07/09/2017 12:04 GMT+7

VNEN chưa xong, có nên học thêm giáo dục Phần Lan?

TƯỜNG HÂN - PHƯƠNG NGUYỄN
TƯỜNG HÂN - PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Nhiều chuyên gia nói nhập khẩu giáo dục Bắc Âu sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa nên.

VNEN chưa xong, có nên học thêm giáo dục Phần Lan? - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên tiếp tục có ý kiến xoay quanh câu chuyện Việt Nam sẽ nhập khẩu giáo dục Bắc Âu.

VNEN chưa xong, có nên học thêm giáo dục Phần Lan? - Ảnh 2.

* PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: 

Nhập khẩu giáo dục giúp rút ngắn khoảng cách với các nước

Tôi cho rằng việc nhập sách giáo khoa, chương trình giáo dục ở các nước tiên tiến, đã có nghiên cứu trên cơ sở khoa học là việc tốt, giúp rút ngắn khoảng cách giáo dục của Việt Nam và các nước, kế thừa thành tựu của họ, mình cũng không phải mày mò đổi mới từng chút một.

Tuy nhiên, sách giáo khoa của họ được xây dựng dựa trên nền kinh tế - xã hội đã phát triển, tâm sinh lý lứa tuổi của học trò khác nhiều so với điều kiện Việt Nam. 

Cần có cơ chế Việt hóa, chọn lọc các yếu tố có lợi và phù hợp hoàn cảnh trong nước. Tôi ủng hộ nhập khẩu các môn khoa học tự nhiên vì đó là thế mạnh của họ, nhưng cần cẩn trọng với các môn khoa học xã hội.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc thay đổi chương trình giáo dục phải đi liền với thay đổi năng lực nhận thức của giáo viên, phụ huynh, học sinh. 

Phải thừa nhận rằng phụ huynh, học sinh, thậm chí giáo viên còn chạy theo thành tích, điểm số mà quên đi ý nghĩa thực chất của việc học là vui vẻ, tăng hiểu biết, kỹ năng và phẩm chất con người.

* Giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du - dạy môn Sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM): 

Khó thực hiện nếu học sinh, phụ huynh không đồng thuận 

Giáo dục Phần Lan là đẳng cấp đã được thế giới công nhận trong mục tiêu phát triển tư duy học trò. Chương trình đã phù hợp với trình độ và hệ thống giáo viên Phần Lan, nhưng trong mối tương quan với trình độ giáo viên Việt Nam theo tôi còn chênh quá lớn. 

Trong nhiều chương trình giáo dục nhập khẩu gần đây, tinh thần chung là trao quyền chủ động cho học sinh, để giờ học cởi mở hơn. Tôi nghĩ điều này đáng khuyến khích vì sự chủ động của học sinh không phân biệt vùng miền, mức sống.

Nhưng một số chương trình nhập khẩu thí điểm đang vướng phải sự phản đối dữ dội, thậm chí bị coi là thất bại. Theo tôi là do thí điểm sai đối tượng, địa bàn thí điểm quá khác biệt với tinh thần của chương trình giáo dục. 

Thay đổi giáo dục cho học sinh mà phụ huynh không thấy cần thiết, không tán đồng thì khó thực hiện. Tóm lại, theo tôi, điều quan trọng nhất là nhập khẩu tinh thần, ý tưởng, phương pháp giúp học sinh tích cực trong học tập còn nội dung sách có thể linh hoạt thay đổi theo điều kiện.

VNEN chưa xong, có nên học thêm giáo dục Phần Lan? - Ảnh 3.

* Giáo viên Trương Minh Đức (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3): 

Dân trí Việt Nam cách biệt quá xa các nước Bắc Âu

Theo tôi, việc Bộ GD-ĐT đưa những mô hình giáo dục của nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam không phải là mới, như mô hình trường học mới VNEN mới đây chẳng hạn.  Vậy, đâu là cơ sở để Bộ GD-ĐT nhập khẩu chương trình giáo dục phổ thông Bắc Âu? 

Tôi chưa hình dung được chương trình đó như thế nào và cũng chưa có tâm thế sẵn sàng để đón nhập nó trong thời gian sắp tới nếu nó được nhập về.

Chương trình này liệu có phù hợp không khi trình độ dân trí của Việt Nam - một nước đang phát triển cách biệt quá xa so với các nước phát triển Bắc Âu. 

Tôi vừa đi Mỹ. Tôi thấy ở bên đấy nền giáo dục rất phát triển, các mô hình dạy và học rất hay nhưng cực kỳ khó áp dụng ở Việt Nam vì cơ chế, quản lý giáo dục ở Việt Nam còn khập khễnh.

Thành thật mà nói, hiện tại, tôi không hào hứng lắm với ý tưởng nhập khẩu chương trình giáo dục Bắc Âu. Những đổi mới trong vài năm nay của Bộ vẫn chưa mang lại những kết quả tốt. 

Nền tảng cơ bản chưa ổn định, chúng tôi vẫn còn mệt mỏi với các chương trình thí điểm, giờ thêm một chương trình mới nữa sẽ làm giáo viên hoang mang, lo lắng.

* TS Phạm Thị Ly (Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành): 

Cẩn thận xung đột giữa mới và cũ

Trước khi nghĩ tới việc "nhập khẩu" chương trình giáo dục của Phần Lan, hay thực hiện bất cứ cải cách nào khác ở quy mô cả nước, Bộ GD-ĐT cần phải tổ chức đánh giá thành công hay thất bại của chương trình VNEN một cách thực sự nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Câu hỏi mà chúng ta cần trả lời không phải đơn giản chỉ là VNEN đã thành công hay thất bại; mà là với những thành tựu VNEN đạt được, đâu là nguyên nhân; và với những thất bại của VNEN, đâu là khó khăn, trở ngại, thách thức, và liệu chúng ta có thể có cách làm nào khác để vượt qua những khó khăn đó?

Thật là không công bằng khi chúng ta phủi sạch những điểm tiến bộ trong mô hình dạy học và phương pháp sư phạm của VNEN, chỉ vì nhiều giáo viên và phụ huynh phản đối nó. Những tiếng nói đó cần được lắng nghe, những khó khăn đó cần được nghiên cứu để tìm cách giải quyết.

Nếu chúng ta không làm thế thì sẽ không bao giờ có bất cứ cải cách nào thành công được cả. 

Dù Phần Lan hay mười lần Phần Lan thì những xung đột giữa mới và cũ cũng sẽ xảy ra, đòi hỏi chúng ta tìm cách giải quyết, chứ không thể xem nó như không có, hoặc vì vậy mà thôi không làm nữa.

TƯỜNG HÂN - PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp