13/05/2016 17:56 GMT+7

Vịt trời trúng độc: Nóng hổi vấn nạn môi trường

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Bằng những sáng tạo thú vị, Vịt trời trúng độc vừa bước ra sân khấu hiện đại với tiếng nói bảo vệ môi trường mạnh mẽ.

NSND Lê Khanh (vai Gina) diễn ăn ý suốt 80 phút cùng nghệ sĩ rối dây Nhật Bản trong vở Vịt trời trúng độc - Ảnh: Đức Triết
NSND Lê Khanh (vai Gina) diễn ăn ý suốt 80 phút cùng nghệ sĩ rối dây Nhật Bản trong vở Vịt trời trúng độc - Ảnh: Đức Triết

Diễn ra từ ngày 13 đến 15-5, tại rạp Tuổi trẻ (Hà Nội), vở kịch rối dây Vịt trời trúng độc do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Nhà hát rối dây Edo- Yukiza phối hợp dàn dựng. Vở sẽ tham dự liên hoan sân khấu quốc tế Sibiu Rumani dịp tháng 6 năm nay.

Sừc sống của kịch kinh điển

Vẫn lấy câu chuyện được kịch gia nổi tiếng của Nauy- Henrik Ibsen viết trong Con vịt trời cách đây 132 năm làm chính nhưng Vịt trời trúng độc đã được đạo diễn Sakate Yoji biên tập lại và “cập nhật” một cách hợp lý vấn đề đang nóng hổi của ngày hôm nay - vấn đề con người và môi trường.

Trước mỗi suất diễn tại Hà Nội, đoàn nghệ thuật Kawashima- bayashi sẽ biểu diễn nhạc cụ dân gian và múa sư tử truyền thống Nhật Bản - một chương trình âm nhạc cổ truyền đặc sắc có tuổi đời hơn 200 năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Kawashima.

“Tôi vừa muốn Vịt trời trúng độc thấm đẫm tinh thần kịch Ibsen, vừa muốn vở kịch đủ sức chuyển tải những vấn đề nóng của thời đại. Và, theo tôi, kịch kinh điển có sức sống lâu bền từ những điều ấy…” - đạo diễn Sakate Yoji nói.

Nghệ sĩ Thanh Bình là người đảm nhận vai trò đó khi anh vào vai hồn ma con vịt trời trúng đạn tập tễnh quẩn quanh nơi trần thế.

Đan xen vào câu chuyện bi kịch của gia đình Gina, hồn ma ấy lên tiếng bóc trần sự thật của vấn nạn môi trường đang ngày càng bị hủy hoại vì nhiễm độc chì, từ chính những viên đạn chì do con người săn bắn. 

Những câu nói như Con người đã làm uế bẩn loài chim, Chỉ có con người ăn thịt con người thôi, Rừng xanh sẽ báo thù… có khi làm thức tỉnh người trong cuộc nhưng cũng có khi làm cho đám người bảo thủ nổi giận.

Truyền cảm và khéo léo

 

Nghệ nhân Yuki Magosaburo XII (thứ hai từ trái qua) và các nghệ nhân Nhà hát rối dây Edo- Yukiza  biểu diễn trong vở kịch rối dây Vịt trời trúng độc - Ảnh: Đức Triết
Nghệ nhân Yuki Magosaburo XII (thứ hai từ trái qua) và các nghệ nhân Nhà hát rối dây Edo- Yukiza biểu diễn trong vở kịch rối dây Vịt trời trúng độc - Ảnh: Đức Triết

Khi mới từ Nhật Bản trở về, NSND Lê Khanh từng chia sẻ đã có lúc chị âm thầm ngồi khóc vì gặp những trở ngại tưởng như khó vượt qua khi tham gia dự án.

Xem vở diễn càng hiểu rõ hơn những trở ngại, khi mà trừ người vợ Gina - Lê Khanh thủ vai - thì tất cả các nhân vật khác trong Vịt trời trúng độc như ông chồng Hjaimar, cô con gái Hedvig, anh bạn thân Gregers, lão Werle, ông thầy thuốc Relling…đều do những con rối “vào vai” và nói bằng tiếng…Nhật.

Quay cuồng giữa bao mối quan hệ, Lê Khanh chuyển tải xuất sắc cảm xúc của người đàn bà đắng cay giữa sự thật bị bóc trần mà vẫn không thôi hy vọng được hạnh phúc… 

NSND Lê Khanh (vai Gina) diễn ăn ý suốt 80 phút cùng nghệ sĩ rối dây Nhật Bản trong vở Vịt trời trúng độc - Ảnh: Đức Triết
NSND Lê Khanh (vai Gina) diễn ăn ý suốt 80 phút cùng nghệ sĩ rối dây Nhật Bản trong vở Vịt trời trúng độc - Ảnh: Đức Triết

Tất nhiên, sự thành công ấy của Lê Khanh còn được thôi thúc không ngừng từ những nghệ sĩ rối dây Nhật Bản. Bằng ngữ điệu truyền cảm và những động tác vô cùng khéo léo, tinh tế; những Yuki Magosaburo XII , Yuki Chie, Yuki Ikuko, Yuki Kazuma, Oka Izuna, Yumoto Aki… không ngừng truyền sức sống thực thụ của một con người có cảm xúc, có yêu thương, ghét bỏ, độc ác, thù hận… cho “vai diễn” của mỗi con rối. Cộng hưởng vào đó là tiếng violon đầy ngẫu hứng của nghệ sĩ Ota Keisuke. 

Giữa những đổ vỡ, bi kịch của con người hay tiếng nói đầy phẫn nộ từ thiên nhiên, vở kịch vẫn gieo những cảm xúc tươi sáng, niềm hy vọng cho ngày mai…

* Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:

Một cách gợi mở thú vị về sự kết hợp giữa sân khấu truyền thống và hiện đại

“Sau ba suất diễn tại Hà Nội, vở kịch rối dây Vịt trời trúng độc có thêm suất diễn vào lúc 20g ngày 17-5 tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng. Trong 1,6 tỷ đồng tổ chức bốn suất diễn ấy, Nhà hát Tuổi trẻ đóng góp 500 triệu đồng, còn lại do Asia Center- Quỹ Japan Foundation, Naman Retreat và Hiệp hội Unesco Hà Nội tài trợ. 

Đây là một cơ hội dành cho giới làm nghệ thuật ở Việt Nam được dịp tiếp cận với một cách gợi mở đầy thú vị về cách khai thác kịch kinh điển cũng như sự kết hợp ăn ý giữa sân khấu truyền thống và hiện đại.

* Đạo diễn Sakate Yoji: 

“Tôi bất ngờ khi Vịt trời trúng độc được diễn đúng dịp này!”

“Nói thực là dự án vở kịch rối dây Vịt trời trúng độc được một đội ngũ sáng tạo đều là những nghệ sĩ hàng đầu của Nhật Bản vô cùng khó tính thực hiện. 

Đối với chúng tôi, nghệ sĩ nào trên thế giới cũng có thể cùng đứng trên sân khấu, diễn chung một vở kịch nếu như thực sự tài năng. Có một điều nữa tôi muốn chia sẻ với các bạn là mấy ngày qua khi đọc những bản tin về vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam, tôi đã bất ngờ vì sự ngẫu nhiên vở Vịt trời trúng độc được biểu diễn đúng dịp này”.

Đ.TRIẾT (ghi)

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp