23/06/2021 10:06 GMT+7

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ của loài người - Kỳ 1: Đòn độc xóa dịch đậu mùa

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục lây truyền đến ngày nay dù có nguồn gốc từ vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Chỉ một số rất ít bệnh đã được xóa sổ như bệnh đậu mùa được tiêu diệt nhờ vắc xin.

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ của loài người - Kỳ 1: Đòn độc xóa dịch đậu mùa - Ảnh 1.

Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do cho TS Foege năm 2012 - Ảnh: AP

Vũ khí hàng đầu trong cuộc chiến chống virus gây dịch bệnh là vắc xin. Đối với các nhà khoa học, nghiên cứu vắc xin chống virus là hành trình như bất tận, mang đến nhiều thành công cứu nguy nhân loại nhưng cũng không ít thất bại, cùng những bài học quý giá cho cuộc chiến chống virus vẫn còn tiếp tục để bảo vệ sức khỏe loài người.

Nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục lây truyền đến ngày nay dù có nguồn gốc từ vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Chỉ một số rất ít bệnh đã được xóa sổ như bệnh đậu mùa được tiêu diệt nhờ vắc xin. 

Ngày 8-5-1980, Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 33 (cơ quan quyết định tối cao của Tổ chức Y tế thế giới - WHO) chính thức khai tử căn bệnh đậu mùa đã hoành hành tối thiểu 3.000 năm và cướp đi sinh mạng khoảng 300 triệu người chỉ trong thế kỷ 20.

Giải pháp kép giám sát/cách ly

Danh từ "vaccin" trong tiếng Pháp có nguồn gốc từ tiếng Latin "vacca", nghĩa là "bò" và "variola vaccina" là "bệnh đậu mùa của bò". Chuyện vắc xin đậu mùa liên quan đến con bò xuất phát từ bác sĩ Edward Jenner ở Anh. 

Ông tình cờ phát hiện các chị nông dân vắt sữa bò không bao giờ mắc bệnh đậu mùa, vì họ đã từng nhiễm bệnh đậu mùa của bò (đậu bò), căn bệnh hầu như vô hại với người. 

Ngày 14-5-1796, ông thử lấy ít mủ đậu bò bôi vào da có nhiều vết hở của cậu bé James Phipps 8 tuổi. Hai tháng sau, ông lấy mủ từ bệnh đậu mùa của người bôi vào da cậu bé nhưng em không mắc bệnh nữa.

Bác sĩ Edward Jenner được lịch sử y học công nhận là nhà khoa học đầu tiên thử nghiệm gây nhiễm bệnh đậu mùa theo phương pháp khoa học. Với thành công này, chiến dịch chủng ngừa đậu mùa được tiến hành rầm rộ ở châu Âu và Mỹ từ đầu thế kỷ 19. 

Vắc xin đậu mùa thời đó được bào chế từ poxvirus đậu bò chứ không phải poxvirus gây bệnh đậu mùa nơi người. Đặc biệt, vắc xin đậu mùa chứa poxvirus vẫn còn sống. 

Vắc xin đậu mùa đạt hiệu quả 95%, bảo vệ từ 3-5 năm, làm giảm khả năng lây bệnh khi được tiêm trong vòng vài ngày sau khi tiếp xúc với virus đậu mùa (bệnh đậu mùa có thời gian ủ bệnh 14 ngày).

Một trong các nhà khoa học có công khai tử bệnh đậu mùa trên thế giới là TS dịch tễ học William H. Foege người Mỹ (năm nay 85 tuổi). 

Năm 1966 tại miền đông Nigeria, ông phụ trách chương trình xóa bỏ bệnh đậu mùa ở châu Phi của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC). Vắc xin đậu mùa đang thiếu, ông đã có sáng kiến áp dụng chiến thuật quân sự để đối phó với bệnh đậu mùa.

Ông kể lại trên trang web Đại học Washington: đầu tiên ông trải bản đồ ra rồi nhờ các cộng tác viên mạng lưới phát thanh truyền giáo theo dõi tìm người mắc bệnh. 

Ông cho biết: "Chỉ trong 24 tiếng, chúng tôi đã có báo cáo về các làng có người mắc bệnh đậu mùa. Chúng tôi ưu tiên tiêm vắc xin cho các làng đó - ban đầu chỉ 3-4 làng, rồi tập trung chủng ngừa tại các chợ và nơi người thân bệnh nhân cư trú". Bốn tuần sau không còn ca mắc bệnh đậu mùa nào nữa.

Với giải pháp kép giám sát/cách ly, dịch bệnh đã được ngăn chặn nhiều tháng trước khi vắc xin đậu mùa được chuyển đầy đủ đến Nigeria. Các quan chức y tế Nigeria cho rằng phải chủng ngừa từ 80-100% dân số mới ngăn chặn được bệnh đậu mùa, song TS Foege đã có thể ngăn chặn dịch bệnh với tỉ lệ tiêm chủng ít hơn 50%. 

Sau khi nội chiến nhấn chìm Nigeria trong lửa đạn (năm 1967-1970), gia đình ông sơ tán nhưng ông vẫn ở lại. Bản thân ông từng bị bắt giam hai lần. Một lần nọ, ông vượt sông Niger bằng canô đến dự hội nghị ở Ghana rồi không quay lại Nigeria nữa.

TS Foege trở về trụ sở CDC ở Atlanta và ra sức bênh vực cho giải pháp kép giám sát/cách ly vào lúc nhiều bác sĩ được CDC điều động đến châu Phi đã xem giải pháp này là "xa rời thực tế". 

Bác sĩ Donald Hopkins còn hoài nghi đã thử giải pháp giám sát/cách ly tại Sierra Leone. Trong vòng 9 tháng, bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ. TS Foege giải thích: "Ở hầu hết các khu vực địa lý nơi bệnh đậu mùa xuất hiện, bệnh đã biến mất sau 12-24 tháng". Sau đó, giải pháp giám sát/cách ly sớm trở thành yêu cầu chống dịch phổ biến trên thế giới và vẫn còn áp dụng đến ngày nay.

Bốn bài học kinh nghiệm

Một ngày nọ, một quan chức Liên Hiệp Quốc đã đề nghị CDC "cho mượn" TS William H.Foege để giải quyết dịch đậu mùa ở Ấn Độ đang hoành hoành dữ dội. Chỉ trong một tuần bang Bihar đã có hơn 11.000 ca nhiễm mới, dẫn đến 4.000 ca tử vong. Trong CDC ai cũng có vẻ mất tinh thần.

Tại Ấn Độ, TS Foege không thể thuyết phục Bộ trưởng Y tế áp dụng giải pháp giám sát/cách ly vì ông này chỉ muốn tập trung tiêm chủng vắc xin. Thế rồi trong một cuộc họp có ông bộ trưởng nọ tham dự, một bác sĩ Ấn Độ đứng lên kể mình lớn lên tại làng quê nghèo và khi xảy ra cháy, dân làng chỉ xách nước cứu căn nhà đang cháy chứ không phải nhà nào cũng cứu. 

Ông bộ trưởng trầm ngâm. TS Foege nhớ lại: "Ông ấy nói cho chúng tôi thời gian một tháng". Cuối cùng sau một tháng, số ca đậu mùa giảm hẳn.

Tháng 5-1975, dịch thối lui ở Ấn Độ. TS Foege trở lại CDC làm trợ lý giám đốc. Sau đó, ông được bổ nhiệm đứng đầu CDC từ năm 1977 đến năm 1983. Trước đại dịch COVID-19 hiện nay, TS Foege với tư cách giáo sư danh dự tại Đại học Emory (Mỹ) đã đề nghị bốn bài học kinh nghiệm trong bài viết đăng trên trang web Diễn đàn Kinh tế thế giới:

Thứ nhất, phát triển mạng lưới theo dõi liên tục. Ông cho biết tại Ấn Độ, hàng chục ngàn nhân viên đã được tuyển để giám sát nhà của những người mắc bệnh đậu mùa và tóm những người đến nhà để tiêm vắc xin. 

Hàng ngàn người trong các nhóm truy vết rất thích được gọi là "thám tử dịch bệnh". Vào thời điểm tháng 5-1973, có 1.500 ca đậu mùa được phát hiện mỗi ngày tại bang Bihar, nghĩa là có 1.500 lượt truy vết gồm khoanh vùng, tiêm vắc xin cho các ca tiếp xúc và cách ly các ca có triệu chứng.

Thứ hai, minh bạch về dữ liệu và duy trì lòng tin của công chúng. Muốn theo dõi và truy vết thành công, giữa nhân viên y tế và người dân phải tin cậy lẫn nhau. Tại Ấn Độ, các nhóm "thám tử dịch bệnh" đã giải thích với dân không ai bị rắc rối gì nếu họ nói tên các ca tiếp xúc.

Thứ ba, tầm quan trọng của phép lặp lại. TS Foege phải liên tục điều chỉnh cách tiếp cận đối phó dịch đậu mùa tại Ấn Độ vì còn nhiều vấn đề chưa rõ. Ông đề nghị trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, sẽ không có lợi nếu một số nhà chính trị hoặc quan chức y tế hành động hoặc phát biểu cứ như cái gì họ cũng biết về dịch bệnh.

Thứ tư, các cán bộ và nhân viên y tế cần chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Muốn vậy cần duy trì mối quan hệ gắn kết. TS Foege kể: "Một ngày nọ, tôi chuẩn bị lên máy bay ở Patna và nhận thấy phi công đang uống bia nên quyết định đi tàu. 

Trong 12 tiếng ngồi tàu hỏa, tôi nhận thấy cuộc trò chuyện giữa tôi với các cộng sự Ấn Độ còn có ích hơn mấy cuộc họp hằng tuần kéo dài nhiều giờ... Chúng ta nên dành thời gian phát triển quan hệ cá nhân vốn là chìa khóa cho quan hệ đối tác đạt hiệu quả".

dau mua 1

Treo thưởng 1.000 rupee cho người báo tin ca mắc bệnh đậu mùa - Ảnh: thelancet.com

TS Foege đã áp dụng biện pháp treo thưởng cho những người báo tin ca mắc đậu mùa. Tiền thưởng ban đầu là 10 rupee, sau đó tăng lên 50, 100 và cuối cùng là 1.000 rupee cho mỗi ca.

Một cuộc khảo sát thời đó cho thấy số người dân Ấn Độ biết họ có thể nhận được tiền thưởng nếu báo tin ca mắc bệnh đậu mùa còn nhiều hơn số người biết rành tên thủ tướng Ấn Độ.

************

40.000 trẻ mắc bại liệt sau khi tiêm vắc xin. Nguyên nhân do các hãng dược không khống chế được virus và giám sát lỏng lẻo. Từ bài học này, Mỹ đã củng cố lại quy chuẩn sản xuất vắc xin và đã rất thành công như hiện nay.

>> Kỳ tới: Cái giá cuộc chiến chống bệnh bại liệt

Những đại dịch đã qua và sắp đến Những đại dịch đã qua và sắp đến

TTO - Trận dịch kế tiếp sẽ sớm xảy ra, và chính ta là người đáng trách.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp