18/02/2020 07:46 GMT+7

Vợ chồng sẵn sàng cùng hi sinh nơi chiến địa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Những ngày máu lửa bảo vệ biên giới phía Bắc có một chuyện tình đẹp giữa nữ sinh Hà thành và người lính khi cô lên mặt trận hát động viên chiến sĩ. Nơi mà họ đã có những ngày cầm súng bên nhau với lời thề cùng chiến đấu và cùng hi sinh.

Vợ chồng sẵn sàng cùng hi sinh nơi chiến địa - Ảnh 1.

Đôi vợ chồng Hà Đăng Ninh - Lê Thu Thủy bây giờ - Ảnh: MY LĂNG

Tôi không sợ chết. Nhìn anh em đang lao vào sẵn sàng chiến đấu, chồng phải chỉ huy bộ đội, tôi cầm chặt súng, sẵn sàng bắn trả đến viên đạn cuối cùng nếu nó tràn sang. Nếu phải hi sinh thì vợ chồng tôi cùng hi sinh ở trận địa.

Bà LÊ THU THỦY

Nữ sinh Hà Nội ấy là Lê Thu Thủy. Người chồng bộ đội của cô tên Hà Đăng Ninh ở sư đoàn 337. Một lần lên thăm chồng giữa trận mưa pháo, cô phụ vác hòm đạn chứa tài liệu và bị sẩy thai mất đứa con đầu lòng.

Mối tình nữ sinh và người lính

41 năm trước. Tháng 2-1979, khi quân bành trướng Trung Quốc ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã cử nhiều đợt sinh viên lên mặt trận biên giới Lạng Sơn hát động viên tinh thần chiến sĩ sư đoàn 337 và sẵn sàng chiến đấu cùng bộ đội. 

Khi đó, cô sinh viên năm 2 Lê Thu Thủy mới 20 tuổi, tình nguyện mang tiếng hát động viên chiến sĩ nơi chiến tuyến. Phân đội Thủy được phân công đến trung đoàn 4 (sư đoàn 337) đóng quân sát cửa khẩu Hữu Nghị.

Sáng 1-8-1980, phân đội được phân công xuống tiểu đoàn 1 - trung đoàn 4 biểu diễn văn nghệ. "Hôm đó, tôi hát bài dân ca, có câu "Anh bộ đội ơi, có anh canh giữ đất trời/...Ánh mắt ngời sáng cả muôn phương, sáng cả như sao, sao sáng trên đầu..." mà tự nhiên thấy anh ấy đứng ngay trước mặt, đội mũ cối gắn sao trên đầu. 

Nhìn ánh mắt anh ấy, tự nhiên mình có cảm giác anh trông rất đáng tin cậy" - bà Thủy mỉm cười nhớ lại lần đầu gặp người đàn ông của đời mình.

Anh bộ đội ấy là thiếu úy Hà Đăng Ninh, 26 tuổi, đại đội trưởng đại đội 2 (tiểu đoàn 1). Anh quê Nghệ An, đi bộ đội từ năm 1971. Bắt gặp ánh mắt người lính, cô nữ sinh cứ nhìn vào đôi mắt ấy mà hát. 

"Mặt anh ấy đen sạm màu khói súng, nhìn sương gió lắm - bà Thủy cho hay - Anh ấy cũng như những người lính khác, ai cũng đeo bao đạn đầy người, súng AK vác vai sẵn sàng chiến đấu. Với sinh viên thì đó là hình ảnh rất đẹp".

Biểu diễn xong, tiểu đoàn phân công đại đội của anh tiếp khách. Họ bắt chuyện với nhau. Kể chuyện xưa, ông Ninh cười bảo: "Khi nhìn thấy cô ấy, tôi đã rất ấn tượng. Con gái Hà Nội mà ăn mặc giản dị lắm. Trong đoàn có mỗi cô ấy mặc quần áo bộ đội, đi dép cao su".

Khi về Hà Nội, hằng tháng Thu Thủy đều trích tiền học bổng mua tem và gửi thư lên biên giới. Tình cảm của họ lớn dần theo những cánh thư.

Vợ chồng sẵn sàng cùng hi sinh nơi chiến địa - Ảnh 3.

Ông Hà Đăng Ninh (phải) chỉ huy đơn vị chiến đấu tại biên giới Lạng Sơn tháng 2-1979 - Ảnh: MY LĂNG chụp lại

Xung phong lên chiến địa vì chồng

Tháng 1-1983, họ cưới nhau. Cưới xong, anh vẫn biền biệt cắm chốt trên biên giới, Thủy vẫn ở Hà Nội. Ra trường, được phân công về Hải Phòng dạy nhưng cô xung phong lên Lạng Sơn để gần chồng hơn. 

Cô dạy ở Trường cấp 3 Lộc Bình, thị trấn Lộc Bình, Lạng Sơn, gần biên giới. Thị trấn này lúc đó tan hoang, giáo viên phải ở trong mấy cái lán trống hoác. Còn anh đóng quân ở Đồng Đăng. Hai người vẫn cách nhau 40km.

"Mỗi tháng, nếu quân Trung Quốc không giở trò thì chồng qua thăm vợ một lần, rồi tháng sau tôi sang thăm lại. Trường tôi gần cửa khẩu Chi Ma cũng rất căng thẳng, nhưng dù sao vẫn cách cửa khẩu 20km chứ không giáp biên như đơn vị chồng tôi" - bà Thủy tâm sự.

Lấy nhau hơn một năm, đến tháng 3-1984 Thủy có thai. Cô hào hứng lên đơn vị để báo tin cho chồng lúc đó là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1. 

"Tôi lên tối hôm trước, trưa hôm sau tôi đang cùng bộ phận hậu cần nấu cơm thì nghe pháo nó bắn sang. Bộ đội đánh kẻng, tất cả rầm rập xách súng chạy vào các vị trí trong giao thông hào chuẩn bị chiến đấu" - bà Thủy kể.

Lúc đó, tiểu đoàn trưởng Hà Đăng Ninh đã chạy lên đỉnh đồi chỉ huy bộ đội chiến đấu. Là vợ người lính, không sợ hãi bỏ chạy, Thủy vội vàng cùng hai nhân viên công vụ chạy xuống nhà tiểu đoàn, khiêng những hòm đạn đựng tài liệu quan trọng bên trong để chuyển lên hầm trên đỉnh đồi. Cứ một người khiêng một thùng.

Tiểu đoàn trưởng Ninh sau khi triển khai chiến đấu xong, chạy xuống lấy một khẩu AK ra hướng dẫn vợ sử dụng. Tiểu đoàn trưởng Ninh dặn vợ cứ chắc tay súng trụ ở nhà tiểu đoàn, rồi chạy lên đồi tiếp tục chỉ huy bộ đội. 

"Tôi không sợ chết. Nhìn anh em đang lao vào sẵn sàng chiến đấu, chồng phải chỉ huy bộ đội, tôi cầm chặt súng, sẵn sàng bắn trả đến viên đạn cuối cùng nếu nó tràn sang. Nếu phải hi sinh thì vợ chồng tôi cùng hi sinh ở trận địa" - bà Thủy nói.

Hôm ấy, quân Trung Quốc nã pháo vào đội hình đóng quân của tiểu đoàn 1 suốt vài giờ. Phát hiện dưới chân đồi có một đoàn xe chở tân binh mình đi lên, kẻ thù đã nã pháo vào đoàn xe. Tình hình hết sức căng thẳng...

Hôm sau, về đến trường, cô Thủy mới biết mình bị sẩy thai. "Tôi đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, gần như chết rồi! Mấy hôm sau, khi cấp báo động đã giảm xuống, anh xin phép đơn vị về thăm thì mọi thứ đã xong. Tôi không hề hối hận. Không hề nghĩ đến lý do vì bê mấy hòm đạn tài liệu đó" - bà Thủy trải lòng.

Vợ chồng sẵn sàng cùng hi sinh nơi chiến địa - Ảnh 4.

Cô sinh viên Lê Thu Thủy (đầu tiên, từ trái qua) cùng sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lên biên giới hát động viên bộ đội năm 1979 - Ảnh: MY LĂNG chụp lại

"Sĩ quan cơ động" của tiểu đoàn 1

Tháng 5-1984, tình hình toàn tuyến biên giới rất căng thẳng. Pháo quân Trung Quốc cứ bắn theo giờ. "Lúc đó xác định nó lại đánh sang mình lần nữa. Trường tôi ai cũng có sẵn balô gói ghém đồ đạc, có lệnh là sơ tán ngay" - bà Thủy kể.

Lo lắng cho chồng, Thủy quyết tâm lên đơn vị anh xem thế nào. Xuống thị xã Lạng Sơn, ập vào mắt cô là cảnh tượng tan hoang như chiến trường. Cô tìm cách lên Đồng Đăng, nhưng lúc đó không có xe lên Đồng Đăng nữa. Dọc tuyến đường đi lên đã bị pháo Trung Quốc bắn chặn.

Đến tháng 2-1985, Hà Đăng Sơn, con trai đầu lòng của họ, chào đời. "Đẻ nó năm 1985, đến cuối năm 1987 mới chuyển về Hà Nội nhưng tôi vẫn địu con lên thăm bố. Bộ đội gọi nó là lính trẻ nhất tiểu đoàn 1. Còn tôi được tặng danh hiệu: sĩ quan cơ động của tiểu đoàn 1" - bà Thủy cười kể.

37 năm kết hôn, họ đã cùng nhau đi qua lửa đạn chiến tranh, vượt qua sóng gió của cuộc đời với nỗi đau tận cùng khi con đầu bất ngờ ra đi vì tai nạn. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, họ cùng tận hưởng hạnh phúc bình dị bên nhau.

Ôn lại thời máu lửa hào hùng, đôi vợ chồng tóc điểm bạc vẫn nói sẵn sàng cầm lại súng ra chiến trường nếu có kẻ thù xâm lược. "Vợ chồng chúng tôi sẽ lại cùng chiến đấu và nguyện cùng hi sinh để vệ quốc".

Năm tháng tự hào nhất

"Chúng tôi đã thăm lại cột mốc 16 ở Đồng Đăng ngay cửa khẩu Hữu Nghị, là nơi ngày xưa đơn vị anh đóng quân. Xung quanh cột mốc ngày đó đầy mìn chống tăng nhưng vợ chồng và cậu công vụ vẫn chẳng sợ hãi, ra cuốc đất tăng gia trồng đỗ tương cho đơn vị… Đó là giai đoạn rất gian nguy nhưng tự hào nhất trong cuộc đời chúng tôi", bà Lê Thu Thủy nói.

41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc - 6 cha con cùng cầm súng vệ quốc 41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc - 6 cha con cùng cầm súng vệ quốc

TTO - Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, cả một gia đình người Tày ở Cao Bằng đã tình nguyện cầm súng với lời thề máu lửa: “6 cha con sống cùng sống, chết cùng chết để bảo vệ bản làng, Tổ quốc mình”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp