27/10/2015 10:00 GMT+7

Vô cảm với gánh nặng nhà nước khi sử dụng vốn ODA

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Đó là cáo cuộc của đại diện Viện kiểm sát đối với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt trong vụ nhận lót tay 11 tỉ đồng từ nhà thầu JTC Nhật Bản.

Phạm Hải Bằng và đồng phạm tại tòa - Ảnh: Doãn Tuấn

Sáng nay 27-10, ngày thứ hai phiên xét xử 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã có phần tranh luận đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư.

Thiệt hại nặng nề từ vụ tham nhũng 

Trước đó, chiều 26-10, khi trình bày bài cho các bị cáo, nhiều luật sư cho rằng vụ án không có hậu quả (vì Nhật không cắt vốn ODA của Việt Nam) nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội phạm.

Các luật sư cho rằng theo phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin thì quan hệ VN và Nhật Bản vẫn phát triển bình thường, vốn ODA của Nhật Bản vào VN vẫn gia tăng, hai bên vẫn hợp tác chặt chẽ! 

Về ý kiến của các luật sư cho rằng vụ án không có nguyên đơn dân sự, Tổng Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) không yêu cầu trả lại tiền, VKS khẳng định quá trình điều tra, xét xử, các cơ quan đều xác định JTC không phải là nguyên đơn dân sự.

Đối với ý kiến của luật sư cho rằng vụ án không có thiệt hại, đại diện VKS cho biết Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo cho thấy tính đến nay tiến độ dự án bị chậm hơn 3 năm, sản phẩm chưa hoàn thành trên 45%.

Quá trình thực hiện dự án, mặc dù tiến độ công việc chưa hoàn thành theo hợp đồng nhưng các bị cáo vẫn ký văn bản đề nghị kho bạc nhà nước giải ngân cho nhà thầu.

Thiệt hại được xác định là số tiền thanh toán vượt quá số liệu công việc đã hoàn thành, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích xã hội, những thiệt hại này không thể xác định chính xác được.

Nhật đã từng tạm ngưng cho vay ODA

Theo đại diện VKS, ngày 14-2-2015, Tòa án TP Tokyo đã xét xử vụ án vi phạm Bộ Luật cạnh tranh không công bằng và tuyên phạt JTC 90 triệu yen, cấm JTC tham gia các dự án nước ngoài 3 năm.

Đại diện VKS cho biết tại buổi làm việc giữa VN - Bộ Giao thông Vận Tải và Đại sứ quán VN tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản coi đây là sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu quan điểm nếu sự việc quan chức VN nhận tiền hối lộ của nhà thầu như báo chí Nhật Bản nêu thì vô cùng nghiêm trọng và cấp bách.

Trong chuyến làm việc của VN tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Quốc Hội và nhân dân Nhật Bản rất quan tâm vấn đề này. Nếu có sự việc như báo chí phản ánh thì đây là sự việc rất nghiêm trọng và đáng tiếc, ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật Bản.

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã tạm dừng cung cấp vốn ODA cho các dự án của Tổng Công ty đường sắt VN cho đến khi phía VN điều tra làm rõ, có các biện pháp xử lý các cán bộ tham nhũng đối với hợp đồng có vốn ODA mà ngành đường sắt đang triển khai.

Nếu kết quả điều tra xác định có thiệt hại thì Chính phủ Nhật Bản sẽ dừng cấp vốn ODA và đề nghị VN hoàn lại số tiền đã cấp.

VKS nhận định hành vi của bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm nhận khoản tiền “lót tay” 11 tỉ đồng là trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến chính sách sử dụng vốn ODA.

Vì VN nghiêm túc điều tra xử lý các cán bộ sai phạm nên được Quốc Hội và Chính phủ Nhật Bản tin tưởng nên vẫn tiếp tục mối quan hệ hữu nghị, trong đó có việc vẫn tiếp tục cấp vốn ODA cho VN.

Viện kiểm sát cũng xác định toàn bộ hợp đồng và phụ lục hợp đồng không có mục nào quy định chủ đầu tư phải chịu chi phí lễ ký kết hợp đồng.

Bị cáo Bằng và đồng phạm nhận tiền ngoài hợp đồng. Việc JTC giao tiền ngoài hợp đồng là vi phạm pháp luật hình sự của Nhật Bản nên khồn thể coi đây là khoản tiền hợp pháp như các luật sư đã nêu.

Đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo là vô cảm, bàng quan với gánh nặng của Nhà nước trong việc sử dụng vốn ODA - Ảnh: T. Lụa chụp màn hình

Theo VKS, vụ án có sự cấu kết đồng phạm chặt chẽ, có người khởi xướng, có bàn bạc thống nhất từ trên xuống dưới. Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái, Phạm Quang Duy đã thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt, tích cực.

RPMU là đơn vị có con dấu riêng, có tư cách pháp nhân đầy đủ, tự chủ về biên chế và kinh phí thực hiện theo đơn vị sự nghiệp công lập.

Các bị cáo là đại diện chủ đầu tư, là những người có chức danh, có chức trách nhiệm vụ trong việc thay mặt nhà nước giải ngân trong quá trình hoàn thành dự án nhưng lại vô cảm bàng quan với lợi ích cũng như gánh nặng của nhà nước trong việc sử dụng vốn ODA.

"Hành vi của các bị cáo là vụ lợi rõ ràng, đã gợi ý nhà thầu hỗ trợ ngoài hợp đồng để hưởng lợi, hành vi này là hoàn toàn trái luật” - Lời đại diện VKS.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp