11/12/2012 05:11 GMT+7

Vợ chồng có thể ký "hợp đồng hôn nhân"?

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật hôn nhân gia đình đang gây chú ý vì đề cập những vấn đề rất mới như hợp đồng hôn nhân, hôn nhân của người đồng tính, mang thai hộ... Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải, trưởng phòng pháp luật dân sự - kinh tế Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp).

* Thực tế cuộc sống cho thấy đã có nhiều tranh chấp liên quan đến tài sản trước và trong hôn nhân. Việc sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình lần này tiếp cận vấn đề tài sản của vợ chồng như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, cần phải xem xét lại quy định hiện hành, cho phép vợ chồng hoặc là lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận (hợp đồng hôn nhân) hoặc theo pháp luật chung. Vấn đề là vợ chồng được phép thỏa thuận gì và cần gì để thỏa thuận có hiệu lực phải nghiên cứu kỹ...

Ở một số nước, việc thỏa thuận tài sản phải được lập trước và tại thời điểm kết hôn. Nếu thỏa thuận ấy ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con, xâm phạm lợi ích của con, của các thành viên khác trong gia đình... thì thỏa thuận đó vô hiệu. Ở Pháp, hợp đồng hôn nhân phải được công chứng và phải ghi vào sổ đăng ký kết hôn, đồng thời chỉ được sửa đổi, bổ sung khi được tòa án xem xét và công nhận.

Để đảm bảo tính minh bạch, công khai, hiện chúng tôi đang cân nhắc về hình thức của thỏa thuận: chỉ cần chữ ký của hai vợ chồng hay phải đi công chứng hoặc ghi vào giấy đăng ký kết hôn để công khai hóa thì hợp đồng hôn nhân mới được công nhận?

Pháp luật nên có quy định điều chỉnh trường hợp ly thân

Theo báo cáo khảo sát của đoàn công tác liên ngành về dự án Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân gia đình tiến hành tháng 10 vừa qua, pháp luật hiện hành chưa công nhận chế định ly thân, tuy nhiên đây là tình trạng có thật diễn ra phổ biến trong xã hội. Đa số trường hợp ly hôn đều trải qua ly thân trong thực tế, pháp luật cần thiết phải có sự điều chỉnh loại quan hệ xã hội này để bảo đảm quyền chăm sóc, cấp dưỡng và coi là căn cứ để giải quyết ly hôn.

* Thỏa thuận tài sản trước hôn nhân là vấn đề rất mới ở một nước vốn coi trọng giá trị gia đình như VN. Liệu quan điểm mới này đang đặt ra những thách thức nào, thưa ông?

- Hiện có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu thừa nhận chế độ tài sản này thì có thể làm việc kết hôn không còn thực chất dựa trên yếu tố tình cảm. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này là không bắt buộc. Có thêm chế độ tài sản thỏa thuận là để người dân có quyền lựa chọn cách ứng xử về tài sản trong hôn nhân phù hợp với hoàn cảnh của họ.

* Thưa ông, còn hai vấn đề rất mới và đang gây tranh cãi là có cho phép người đồng tính kết hôn và cho phép mang thai hộ trong luật mới? Thực tế đã có những người đồng tính sống chung, đang nuôi con nhỏ và đã có nhiều trường hợp phải nhờ người mang thai hộ, nhưng chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh những vấn đề này?

- Vấn đề của người đồng tính cần tiếp cận trên nguyên tắc quyền con người. Khi sửa đổi, bổ sung về vấn đề này cần nghiên cứu nhiều chiều, bên cạnh quyền của người đồng tính cũng cần đánh giá tác động như thế nào đến văn hóa, ý kiến người dân. Theo quan điểm của tôi, để thừa nhận quan hệ hôn nhân của người đồng tính cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng pháp luật không nên can thiệp vào việc sống chung của người đồng tính hay có những quy định có nguy cơ tạo ra sự phân biệt đối xử, kỳ thị. Trong quá trình sống chung phát sinh quyền tài sản có thể giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo luật định, ai đóng góp bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.

Về việc xin con nuôi, quy định hiện hành không cho phép làm con nuôi hai người một lúc trừ trường hợp đó là vợ chồng, trong khi quan hệ giữa người cùng giới tính không được thừa nhận là quan hệ hôn nhân. Tôi cho rằng khi xảy ra tranh chấp pháp lý thì nên giải quyết trên thực chất, nếu phủ nhận quan hệ cha mẹ và con cái giữa họ là không nhân văn.

Về mang thai hộ, trong quá trình thảo luận có quan điểm: cấm mang thai hộ thương mại, nhưng không cấm các trường hợp mang thai hộ có tính nhân đạo. Và trong các trường hợp mang thai hộ nhân đạo thì cần có điều kiện pháp lý chặt chẽ. Đây cũng là xu thế ở nhiều nước trên thế giới.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp