Cùng nhau làm bạn trăm năm đòi hỏi sự vun đắp từ hai phía - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
1 Tôi hỏi chị, có bao giờ cảm thấy không bình yên dưới mái nhà mình không? Chị thiệt lòng: Có chớ, làm răng mà không, chén bát trong chạn có lúc còn va nhau. Đó là những lúc mệt quá, không kiểm soát được những điều mình nói, tuôn ra không cần biết người kia buồn không, thậm chí để họ càng buồn càng tốt. "Lúc đó thấy mình rất tệ" - chị nói.
Tôi chia sẻ: Là người ai cũng có lúc như vậy, sao tránh được, điều quan trọng là sau đó mình biết sai để xin lỗi, biết điều gì không nên để sửa. Chị đồng ý. Và nói: "Xin lỗi tất nhiên phải có rồi, nhưng thái độ xin lỗi, sự chân thành nữa, quan trọng và quyết định việc có được thứ tha hay không". Theo chị, sự chân thành nhất của lời xin lỗi chính là khả năng tái phạm ở mức thấp nhất (bằng không) thì mới thực sự giúp mình bình yên, gia đình hạnh phúc.
Rồi chị kể, trong 20 năm làm vợ, làm mẹ, giờ cảm thấy biết ơn người chồng luôn hiểu mình. Những lúc vợ không hay, nói dai, dài, dở thì chồng luôn im lặng lắng nghe. "Anh ấy hiểu mình đang gặp khó khăn nào đó, đang có nỗi buồn hay hiểu lầm gì đó nên không nạt lại, mà giúp mình nói ra được. Anh ấy đã nhẹ nhàng phân tích đầy lý, thấu tình nên mình ngộ ra. Phải nói, chồng mới chính là người giữ lửa trong nhà".
Sau này hai vợ chồng anh chị vui hơn vì có cùng mục tiêu để lo - là những đứa con. Vì thương con, muốn con lớn lên trong bầu không khí ấm cúng nên hai vợ chồng càng giữ mình kỹ hơn, suy nghĩ trước khi nói gì đó, thậm chí có gì thì hẹn nhau ra cà phê để chia sẻ như hồi mới yêu.
2 Về quê những ngày tết, tôi chứng kiến một gia đình từng cãi vã, thậm chí đánh nhau đến mức đi bệnh viện, nhưng xuân này nhà họ có mùa xuân thực sự. Hai đứa con đã lớn, họ hiểu, con cái sẽ nhìn mình mà tiến bước trong đời. Tối giao thừa, anh qua nhà chơi, uống trà và kể: "Nói thiệt với chú, giờ anh chị rất vui vẻ, không phải dễ dàng có được điều đó. Tất cả là nhờ chị vẫn còn thương anh, thương cái gia đình này".
Anh đã bỏ cờ bạc và không còn nhậu nhẹt nữa. "Đàn ông thực sự mạnh mẽ là khi có thể chở che cho gia đình, tạo được điểm tựa tinh thần cho con cái chứ không phải là kẻ gia trưởng, nộ nạt, quát tháo vợ con, khiến những người thương yêu mình phải sợ hãi" - anh nói.
Người đàn ông hối lỗi thật dễ thương. Khi đó họ sẽ ra sức bù đắp cho người đã hứng chịu nhiều nỗi đau do mình. Tất nhiên, tôi nể hơn hết chính là lòng bao dung của chị, đúng kiểu của một phụ nữ quê. Và mừng vì con gái chị đã đỗ đại học, con trai mới vào phổ thông cũng biết phụ mẹ việc này việc kia, hiếu thảo, chu đáo.
3 Ông bà mình dạy: giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Cũng đúng nhưng không phải tất cả. Có những người cũng có khả năng thay đổi tâm tính khi họ có cơ hội tiếp xúc với đạo lý, điều hay lẽ phải. Và sự tiếp xúc gần nhất chính là ở người bạn đời của mình. May mắn cho những ai tìm được người tâm đầu ý hợp, nhưng cũng sẽ may biết bao cho những ai tìm được người vợ hoặc chồng có tình thương lớn, có sự hiểu biết và chân thành, kiên nhẫn, giúp mình nhận ra đúng sai để thay đổi tích cực.
4 Làm mới là một phương pháp giúp cho mỗi người, mỗi tập thể, mỗi gia đình "lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương". Lắng nghe người thân thương của mình, vợ chồng mình bằng sự kiên nhẫn - để hiểu, họ đã có quá trình sống ra sao, lớn lên trong môi trường nào mà có tính cách chưa dễ thương? Làm được vậy, mình sẽ giúp họ bớt tự ti, có thể nhìn nhận được bản thân và thay đổi.
Một năm qua, nhiều năm đã qua, sẽ qua... Để là vợ chồng của nhau, có con cái với nhau, đâu phải dễ dàng? Để những mùa xuân lướt qua an lành trong hiên nhà mình đâu là chuyện của riêng một người...
* Lời của vợ:
"Đừng vội nói lời cay đắng, đừng trở nên cạn tình với người bạn đời của mình".
* Lời của chồng:
"Vợ chồng sống với nhau, ngoài nuôi dưỡng tình thương còn hun đúc cả lòng biết ơn. Như tôi vẫn thường biết ơn những bữa cơm ngon mà má sắp nhỏ chuẩn bị cho mình. Vì vậy tôi cứ duy trì cơm nhà cả nghĩa đen lẫn bóng suốt 20 năm qua".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận