29/05/2016 10:02 GMT+7

Vô cảm với nỗi đau của người bị oan

AN NHIÊN
AN NHIÊN

TTO - Quy định về trình tự, thủ tục bồi thường oan sai đã đầy đủ nhưng vấn đề mà nhiều người nhắc đến vẫn là tình trạng đùn đẩy, né tránh nhau của các cơ quan nhà nước khi giải quyết.

Trong bộ hồ sơ đi đòi bồi thường của ông Nguyễn Hữu Trấn - vụ Mòn mỏi 17 năm đi đòi bồi thường có tên nhiều cán bộ công chức liên quan đến vụ việc của ông đã về hưu hoặc chuyển lên vị trí cao hơn.

Xuất phát từ việc ông Trấn bị cưỡng chế 97m2 đất khi đã có quyết định hoãn thi hành án, bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kết luận Thi hành án quận Ba Đình, TP Hà Nội làm sai nên phải bồi thường cho ông. Không thỏa thuận được số tiền bồi thường, ông Trấn kiện ra tòa.

Vụ việc một lần nữa bị kéo dài khi TAND quận Ba Đình tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do tòa gửi công văn đến Bộ Tư pháp đề nghị cung cấp tài liệu nhưng không nhận được phản hồi.

Bộ Tư pháp lại cho rằng hồ sơ đã rõ, nếu cần nghiên cứu thì cử người sang làm việc trực tiếp chứ không gửi qua bưu điện!

Trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND quận Ba Đình lý giải sở dĩ tòa đề nghị Bộ Tư pháp cung cấp thông tin vì kết luận của bộ trưởng Bộ Tư pháp chưa thể hiện rõ lỗi của ai và lỗi đến đâu trong vụ việc của ông Trấn.

Tuy nhiên kiểm tra hồ sơ, chúng tôi thấy trong kết luận của bộ trưởng Bộ Tư pháp đã nêu rõ trách nhiệm, sai phạm của từng cá nhân Thi hành án quận Ba Đình.

Quyết định rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao tòa án vẫn cho rằng chưa rõ lỗi của ai, lỗi tới đâu nên rất khó giải quyết!

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi nhận được phản ảnh của bà Mai Thanh Thúy (quận Gò Vấp, TP. HCM) - người đi đòi bồi thường oan sai cho chồng mình suốt sáu năm qua.

Bị bắt giam không có căn cứ, chồng bà Thúy được đình chỉ điều tra năm 2010. Tuy nhiên ông đã chết năm 2012 khi đang đợi bồi thường.

Cách đây hai năm, Viện KSND quận Gò Vấp có quyết định bồi thường cho bà Thúy 120 triệu đồng nhưng đến nay bà Thúy vẫn chưa nhận được tiền. Lý do mà Viện KSND quận Gò Vấp đưa ra là phải báo cáo cấp trên, chờ thẩm định hồ sơ, chờ cấp kinh phí...

Văn bản về giải quyết bồi thường oan sai đã quy định đầy đủ trình tự, thủ tục bồi thường cho người bị oan. Thế nhưng vấn đề mà nhiều người nhắc đến vẫn là tình trạng đùn đẩy, né tránh nhau của các cơ quan nhà nước khi giải quyết bồi thường.

Trước đây, phát biểu tại Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình (nay là chánh án TAND tối cao) đã gửi lời xin lỗi đến những người bị oan vì ông thấy đau với nỗi đau của họ.

Vâng, chỉ có đau nỗi đau của người bị oan và thấu cảm hết những cay đắng của những người như ông Trấn, bà Thúy thì các cán bộ công chức mới giải quyết bồi thường cho họ một cách ráo riết nhất!

AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp