19/10/2019 07:14 GMT+7

Vĩnh Long chi 200 tỉ lắp hệ thống camera có lãng phí?

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án lắp đặt thêm 114 camera và 3 trung tâm quản lý điều hành, với tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng.

Vĩnh Long chi 200 tỉ lắp hệ thống camera có lãng phí? - Ảnh 1.

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long đã lắp đặt 6.186 camera. Trong ảnh là hệ thống camera trên đường 2-9, TP Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH

Nhiều ý kiến cho rằng số tiền đầu tư lớn, trong khi kinh phí chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước.

Kinh phí lớn vì camera hiện đại

Ông Phạm Minh Thiện, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Vĩnh Long, xác nhận UBND tỉnh Vĩnh Long, đã trình hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án "Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long".

Theo dự án, địa phương sẽ trích ngân sách và nguồn vốn khác 199,1 tỉ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí (trong đó 63 vị trí với 67 camera giám sát an ninh trật tự; 16 vị trí với 47 camera xử lý vi phạm giao thông đường bộ) và 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng cảnh sát giao thông tỉnh và Công an TP Vĩnh Long.

Tiến độ thực hiện dự án này trong giai đoạn 2019-2023. Dự án hoàn thành sẽ nâng cao năng lực kiểm soát tình hình giao thông, an ninh trật tự; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp, điều tra xử lý tội phạm. Theo ông Thiện, dự án mới chỉ ở giai đoạn "trình HĐND chấp thuận chủ trương đầu tư". Theo trình tự thủ tục, khi tiến hành đầu tư sẽ có khái toán và lập hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư để xem xét.

Ông Thiện lý giải về khoản kinh phí thực hiện gần 200 tỉ đồng: chi phí xây lắp, xây dựng là 167 tỉ, còn lại là chi phí dự phòng và chi phí khác. Sau khi dự án được chấp thuận, cơ quan chức năng sẽ lập dự án đầu tư và triển khai.

"Dự án quy mô, cần đầu tư nhiều, ví dụ như hạng mục thứ nhất là lắp đặt camera, quét bằng công nghệ cao. Những cái này dùng khác với những cái mà chúng ta lắp ở nhà" - ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, quan trọng nhất là xây dựng 3 trung tâm để quản lý, điều hành toàn bộ hệ thống camera trên toàn địa bàn, kể cả xây dựng nhà làm việc, thiết bị, hạ tầng mạng, máy chủ, lưu trữ, phân tích dữ liệu... Sau khi HĐND chấp thuận sẽ lập dự án đầu tư và sẽ tách bạch mọi thứ ra cụ thể, chứ không tính chung là 199,1 tỉ đồng.

Đầu tư camera để phục vụ lâu dài

Ông Phạm Hoàng Minh (60 tuổi, ngụ phường 2, TP Vĩnh Long) cho biết hiện nay từ trong nội ô ra quốc lộ đã có nhiều camera giám sát. Vì vậy, việc tỉnh tiếp tục chi số tiền gần 200 tỉ đồng cho hệ thống vận hành 114 camera như vậy là quá lớn, lãng phí.

Công an tỉnh Vĩnh Long cho rằng mô hình camera an ninh đi vào hoạt động đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng công an trong việc điều tra, khám phá các vụ án, góp phần đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, qua trích xuất camera, đã phát hiện, xử lý 140 vụ với 238 đối tượng vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề kinh phí, nhân lực quản lý, khai thác camera an ninh đang là vấn đề khó khăn trong việc nhân rộng và phát triển mô hình này. Ngành công an sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và nhân dân tham gia; kiểm tra, bố trí lại vị trí đặt các camera để phát huy tối đa hiệu quả trong việc khai thác, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh tính cần thiết lắp camera, ông Bùi Văn Nghiêm - chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long - không trả lời cụ thể về khoản ngân sách bỏ ra gần 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Nghiêm nói dự án này chưa đầu tư liền mà đầu tư theo nhiều năm, và để sau này thực hiện TP thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quản lý tội phạm, giám sát giao thông tốt hơn.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã có hơn 6.100 camera giám sát an ninh, kết nối trực tiếp về màn hình bố trí tại các trụ sở cơ quan công an. Ông Nghiêm cho biết đó là hệ thống camera xã hội hóa, do người dân tự đóng góp tiền để giám sát xóm làng, tỉnh chỉ hỗ trợ một ít. Còn dự án này là để phục vụ lâu dài.

"Hệ thống đầu tư mới này chủ yếu được bố trí tại TP Vĩnh Long và các điểm đen tai nạn giao thông, ở các địa điểm gần khu công nghiệp. HĐND chỉ mới cho chủ trương đầu tư thôi, rồi UBND tỉnh mới lập đề án cụ thể. Mình cũng cố gắng huy động xã hội hóa thêm chứ không phải bỏ tiền nhà nước" - ông Nghiêm nói.

Ông Lữ Quang Ngời - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết thêm, ban đầu thấy số tiền quá lớn đối với một tỉnh còn khó khăn như Vĩnh Long, tuy nhiên, dự án này đầu tư trải dài đến năm 2023, đầu tư từng năm.

"Mình không đủ khả năng làm một lúc. Trước mắt, mình xin chủ trương để có giải pháp đầu tư. Hiện Sở Kế hoạch - đầu tư đang thực hiện đề án phân loại kinh phí, xây dựng cụ thể" - ông Ngời giải thích.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 73/109 xã, phường, thị trấn đã lắp đặt camera an ninh, với 6.186 camera có tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu do người dân tự đầu tư lắp đặt hơn 4.000 camera, còn lại từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Đưa vào hoạt động thêm 22 nhà chờ xe buýt có camera an ninh Đưa vào hoạt động thêm 22 nhà chờ xe buýt có camera an ninh

TTO - Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết vừa đưa vào hoạt động 22 nhà chờ xe buýt hiện đại bậc nhất, có camera an ninh và sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp