Mở ra cơ hội cho bệnh nhân suy tim
GS.TS Bùi Đức Phú, Chủ tịch Hội đồng cố vấn lâm sàng hệ thống Y tế Vinmec, chia sẻ đây là ca thứ 2 ở VN, sau ca thứ nhất thực hiện năm 2014, khi ông Phú còn là giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo ông Phú, đây là cơ hội cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, đang chờ ghép nhưng chưa có tim hiến tặng.
Vợ chồng chị Vi Thị Tân vui mừng ngày chị được ra viện, chị đã khỏe mạnh trở lại sau 10 năm suy kiệt vì bệnh tim - Ảnh: BVCC
"Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim 10 năm, đã chuyển sang suy tim giai đoạn cuối, cơ tim giãn lớn, đồng thời có tai biến mạch máu não. Bệnh nhân được điều trị nội khoa theo phác đồ trị liệu tối ưu nhưng không hiệu quả và lâm vào tình trạng nguy kịch.
Chúng tôi đã có 6 lần hội chẩn và chuẩn bị kỹ càng, làm chủ hoàn toàn về gây mê, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể, hồi sức cho bệnh nhân và sau cấy ghép tim nhân tạo là vận hành tim"- GS Phú nói.
Cũng theo GS Phú, ca ghép này là kỹ thuật mổ tim hở, cấy ghép một thiết bị bơm máu (hay còn gọi là tim cơ học) vào buổng tim trái. Từ đó thiết bị sẽ bơm máu vào động mạch chủ và hỗ trợ cho quả tim đã suy ở giai đoạn cuối không còn đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa khác. Nhờ vậy bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể sinh hoạt và làm việc trở lại bình thường.
Ngày 4-4, khi chị Vi Thị Tân kết thúc quá trình điều trị và được ra viện, "có thể sinh hoạt và trở lại cuộc sống bình thường" khiến chị cùng cả gia đình rất vui mừng. Ở tuổi 34, sau 10 năm điều trị suy tim giai đoạn cuối, chị không còn bị méo mặt, nói lại được, đi lại được, sắp tới sẽ đi làm bằng xe máy được…
Giáo sư Phú cho biết, việc cấy ghép tim nhân tạo hổ trợ tâm thất HVAD giúp bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống chất lượng trên 5-7 năm
29 người ghép tim, và hơn nữa
Sau 9 năm thực hiện được ghép tim trên người (từ tim người chết não hiến tặng), mới có 29 người được ghép tim ở VN. Con số ít ỏi này càng trở nên nhỏ bé nếu so sánh với hàng ngàn người mắc các bệnh cần được ghép tim mỗi năm. Nếu không thể cấy ghép tim nhân tạo và không có tim hiến tặng, bệnh nhân rất khó có cơ hội sống.
GS-TS Bùi Đức Phú và GS-TS Đỗ Doãn Lợi, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec thăm hỏi chị Tân trước khi chị ra viện - Ảnh: BVCC
Theo thống kê của Hội Tim mạch VN, mỗi năm có hàng ngàn người VN mới bị phát hiện suy tim, tỷ lệ suy tim ở VN rất cao với 50% bệnh nhân tử vong sau 5 năm phát hiện bệnh.
Trong bối cảnh có rất ít ca ghép tim được thực hiện do thiếu nguồn tạng hiến từ người chết não, phương pháp cấy ghép tim nhân tạo bán phần áp dụng ở VN sẽ giúp cứu sống người bệnh suy tim giai đoạn cuối, cải thiện chất lượng sống của người bệnh.
Theo GS Phú, sau khi cấy ghép tim nhân tạo bán phần thành công cũng sẽ mở ra cơ hội cấy ghép tim nhân tạo toàn phần tại VN.
Từ 2010, phương pháp cấy ghép tim nhân tạo đã được thế giới coi là phương pháp điều trị vĩnh viễn và mở ra cơ hội cứu sống nhiều người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận