22/08/2017 01:09 GMT+7

VN Pharma nâng khống giá thuốc, chi hoa hồng bác sĩ 7,5 tỉ đồng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Các bị cáo tại VN Pharma cho rằng việc buôn lậu thuốc ung thư giả chỉ là “sai sót”, là “tai nạn nghề nghiệp”. Đồng thời, VN Pharma còn chi 7,5 tỉ đồng hoa hồng cho bác sĩ và có dấu hiệu trốn thuế.

Đồ họa: TẤN ĐẠT - VIỆT THÁI

Sáng 21-8, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và buôn lậu xảy ra tại VN Pharma. Có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử (1 bị cáo xin xử vắng mặt), trong đó có 7 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên.

Chi hoa hồng cho bác sĩ lên đến 7,5 tỉ đồng

Tại tòa, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) khai nhận việc các bị cáo tự ý nâng khống giá thuốc khi nhập khẩu nhằm hợp thức hóa khoản tiền chi hoa hồng cho bác sĩ. “Muốn bán được thuốc tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg, các loại thuốc khác chúng tôi đều phải chi hoa hồng” - bị cáo Phương cho biết.

Hồ sơ vụ án thể hiện Ngô Anh Quốc (phó tổng giám đốc VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện, để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do Công ty VN Pharma nhập khẩu. Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền hoa hồng với số tiền lên đến khoảng 7,5 tỉ đồng.

Các bị can đều khai mục đích việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách.

Cơ quan điều tra nhận định hành vi trên có dấu hiệu trốn thuế. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã lâu, số thuốc nhập về đã tiêu thụ, cơ quan an ninh điều tra không thu giữ được tài liệu đầy đủ nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng trường hợp cụ thể để kết luận.

Nhập thuốc không dùng để chữa bệnh cho người

Tại tòa, Nguyễn Minh Hùng (nguyên tổng giám đốc VN Pharma) nói: do thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C) nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về VN.

Lúc này, Cường đang là nhà phân phối thuốc tại VN của ông Raymundo (giám đốc Công ty Helix Canada, đến nay chưa rõ lai lịch).

Trên cơ sở đó, Cường đã giới thiệu ông Raymundo gặp Hùng. Khi đồng ý mua thuốc trị ung thư của Công ty Helix Canada, Hùng đề nghị phía bán thuốc cung cấp văn bản thủ tục pháp lý của đơn vị sản xuất thuốc. Ông Raymundo đã gửi về hai loại giấy tờ gồm giấy chứng nhận bán hàng của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cung cấp.

Do thiếu “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” để trình Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên viết tiêu chuẩn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt để trình Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý dược đã thành lập tổ thẩm định để thẩm định hồ sơ. Mặc dù hồ sơ có một số nội dung không thống nhất nhưng tổ thẩm định không phát hiện, mà đề nghị duyệt nhập đơn hàng. Sau khi được cục trưởng Cục Quản lý dược cấp phép, VN Pharma đã cho nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita về VN.

Sau khi cấp phép, do nghi ngờ về nguồn gốc nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Hùng giải trình, đồng thời kiểm tra đột xuất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người…

Mặc dù là người đặt mua thuốc để bán cho VN Pharma nhưng tại cơ quan điều tra, Cường khai không biết nguồn gốc lô thuốc nêu trên được sản xuất ở đâu. Kết quả điều tra cho thấy thuốc được dán tem từ Ấn Độ về Singapore, sau đó nhập khẩu về VN.

Tuy nhiên, xác minh mã vạch, mã số in trên vỏ thuốc thì không được đăng ký bởi quốc gia nào. Lý giải về hành vi của mình, bị cáo Cường nói: “Do tin tưởng ông Raymundo! Việc chuyển giấy tờ giả, bán thuốc giả là do nhà sản xuất. Nếu biết giấy tờ giả thì bị cáo đã không làm”.

Bị cáo khẳng định đây là sản phẩm kinh doanh bình thường, không có gì đặc biệt mà làm giả hoặc buôn lậu

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên tổng giám đốc VN Pharma

“Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm”

Tại tòa, các bị cáo nguyên cán bộ VN Pharma cho rằng việc làm giả hồ sơ là theo “chỉ đạo của giám đốc công ty”, còn ông Nguyễn Minh Hùng thừa nhận việc nhập khẩu lô thuốc là do có sơ suất: “Khi khách hàng phản ảnh thuốc không đạt chất lượng, bị cáo đã niêm phong lô hàng, chỉ đạo lấy thuốc đi kiểm nghiệm. Bị cáo cũng chứng minh bằng cách mời Cục Quản lý dược kiểm tra lô thuốc, cử nhân viên đi Canada xác minh xem thuốc thật hay giả”.

Tuy nhiên, sau đó ông Hùng lại cho rằng vụ án xảy ra “chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Việc bán thuốc giả ra thị trường thì đơn vị cung cấp thuốc phải chịu trách nhiệm, bị cáo không chịu trách nhiệm. Khi thuốc gửi về, chúng tôi gửi đi kiểm nghiệm thì đạt tiêu chuẩn”.

Trả lời câu hỏi về kết quả giám định lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người, bị cáo Hùng nói: “Nguyên tắc tạp chất là tự phát sinh, không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, không nguy hiểm đến người sử dụng. Làm nghề 15 năm, tôi chưa thấy khái niệm nào là thuốc không dùng chữa bệnh cho người”.

Hàng loạt thuốc giả đã bán ra thị trường!

Từ năm 2012 đến 2014, VN Pharma đã làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hong Kong để nhập một số lô thuốc như H2K-Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin... Tuy vậy, đến nay do không thu giữ được đầy đủ tài liệu và tang vật, cơ quan an ninh điều tra không có điều kiện xác định cụ thể số lượng, chất lượng thuốc và giá trị thực của lô hàng nêu trên.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp