách đặt hàng, chị vất vả cả mấy ngày, nhưng lòng chộn rộn vui.
Chị chia sẻ: "Sinh thời, anh thường đùa vui rằng, "khi anh chết chỉ cần mọi người đi phúng điếu bằng sách". Có lẽ vậy nên đám tang anh, ngoài những vòng hoa, còn có sách và kệ sách do những bạn bè, tri kỷ sách, mạnh thường quân đến tiễn đưa anh lần cuối tặng. Ngoài ra, học trò của anh mỗi khi ngày lễ, tết đến viếng thầy, thắp nén nhang và để trên bàn thờ một quyển sách tặng thầy mình".
Chị bảo nhìn kệ sách như thấy anh vẫn còn hiện diện. Và hành trình chia sẻ sách đến các em ở vùng quê, vùng sâu của chồng như một ngọn lửa vẫn đang tiếp tục cháy bằng tất cả niềm yêu thương.
Trao truyền tình yêu sách
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, cô Phạm Cẩm Ngân - giáo viên Trường THPT Mang Thít, người hiện là chủ nhiệm CLB sách - bày tỏ: "Thầy truyền tinh thần yêu sách cho học sinh. Cô Hằng là hậu phương vững chắc ủng hộ thầy rất nhiều".
Còn em Nguyễn Mai Xuân Khoa, lớp 11 Trường THPT Mang Thít, lại cảm kích những giá trị có được từ việc đọc: "Em vào CLB sách từ khi CLB mới thành lập. Nhờ có sách em biết quý thời gian hơn, tìm hiểu những việc bổ ích so với giải trí bên ngoài. Sách hỗ trợ em trong học tập và tương lai em đang hướng tới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận