Thủ tướng nhấn mạnh khát vọng Việt Nam lọt vào top các nước có thu nhập đầu người ở mức cao - Ảnh: LÊ TIÊN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn thường niên về và phát triển VN (VRDF) lần thứ nhất - "Tầm nhìn mới, động lực mới cho trong kỷ nguyên mới", do Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức sáng 5-12.
Theo Thủ tướng, nền kinh tế VN có độ mở cao nên những vấn đề quốc tế như chiến tranh thương mại đan xen xung đột chính trị, chính sách bảo hộ mậu dịch, biến động của thị trường dầu mỏ... sẽ tác động sâu sắc đến chính sách phát triển kinh tế VN.
Thủ tướng nhấn mạnh đến ba điểm nghẽn của nền kinh tế gồm: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Điều này khiến nền kinh tế VN gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu.
Dù nhận định nền kinh tế VN có triển vọng tăng trưởng trung bình 6,85% trong các năm 2018-2020 nhưng ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết Chính phủ vẫn luôn ý thức các thách thức, khó khăn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không thực hiện cải cách và phát triển sẽ ngay lập tức bị tụt hậu. Do đó phải tận dụng triệt để mọi cơ hội, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn, tư duy đổi mới, cải cách.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thế Du, chuyên gia Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng mức độ phức tạp trong kinh doanh, đổi mới sáng tạo đang là điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp không tập trung vào hoạt động tạo ra giá trị gia tăng.
Việc Intel xuất khẩu 5 tỉ USD nhưng phần giá trị gia tăng để lại ở VN chỉ khoảng 2% xuất khẩu, con số rất nhỏ, là một ví dụ.
"Những trục trặc cơ bản trong nền kinh tế - là thể chế không chính thức, văn hóa bất thành văn - kéo lùi khả năng đổi mới sáng tạo của VN. Cách thức kinh doanh chỉ nhìn ngắn hạn.
Việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng, không làm tốt thì ước mong đổi mới sáng tạo sẽ bị đẩy lùi" - ông Du nói, đồng thời khuyến nghị cần phải cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, trong đó tập trung vào nhu cầu, môi trường văn hóa kinh doanh.
Cũng tại diễn đàn, ông Vũ Khoan, nguyên phó thủ tướng, cho rằng VN cần phải giảm bớt "độ chấn thương" nền kinh tế bằng việc gia tăng nội lực bản thân và tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới.
Cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu cho tự do hóa thương mại và thích nghi với thay đổi, trong đó có những luật chơi cơ bản của WTO. Đặc biệt, VN cần chuyển sang mô hình phát triển mới dựa vào khoa học công nghệ.
"Vấn đề là "chọn gen gì là gen trội" trong nền kinh tế VN: nền kinh tế dựa vào nông nghiệp hay yếu tố nào?
Nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực. VN đã nhận thức và đặt vấn đề phải đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục và đây là vấn đề "không thể cưỡng" trong thời đại mới. Trong đó tập trung vào ba tầng lớp là những người sáng tạo, người vận hành và toàn thể xã hội" - ông Khoan đề nghị.
Tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng thể chế kinh tế sao cho các chủ thể kinh tế đều có quyền tham gia hoạch định kế hoạch phát triển và chính sách.
Ngoài ra, VN sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, số hóa để chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, người tài để tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 làm động lực tăng trưởng đất nước.
"Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh sửa môi trường kinh doanh theo các tiêu chuẩn của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) theo hướng nâng cấp hơn.
Năm 2019, Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách cải cách mạnh mẽ hơn, mới hơn để mở đường cho các chiến lược phát triển mới năm 2020, 2025 và đặt nền móng cho năm 2045" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận