Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam trên đường Thụy Khuê (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Theo đó, cổ đông chiến lược của hãng này là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) sẽ phải rút vốn trước thời hạn, không còn là cổ đông chiến lược của hãng phim.Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy quá trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) có nhiều sai phạm.
Xác định lại giá trị của VFS
Khi thực hiện cổ phần hóa, trong quá trình xây dựng phương án sử dụng đất VFS đã đưa vào cả những lô đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là sai quy định.
Phương án sử dụng đất chưa hoàn thiện, nhưng Bộ VH-TT&DL (cơ quan chủ quản của VFS) đã phê duyệt chuyển Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần là không đúng với quy định về cổ phần hóa.
Việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VH-TT&DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của hãng phim.
Ngoài ra, vì chưa xây dựng cụ thể tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, cũng như chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, dẫn đến không chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.
Khi VFS trở thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, đơn vị này chưa thực hiện một số nội dung được đề ra trong đại hội cổ đông lần thứ nhất. Cổ đông chiến lược là VIVASO chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Theo quan sát của phóng viên, trong suốt thời gian điều hành VFS, VIVASO không giúp VFS làm ra được một sản phẩm nào.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ VH-TT&DL cần xây dựng kế hoạch để cho nhà đầu tư chiến lược là VIVASO rút vốn trước thời hạn. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cần lập hội đồng xác định giá trị thương hiệu của VFS.
Sau khi có kết quả, xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỉ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp. Ngoài ra, VFS cần hoàn thiện phương án sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở phương án sử dụng đất được duyệt, xác định lại giá trị doanh nghiệp.
VFS sẽ về với VOV?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ VH-TT&DL được giao trách nhiệm tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Cụ thể: trưởng ban và các thành viên có liên quan của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VH-TT&DL; ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam theo từng thời kỳ; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu VFS trong thời kỳ để xảy ra vi phạm; Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam cũng như các đơn vị tư vấn...
Đạo diễn Thanh Vân - một trong những đại diện của VFS tham dự cuộc họp công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ - cho biết:
"Chúng tôi đã chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ suốt một năm nay. Sau một thời gian dài đấu tranh, chúng tôi đã đạt được mục đích đầu tiên. Chúng tôi tạm hài lòng với kết luận: VIVASO sẽ phải rút vốn trước thời hạn. Còn tương lai hãng như thế nào, còn rất bộn bề, chưa thể nói trước được".
Hiện đã có phương án chuyển giao VFS cho nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ban đầu Chính phủ có kế hoạch chuyển VFS về VTV, nhưng sau khi bàn đi tính lại, VFS dự kiến được đưa về VOV. Các nghệ sĩ của hãng hiện tại đều đồng thuận với phương án được về VOV. VOV hiện đang sở hữu cả hệ thống phát thanh lẫn truyền hình.
Trong thời gian này, Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính sẽ chủ trì để lo việc VIVASO rút vốn. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, về cơ bản VOV đã đồng ý tiếp nhận VFS. VOV sẽ xây dựng lại mô hình hoạt động của VFS, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cả năm không có sản phẩm mới
Vụ cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam đã lùm xùm suốt ba năm nay. Cuối năm 2015, Bộ VH-TT&DL phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần.
Tháng 4-2016, theo công bố, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) là đơn vị duy nhất đăng ký mua VFS và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược.
Quyết định này ngay sau đó đã tạo nên không ít sóng gió trong nội bộ hãng phim. Suốt một năm trời, liên tiếp xảy ra đụng độ giữa các nghệ sĩ trong hãng phim với VIVASO.
Các nghệ sĩ nghi ngờ về tính minh bạch của quá trình chọn cổ đông chiến lược, nhất là khi giá tài sản đất đai không được tính vào định giá hãng phim, còn thương hiệu của hãng phim gần 60 năm tuổi được tính bằng 0.
Dù VIVASO sau đó đã đưa ra chiến lược để phát triển hãng, nhưng suốt một năm qua, hãng không có bất kỳ một sản phẩm gì mới.
Đến tháng 10-2017, tổng Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra công tác cổ phần hóa VFS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận