VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 16 năm nay (ngày 15 đến 19-4) tại mốc 1.174,85 điểm, giảm gần 102 điểm, tương đương -8% so với đóng cửa tuần trước.
Đây là mức giảm về điểm số tuần mạnh nhất kể từ giữa tháng 5-2022 đến nay.
Vốn hóa chứng khoán "bốc hơi" hàng chục tỉ USD
Một tuần cả 4 phiên giao dịch (trừ ngày nghỉ lễ) đều giảm điểm, vốn hóa trên HoSE cũng "bốc hơi" hơn 412.000 tỉ đồng (xấp xỉ 16,2 tỉ USD theo tỉ giá hiện hành Vietcombank).
Còn nếu tính chung cả 3 sàn, vốn hóa thị trường chứng khoán đã giảm gần 471.000 tỉ đồng (xấp xỉ khoảng 18,5 tỉ USD) chỉ trong vòng một tuần.
Như vậy, giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 6,3 triệu tỉ đồng.
Về xu hướng dòng tiền, tuần này thanh khoản trên HoSE đạt hơn 130.589 tỉ đồng, tăng 36,1% so với tuần trước, phản ánh áp lực bán tăng mạnh. Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng với giá trị hơn 2.248 tỉ đồng.
Còn tính tổng giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) trong tuần đạt 30.072 tỉ đồng.
Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 27.500 tỉ đồng, tăng 50% so với tuần trước và tăng hơn 8% so với trung bình 5 phiên.
Dữ liệu Fiintrade cho thấy xét theo ngành, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng ở phần lớn các ngành chủ chốt.
Trong đó tăng mạnh nhất ở nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thép, xây dựng, hóa chất, thực phẩm, dầu khí, công nghệ thông tin. Chỉ số giá của các ngành nêu trên cùng đồng loạt giảm trong tuần vừa qua.
Xét riêng khớp lệnh, khối nhà đầu tư cá nhân có tuần bán ròng đầu tiên sau 11 tuần mua ròng trước đó. Nhóm này tập trung "xả" nhóm bán lẻ, chứng khoán, thép nhưng mua ròng mạnh bất động sản. Bên mua ròng tuần qua là tự doanh và tổ chức trong nước.
Áp lực margin, nhiều nhóm giảm rất mạnh với thanh khoản đột biến
Trong tuần qua, với áp lực bán mạnh hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm mạnh, thanh khoản giá tăng khá đột biến khi chỉ có 4 phiên giao dịch.
Theo dữ liệu của SHS, các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán giảm mạnh nhất có BSI (-20,70%), FTS (-18,70%), VDS (-17,31%), VIX (-16,41%)...
Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết cũng chịu áp lực như CTG (-11,98%), TPB (-11,23%), NVB (-10,68%), BID (-9,46%)...
Với áp lực bán mạnh, áp lực giải chấp, giảm mạnh dư nợ margin (vay ký quỹ) gia tăng, các nhóm ngành khác hầu hết cũng giảm rất mạnh, thanh khoản gia tăng đột biến như các mã bất động sản với FIR (-23,45%), CEO (-21,33%), DXG (-21,21%), NHA (-19,91%)...
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tương tự với DTD (-16,20%), KBC (-16,17%), BCM (-15,41%), VGC (-13,23%), GVR (-12,19%)...
Các nhóm ngành khác như cổ phiếu dầu khí cũng chịu những lực bán lớn với CNG (-17,47%), POS (-16,48%), PVC (-13,41%), PVS (-10,70%)...
Nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng cũng không ngoại lệ với DPG (-18,28%), KSB (-18,26%), HHV (-17,22%), FCN (-16,88%)... Hay phân bón, hóa chất với LAS (-12,89%), DPM (-10,09%), BFC (-9,92%), CSV (-14,94%), DGC (-9,40%)... và thủy sản, nông nghiệp như SBT (-16,02%), DBC (-15,86%), PAN (-13.53%), IDI (-12,35%), ANV (-10,84%)...
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần qua, trong đó đáng chú ý là diễn biến căng thẳng Trung Đông leo thang khi Iran đã tiến hành cuộc tấn công vào Israel. Trong nước, tỉ giá căng thẳng chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Để kiểm soát tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các nhà băng có trạng thái ngoại tệ âm với giá 25.450 đồng, thấp hơn mức trần 23 đồng từ hôm 19-4. Tuy nhiên, rơi vào cuối tuần nên việc đánh giá hiệu quả của giải pháp này cần có sự quan sát trong các phiên ở tuần mới tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận