Bị cáo Nguyễn Thế Anh tự bào chữa trước tòa - Ảnh: THƯỜNG XUÂN
Sáng 15-7, phiên tòa xét xử 2 cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh và nhiều cựu sĩ quan trong vụ án "buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" liên quan đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng tiếp tục phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang), luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đại diện Viện kiểm sát quân sự Bộ đội biên phòng cáo buộc thân chủ của ông phạm tội nhận hối lộ là chưa thuyết phục.
Theo luật sư, với chức vụ cựu phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ông Anh không có chức năng bắt giữ các tàu buôn lậu của Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh).
Trong vụ án này, chưa có tài liệu chứng minh chức vụ của Nguyễn Thế Anh liên quan trực tiếp đến hoạt động buôn lậu của ông Hữu; chưa có tài liệu chứng minh ông Anh trong quá trình công tác, trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới buông lỏng, bao che cho hoạt động buôn lậu của ông Hữu.
Theo luật sư, nếu ông Anh có nhận tiền từ ông Hữu thì chỉ có thể cáo buộc bị cáo này lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ hoặc nhận quà trái quy định chứ không phải hối lộ.
Tự bào chữa, ông Anh cho rằng ban đầu bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, sau đó bị thay đổi tội danh sang tội nhận hối lộ.
"Cơ quan tố tụng ban đầu cho rằng bị cáo nhận hối lộ trực tiếp, không qua trung gian liệu có chính xác không?", bị cáo nói.
Ông Anh cho hay quá trình điều tra bị mớm cung, ép cung dẫn đến lời khai tại cơ quan điều tra không thể hiện cho ý chí của bị cáo. Ông tiếp tục nói không quen biết Phan Thanh Hữu, không nhận tiền hối lộ.
Đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo, đại diện Viện kiểm sát quân sự Bộ đội biên phòng khẳng định trong vụ án này việc khởi tố, điều tra, thu thập chứng cứ là hoàn toàn khách quan.
"Không có cán bộ tiến hành tố tụng nào có thể mớm cung, ép buộc những người thân thiết, những người đồng chí khai báo về nhau. Không có cán bộ tố tụng nào muốn làm xấu đi hình ảnh của đồng chí, đồng đội của mình, nhất là trong vụ án này có những sĩ quan cao cấp trong quân đội", viện kiểm sát nêu quan điểm.
Đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh các bản hỏi cung của bị cáo Nguyễn Thế Anh do Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, có sự tham gia của đại diện cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, khi thực hiện xong có cho bị cáo xem và ký xác nhận, điều này hoàn toàn khách quan.
"Bị cáo Nguyễn Thế Anh trải qua thời gian dài trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đã có nhiều thành tích, thử hỏi ai có thể mớm cung, ép cung bị cáo?", kiểm sát viên nhấn mạnh.
Về vấn đề các luật sư cho rằng không có chứng cứ vật chất chứng minh cho hành vi nhận hối lộ của các bị cáo, đại diện viện kiểm sát khẳng định, ngoài lời khai của các bị cáo, người làm chứng... còn có nhiều tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Trong đó, cơ quan tố tụng đã tiến hành thu thập dữ liệu viễn thông thể hiện lịch sử cuộc gọi, địa điểm cuộc gọi, hoàn toàn trùng khớp với hành vi phạm tội của bị cáo.
Trước đó, viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Thế Anh mức án chung thân về tội nhận hối lộ và 1-2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt đề nghị là tù chung thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận