Christian (Arron Toronto) và chàng Việt kiều Phong (Khôi Trần) trong vở Visa. Là tuyến phụ của vở diễn, Phong với niềm hoài cảm những món ăn “ngon nhức nách” quê nhà, dần lái người xem đến thông điệp quan trọng: dù ở nơi đâu, trong trạng huống nào thì con người đều cần phải hãnh diện và bảo vệ cái gốc rễ, cái tinh hoa của dân tộc mình - Ảnh: Đình Khang |
"Bà bầu" của sân khấu Hồng Hạc - đạo diễn Việt Linh hẳn là có chủ ý khi chọn Visa (biên kịch: Việt Linh, đạo diễn: Chi Cù, vở chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Hải Miên) là một trong hai vở kịch đầu tiên "chào sân" của sân khấu Hồng Hạc, trong dịp sân khấu ra mắt vào cuối năm 2015.
Cái đúng đã bao hàm cái đẹp
Trong cuộc đời của mỗi con người, sẽ hơn một lần chúng ta cần tấm giấy thông hành để đến nơi mình cần đến, có thể là một vùng miền, một nơi an trú, một công việc, một tâm hồn... Và chủ đề “tấm giấy thông hành” đã hiển thị ngay từ tên gọi của vở kịch Visa.
Visa gợi sự tò mò cho người xem ngay từ phút đầu tiên khi dõi theo quá trình phỏng vấn xét visa sang Bỉ của Lim.
Vốn đã được người bạn đi cùng cảnh báo “Hôn nhân vì tình yêu là thứ khó tin nhất giữa một kẻ có quốc tịch kém phát triển với một công dân thuộc chủng tộc đẳng cấp khác”, Lim lường trước những khó khăn mà cô có thể gặp phải và cố gắng sao cho cái tôi của một phóng viên giàu năng lực “xẹp” xuống hết mức có thể.
Nhưng như một chiếc lò xo, càng nén chặt thì càng bung tỏa hết cỡ, Lim dần “quên” mục đích ban đầu, trở nên không khoan nhượng trước những câu hỏi xách mé và miệt thị từ Christian.
Quan điểm sống, tình yêu, lòng tự trọng, niềm tự tôn dân tộc được bộc lộ tự nhiên qua những câu thoại vừa thẳng thắn vừa mẫn tiệp của Lim.
Trước mặt Lim, dĩ nhiên, Christian tỏ ra cứng rắn và không phục. Nhưng Lim thực sự đã tạo một cơn dư chấn trong tâm hồn anh, làm lung lay “phẩm chất” nghi kị, đối kháng, máy móc vốn được cho là cần thiết trong nghề nghiệp nơi anh.
Chritian buộc phải hoang mang và ngầm thừa nhận rằng trong nhiều trường hợp, nhân cách và túi tiền tỉ lệ nghịch với nhau, rằng không phải ai đến lãnh sự quán cũng đều ủ mưu kéo cả dòng cả họ sang chính quốc.
Có thể nói, cuộc đối thoại hấp dẫn, cân não và văn minh giữa Lim và Christian là điểm cuốn hút nhất của kịch phẩm Visa. Nó không chỉ khiến người xem đã tai (vì độ căng của kịch tính, vì Arron Toronto nói tiếng Việt khá sõi…) mà còn tin rằng “cái đúng đã bao hàm cái đẹp”.
Ekip Hồng Hạc luôn dành thời gian cuối buổi diễn để giao lưu với khán giả, tăng tính tương tác giữa người xem và người làm nghệ thuật. Ảnh: Đạo diễn Việt Linh - bà bầu sân khấu Hồng Hạc chia sẻ với khán giả sau một buổi diễn: "Chúng tôi như một gia đình bé nhỏ, mong quý vị khán giả hãy yêu quý gia đình bé nhỏ này và có những chia sẻ thật lòng để chúng tôi ngày càng tốt hơn, ngày càng tự tin, dũng cảm hơn” - Ảnh: Đình Khang |
Tinh gọn diễn viên, tiết chế hành động
Dù là một vở chắc tay nhưng không hẳn Visa làm hài lòng mọi khán giả. Khán giả có thể hoài nghi motif tiền hung hậu kiết (tùy viên sứ quán phải lòng người xin visa) và chưa chắc đã tin ở đóa hồng mà Visa mang lại.
Nhưng cũng có thể lắm chứ, vì nói như Aristotle, nhiệm vụ của người sáng tạo “không phải ở chỗ nói về sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật ngẫu nhiên”. Tình huống mà Visa đặt ra không phổ biến nhưng không phải là điều bất khả.
Một ấm ức khác của người xem là vở kết thúc sớm quá - 1 giờ 45 phút, ít tình huống và ít nhân vật. Thực ra, đây không phải là bước đột phá của Hồng Hạc, chỉ là sân khấu này đang làm khác đi so với “bạn bè” của mình ở TP.HCM.
Tinh gọn diễn viên, tiết chế hành động, Hồng Hạc đang phục dựng lại tính chất ban sơ của sân khấu mà ông tổ ngành sân khấu Ấn Độ, Bharata, đã trình bày trong Natya Shastra từ 16 thế kỉ trước: kịch cần lôi cuốn sự chú ý của người xem vào “tình trạng” (state) chứ không phải “hành động” (action). “Tình trạng” rộng lớn hơn “hành động”, có thể tạo ra sự khơi gợi và dư âm sau buổi diễn.
Thực tế và lãng mạn, kiêu hãnh và định kiến, căng thẳng và hài hước, tinh gọn và đọng lại dư vị, Visa dường như đáp ứng được những yêu cầu truyền thống lẫn mới mẻ của chính kịch Việt, bảo đảm sự nghiêm túc, sang trọng của “thánh đường” nhưng không quá hàn lâm, “trên trời”.
Còn nhớ, trong một buổi trò chuyện với khán giả ở Cà phê thứ Bảy, đạo diễn Việt Linh từng nêu lên quan niệm rằng trong bất kì tác phẩm điện ảnh hay sân khấu nào, điều tối quan trọng là tạo nên những đối thoại có sức nặng.
Và thực sự Visa cũng như các vở Giờ của quỷ, Thiên Thiên, Diễn viên hạng ba, Tro tàn rực rỡ (tên cũ: Đảo lửa)… của sân khấu Hồng Hạc đang trung thành với con đường đó. Khán giả có thể “đã tai” với những câu thoại sâu sắc, thấm thía nhưng không nặng nề rao giảng vì mỗi vở diễn luôn pha trộn sự nhẹ nhàng, khôi hài, gần gũi - một ca khúc, một ngữ vựng thời @ chẳng hạn.
Với những nỗ lực đó, Visa và Hồng Hạc đang bền bỉ tìm kiếm cho mình tấm giấy thông hành đến trái tim khán giả.
Cảnh trong vở Diễn viên hạng ba - vở chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lý Lan - Ảnh: Đình Khang |
Cảnh trong vở Thiên Thiên bản mới - Ảnh: Đình Khang |
Diễn viên Hồng Ánh - đạo diễn vở Giờ của quỷ giao lưu với khán giả tại sân khấu Hồng Hạc - Ảnh: Đình Khang |
Lần lượt cho ra mắt năm vở kịch mới trong tình hình sân khấu gặp nhiều khó khăn, Hồng Hạc có lẽ phải gồng gánh nhiều để kiên trì với lối đi đã xác lập: "tiệm cận với văn học và điện ảnh nhất có thể" - Ảnh: Đình Khang |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận