Ông Kim Joo Hyung trả lời phỏng vấn của PV báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đồng hành với cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Kim Joo Hyung - giám đốc Trung tâm Giao lưu và Hợp tác châu Á văn phòng Hà Nội, một trong năm cơ quan của Trung tâm VITASK, cho biết: Thông qua cuộc thi, VITASK mong muốn có thêm nhiều sự hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
"Sản phẩm làm ra nhiều nhưng tỉ lệ lỗi cũng rất cao"
Theo ông Kim, VITASK được thành lập tại Việt Nam trong Dự án hỗ trợ phát triển hợp tác công thương hai nước Việt - Hàn (ODA, Official Development Assistance).
Dự án hướng đến việc góp phần tăng trưởng bền vững và phát triển sản xuất của Việt Nam, bằng cách hỗ trợ mở rộng giao lưu giữa các doanh nghiệp hai nước; hỗ trợ phân tích thí nghiệm, đào tạo chuyên gia tư vấn, nâng cao năng lực kỹ thuật vật liệu linh kiện dựa trên nhu cầu của các công ty Việt Nam.
Ông Kim nhận định rằng nền công nghiệp ô tô Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để phát triển trong bối cảnh những năm gần đây, các doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng dồn nguồn vốn vào Đông Nam Á.
Nếu có thể tận dụng tốt những cơ hội này thì Việt Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để trở thành trung tâm sản xuất quy mô toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, hoạt động của Trung tâm VITASK sẽ giúp kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác. Trung tâm sẽ hướng dẫn sâu về kỹ thuật để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của những công ty đầu ngành phía Hàn Quốc.
Ông Lee Jun Ho - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt - Hàn (VITASK), và ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo “Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung” - Ảnh: M.TÚ
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Kim cho rằng một trong những giai đoạn mà các nước phát triển cần phải bước qua là giai đoạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được tiêu chuẩn của các tập đoàn đầu ngành.
Nhìn chung doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú ý đến các sản phẩm mà họ làm ra. Vì thế, theo ông Kim, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư hơn cho chi tiết sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm.
Ở Việt Nam hiện đã có một số doanh nghiệp dù quy mô nhỏ nhưng đã rất tự tin với sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, theo ông Kim, nếu tự bản thân doanh nghiệp đánh giá sản phẩm mình tốt thì chưa đủ mà điều quan trọng nhất là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung mà thế giới đang áp dụng. Khi đó đương nhiên doanh nghiệp Hàn Quốc cũng sẽ bắt tay với doanh nghiệp Việt Nam vì chính sách ưu đãi của Việt Nam hiện đang rất tốt.
Trung tâm VITASK kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc - Fifteen Degrees ký MOU với doanh nghiệp Việt Nam - Infinite Lion, trước sự chứng kiến của ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: HỮU HẠNH
"Nhiều doanh nghiệp đã giảm tỉ lệ sản phẩm lỗi từ 60% xuống mức 0%"
"VITASK đang tập trung hỗ trợ kỹ thuật, có các chuyên gia Hàn Quốc đến trực tiếp nhà máy Việt nam để tìm hiểu và xác định vấn đề của từng doanh nghiệp, xem sản phẩm làm ra đang gặp vấn đề gì, cần cải thiện điều gì. Từ đó sẽ đề xuất các phương án để cải thiện khâu sản xuất.
Một số doanh nghiệp sau khi được VITASK hỗ trợ, tư vấn cải thiện các công đoạn sản xuất nên đã giảm tỉ lệ sản phẩm lỗi từ 60% xuống còn 0%. VITASK còn tham gia đào tạo nguồn kỹ sư, sinh viên đại học để những người này sau này có thể đến làm việc tại các nhà máy ở Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua ACC là trung tâm giao lưu và hợp tác châu Á" - ông Kim nói.
Về lý do chọn Việt Nam làm nơi hoạt động ở Đông Nam Á, ông Kim cho biết tiềm năng cũng như cơ sở hạ tầng của Việt Nam được đánh giá là tốt nhất trong khu vực. VITASK cũng đã khảo sát tại Thái Lan, Indonesia… thì nhận thấy rằng Việt Nam có khả năng đào tạo nhân lực thuộc nhóm cao nhất, có khả năng tạo ra được nhiều kỹ sư chất lượng cao.
Từ đó VITASK đã quyết định chọn Việt Nam để hoạt động.
Ông Kim cho rằng chính sách của Việt Nam hiện có độ mở rất lớn, đây là điều thuận lợi nhưng Chính phủ cũng cần nhanh nhạy hơn trong việc đề xuất cơ chế hợp tác với các quốc gia bên ngoài.
Ngoài ra, theo ông Kim, mối liên kết giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Vì lý do đó, Chính phủ cần thực hiện các chính sách tiệm cận hơn với doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trung tâm VITASK trao 2 giải thưởng đặc biệt cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất - Ảnh: HỮU HẠNH
Đánh giá về ý tưởng tổ chức cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0" của báo Tuổi Trẻ, ông Kim nói rằng những cuộc thi như vậy sẽ giúp ích rất lớn để kéo các doanh nghiệp lại gần nhau.
"Tôi mong muốn cuộc thi như vậy cần được tổ chức nhiều và sâu hơn, từ đó nâng cao được uy tín giải thưởng. Những doanh nghiệp nhận được vinh danh cũng sẽ được biết đến nhiều hơn với tư cách là đơn vị rất tích cực trong việc tìm hiểu, liên kết với doanh nghiệp khác" - ông Kim nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận