Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand, ngày 14/8. Ảnh: ibtimes.co.uk
Theo kênh RT, một nghiên cứu do các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm Dược phẩm thuộc Đại học Oxford (Anh) và Đại học West of England thực hiện đã phát hiện ra nguy cơ 'dương tính giả' do cách thức tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Các nhà nghiên cứu kết luận mặc dù bệnh nhân có thể nhiễm COVID-19 chỉ trong một tuần song xét nghiệm phát hiện bệnh có thể vẫn cho kết quả dương tính vài tuần sau khi bệnh nhân hồi phục.
Nhóm các chuyên gia đã tìm hiểu dựa trên 25 nghiên cứu trước đó về xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase được sử dụng để xác định xem một người có virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không.
Quá trình xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase lấy mẫu từ một trường hợp nghi ngờ bị COVID-19 và sử dụng một phương thức làm tăng lượng ADN hoặc vật liệu di truyền trong mẫu để xác minh.
Nghiên cứu chỉ ra ra rằng các xét nghiệm chỉ có ý nghĩa sàng lọc, nghĩa là chỉ phát hiện có virus hay không chứ không thể biết được virus đó còn sống hay đã chết hoặc mức độ hoạt động và khả năng lây nhiễm.
Giáo sư Carl Heneghan, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho hay nguyên nhân trên có thể giải thích tại sao số ca mắc COVID-19 tại Anh vẫn tăng lên nhưng số trường hợp nhập viện và tử vong lại đang chững lại.
'Bằng chứng cho thấy có những ca nhiễm mới với triệu chứng nhẹ và những người tái dương tính sau khi cách ly hoặc đã được xuất viện không gây lây nhiễm. Đơn giản chỉ là cơ thể họ vẫn chứa những hạt virus đã chết và vô hại mà trước đó đã bị hệ miễn dịch tiêu diệt', Giáo sư Heneghan viết trên tạp chí The Spectator.
Giáo sư Heneghan kêu gọi cần 'nỗ lực toàn cầu' để tránh trường hợp 'cách ly người không bị nhiễm hoặc phong tỏa cả một cộng đồng'.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận