Theo Science Alert, vỏ cam vừa được phát hiện có chứa một hợp chất hoạt tính sinh học mới được gọi là feruloylputrescine (FP), có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch khi ăn.
Vỏ cam làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Việc phát hiện chất này trong vỏ cam đã khiến các nhà khoa học tại Đại học Florida và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) vui mừng. Trong các thí nghiệm, khi chuột được cho ăn chiết xuất vỏ cam giàu dinh dưỡng, giàu FP trong sáu tuần liên tiếp, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự giảm các dấu ấn sinh học trong máu liên quan đến chứng viêm và bệnh tim mạch.
Ngay cả khi áp dụng chế độ ăn nhiều chất béo trong thời gian này, những con chuột được cho ăn một lượng FP hằng ngày vẫn có ít chất béo hơn nhóm đối chứng. FP là một chất chuyển hóa, ban đầu được tìm thấy trong lá và nước ép bưởi. Mặc dù FP cũng xuất hiện trong một số loại cam, nhưng dường như chúng không có trong các giống chanh hoặc quýt.
Hợp chất này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây nhờ khả năng chống oxy hóa và chống viêm, nhưng vẫn còn rất nhiều chuyên gia chưa biết về FP.
Yu Wang, nhà khoa học thực phẩm từ Đại học Florida, cho biết: "Đây là phát hiện mới, nhấn mạnh tiềm năng sức khỏe chưa được công nhận trước đây của FP trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch".
Cam là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trên thế giới, chủ yếu được tiêu thụ để lấy nước ép, còn lớp vỏ đắng thường bị bỏ đi.
Mỗi năm, 32 triệu tấn vỏ cam bị lãng phí, mặc dù vỏ cam hoàn toàn có thể ăn được và có thể tốt cho sức khỏe. Khi cho gà ăn những miếng cam thừa, các nhà khoa học nhận thấy dường như có lợi cho sức khỏe của chúng.
Công dụng không ngờ của vỏ cam
Ở Florida, khoảng một nửa số vỏ cam của bang này được dùng cho gia súc. Nhưng có lẽ có lý do để giữ lại một ít, thay vì bỏ đi. So với phần nước, vỏ của quả cam chứa hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa và limonene rất ấn tượng. Đây là chất hóa học có thể có đặc tính chống viêm và chống ung thư.
Việc tìm ra hợp chất có hoạt tính sinh học nào là quan trọng nhất đối với sức khỏe con người, và tại sao lại như vậy, sẽ là "chiếc chìa khóa" nếu các nhà khoa học muốn tạo ra chiết xuất lành mạnh nhất có thể. FP là một trong những chất như thế.
Khi FP được tiêu thụ, chất này dường như ngăn chặn một số vi khuẩn nhất định trong ruột tiết ra sản phẩm phụ gọi là trimethylamine (TMA) trong quá trình phân hủy thức ăn. TMA được sản xuất bởi vi khuẩn đường ruột, thường tham gia quá trình tiêu hóa thịt, hoặc chế độ ăn nhiều chất béo, ít protein.
Khi đi vào máu thông qua ruột, hợp chất này đến gan và được chuyển hóa thành trimethylamine N-oxide (TMAO). TMAO có liên quan đến việc tăng nguy cơ tích tụ mảng bám động mạch, bệnh tim, đột quỵ, béo phì, và tiểu đường loại 2. FP trong vỏ cam có thể giúp chống lại nguy cơ đó.
Trong các thí nghiệm ở Florida, khi chuột được cho ăn chiết xuất vỏ cam có chứa FP, mức TMA và TMAO của chúng đã giảm, ngay cả khi vi khuẩn thường tạo ra các chất chuyển hóa này vẫn tiếp tục hoạt động.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nông Nghiệp và Hóa Học Thực Phẩm.
Bất ngờ từ vỏ cam, vỏ xoài, vỏ chuối
Vẫn chưa rõ liệu những lợi ích này có tương đồng ở cơ thể người hay không, nhưng USDA rất quan tâm đến việc tìm hiểu. Cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ 500.000 USD để Wang và các cộng sự thực hiện nghiên cứu, xem xét liệu chiết xuất vỏ cam có thể cải thiện sức khỏe đường ruột và tim mạch hay không.
Vỏ cam không phải là loại thực phẩm dễ kết hợp vào bữa ăn. Tuy nhiên, nếu các nhà khoa học có thể thiết kế một sản phẩm tiêu dùng từ vỏ cam, nó có thể trở thành một mặt hàng chủ lực phổ biến trong nhà bếp, giúp tăng cường sức khỏe.
Một số công ty đã gấp rút thực hiện ý tưởng này. Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện chỉ cần một chút công sức, vỏ chuối có thể biến thành một món ăn nhẹ ngon miệng, bổ dưỡng, chứa đầy chất chống oxy hóa và vitamin.
Điều tương tự cũng xảy ra với vỏ xoài.
Vỏ cam chỉ đơn thuần là loại vỏ mới nhất chưa được tìm ra cách sử dụng, thay vì bỏ đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận