Phóng to |
“Hết dạy cho các em tại sân võ tui lại lo việc hội thi, dạy bồi dưỡng, chọn lựa võ sinh giới thiệu cho trường võ thuật tỉnh. Ngó vậy chứ việc dạy võ bận bịu, vất vả lắm”, võ sư Bé nói.
Kỳ 1: Giữ chiêu pháp đặc thùKỳ 2: Những ngôi chùa “Thiếu Lâm tự”Kỳ 3: Giải mã tàng thưKỳ 4: Những đường quyền vang tiếngKỳ 5: Băn khoăn vốn cũ hụt dần
Những nỗ lực không dừng
Nhận đảm đương lớp năng khiếu võ thuật vệ tinh cho Trường Năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh Bình Định (với mức lương 450.000đ/tháng), võ sư Bé càng tất bật hơn khi còn có lớp võ sinh phổ thông. “Không vì truyền thống võ thuật của quê nhà, của dòng tộc thì tui cũng như các võ sư ở Bình Định đã không mở lớp, nói gì đến đứng dạy các em suốt mấy chục năm nay”, võ sư Bé tâm sự.
Hết lòng cho truyền thống võ thuật quê nhà, song hầu hết võ sư ở đất võ Bình Định ai cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Lớp võ sư già như tui có người đã dạy ở sân võ suốt 50 năm, vậy mà không thấy ai thong dong, sung túc. Thầy võ ở đất này, lớp già cũng như trẻ, cũng giống thầy đồ nho hồi trước, đồng tiền hạt gạo của trò chỉ đủ cho mình sống đạm bạc.
Vậy mà vì truyền thống võ thuật của quê hương, của dòng tộc cũng như vì võ đạo, dù thiếu khó nhưng không ông thầy võ nào ở đây than vãn mà chỉ cố dạy đến cùng thôi” - lão sư Phan Thọ ở làng Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), người đã 85 tuổi vẫn còn dạy ngày dạy đêm cho lớp trẻ, tâm sự. Ông kể cũng như vài ba lão võ sư còn lại trong tỉnh, nếu ngành chức năng không giúp khoản tiền để “trang trí” lại nhà cửa đón các võ đoàn nước ngoài đến thăm nhân dịp Festival Tây Sơn - Bình Định vừa rồi, nhà cửa của họ sẽ còn rất nhếch nhác.
Những võ sư ở Bình Định phụng sự võ thuật như là giữ gìn một di sản quý của quê hương, dòng tộc, dù cuộc sống của họ có đạm bạc, khó khăn. Chính sự tỏa sáng của truyền thống võ thuật quê nhà, của tinh thần võ đạo từ đức độ của các võ sư đã lôi cuốn một số lớp trẻ đến với các sân võ trước sự thu hút mạnh mẽ của những trò vui hiện đại.
“Tụi em tự thấy mình có lễ phép hơn khi vào học võ. Còn đạo đức thì khỏi phải nói, sư phụ dạy khoản này kỹ lắm, nghiêm lắm”, sinh viên Lê Văn Thắng ở lớp học với lão võ sư Lâm Ngọc Phú làng An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn), nói. Võ thuật từ xa xưa đã chú trọng đến chữ tâm, phần cốt lõi của võ đức, điều quan trọng không kém so với những đòn thế, những chiêu pháp. Đây lại là điều quan trọng với các võ sư ở đất võ Bình Định thời nay để họ càng dốc lòng thêm cho võ thuật.
Võ thuật học đường
Phóng to |
Các cặp võ sĩ Bình Định trong tiết mục đấu biểu diễn tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN đầu tháng 8-2008 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Nghĩa khí, uy linh của Tây Sơn tam kiệt - đỉnh cao của võ thuật Bình Định - như một nguồn lực cho người Bình Định giữ lấy tinh thần thượng võ. Và như một phản ứng tự nhiên của các vị võ sư ở Bình Định - những người thu nhận và truyền lại cái tinh thần ấy cho lớp trẻ, họ như bức xúc nhiều hơn trước những sai phạm của những người lợi dụng vũ lực, nhất là của lớp trẻ, trong đó có học sinh.
Lão sư Phan Thọ nói: “Tui đọc báo, nghe đài nói về sự sa sút đạo đức ở một số trẻ hiện nay, trong đó có các em học sinh, thấy buồn lắm. Rồi thấy các vụ án hình sự phần nhiều là có dùng vũ lực, có vụ là tội ác nghiêm trọng, xảy ra ngày một nhiều. Bởi vậy các võ sư quyết chú trọng nhiều hơn đến khâu đạo đức trong võ thuật. Cũng may ở Bình Định mình có nhiều sân võ, nên cái điều mình kỳ vọng cũng dễ có kết quả cho xã hội”. Lời của ông Thọ cũng là tấm lòng của hầu hết võ sư ở Bình Định hiện nay.
Xã hội ngày càng phát triển, các võ sư cho rằng có thể hạn chế, ngăn trừ việc sử dụng vũ lực sai trái bằng tăng cường giáo dục về đạo đức. “Từ việc rất hiếm người đã học qua võ thuật phạm pháp, tui nghĩ võ thuật là cách giáo dưỡng tinh thần đạo đức có hiệu quả hơn. Bởi vậy những võ sư như tui mong sao nhà trường có chương trình dạy võ cho các em”, võ sư Phan Thanh Sơn nói.
Từ việc kiểm chứng các thế hệ võ sinh của mình luôn giữ đạo đức, không ai phạm pháp, võ sư Trương Văn Vịnh ở Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) mong lớp trẻ được học qua võ thuật, không ở các sân võ thì ở nhà trường. Chuyện về việc trọng đức trong võ thuật được các lão võ sư Bình Định kể: Ngày trước ai vào học võ cũng phải làm lễ nhập môn bằng một con gà trống lớn.
Được nuôi từ nhỏ với sự chăm sóc đặc biệt của chính người muốn bái sư học võ, con gà cúng tổ này chính là “bộ hình” phản ảnh toàn hình tướng của võ sinh (qua những chỉ dấu thể hiện trên con gà luộc khi đặt trên mâm lễ). Xem gà rồi xem tướng mạo, nhất là tư thế nằm ngủ của võ sinh, vị võ sư sẽ biết nên truyền dạy võ thuật cho võ sinh này đến mức độ nào. Ngoài ra, người dạy võ còn theo dõi tính cách của võ sinh ở sân võ để biết nên truyền dạy đến đâu. Cách cuối cùng này đến nay vẫn được các võ sư duy trì, bởi vậy một số võ sinh đã “được” thầy từ chối dạy thêm bằng nhiều cách để tránh điều “thêm cánh cho hổ” nhằm tránh gây hại cho xã hội.
Điều kỳ vọng của những vị võ sư Bình Định nặng lòng “phù thế giáo” bao lâu nay cũng là ước mong của những người trong ngành chức năng ở địa phương này. Phó tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật tỉnh Bình Định Nguyễn Minh Hùng cho biết một trong những mong mỏi tha thiết của ngành thể dục thể thao Bình Định là làm sao đưa việc giảng dạy, luyện tập võ Bình Định vào chương trình chính khóa ở các cấp học phổ thông tại địa phương.
Thêm một ước mong nữa, cũng theo ông Hùng, võ cổ truyền Việt Nam - trong đó có võ Bình Định - là một phần quan trọng, trở thành quốc võ. “Từ việc tỉnh Bình Định tổ chức hai lần Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam 2006, 2008 rất thành công, chúng tôi ước mong việc xác lập một nền quốc võ Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực.
Và việc đưa võ thuật cổ truyền vào chương trình chính khóa ở các trường học tại Bình Định như một thực nghiệm bước đầu cũng là cách góp vào việc xây nền quốc võ, bởi di sản văn hóa này còn khá sống động ở Bình Định”, ông Hùng bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận