Đi qua đạn bom chết chóc, hoang tàn, đổ nát và thiếu thốn trăm đường, người Vĩnh Linh chỉ còn lại gia tài lớn nhất là một tấm lòng son với hai bàn tay trắng.
"Ăn cơm bữa diếp, mặc quần lò xo"
Ngoài chuyện đạn bom thời chiến, hễ ai ít nhiều sống với người Vĩnh Linh chắc hẳn nghe câu thành ngữ quen thuộc trong trò chuyện hàng ngày vùng quê này là "Ăn cơm bữa diếp". Người Vĩnh Linh khi gặp nhau thường quan tâm hỏi chuyện thân tình: 'Ăn cơm chưa?".
Người nghe thường trả lời nửa đùa nửa thật: "Ăn rồi, ăn cơm bữa diếp". Và ăn cơm bữa diếp có nghĩa là ăn cơm bữa trước rồi (hôm nay chưa ăn) nhưng cũng coi như đã có ăn cơm (cho cả ngày hôm nay luôn) chứ không phải là cơm ngày ba bữa đều đặn như người ta thường nói.
Một vùng quê xa xưa, vì nhiều lý do cái đói nghèo đeo bám, thường xuyên đối mặt với chuyện cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ám ảnh đi vào chuyện dân gian, dù vẫn có chất hài hước Vĩnh Linh.
Còn mặc quần lò xo là có nghĩa thời bao cấp, sau ngày đất nước thống nhất nhiều năm vẫn mua theo tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh những loại vải may áo quần rẻ tiền hạng nhất.
Vì vải xấu nên khi may quần thường co lại, thêm nữa nông dân quần xắn áo ôm bận rộn công việc thì quần quăn lại như lò xo là thường ngày. Chuyện này ai sống qua thời đó đều biết cả.
"Chỉ sợ sướng thôi"
Trong một lần trò chuyện với lão nghệ nhân kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng ở xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị) là ông Trần Đức Trí trạc tuổi 80, tôi có đem chuyện này ra nói. Nghe xong, ông nheo mắt trả lời cũng bằng giọng hóm hỉnh rất... Vĩnh Hoàng:"Thì anh thấy đó, vì ngày xưa nông dân đói nghèo nên chuyện trạng toàn là phóng đại.
Con cá tràu bàu Trạng quê tui to đến nỗi phải đem trâu làm mồi nhử, xương cá làm được cả cột nhà, còn dưa hấu như dưa Vĩnh Tú chẳng hạn thì khổng lồ đến mức cả đàn quạ chui vào làm tổ...
Tui nghĩ có lẽ do thiếu thốn quá nên dân mình mới mơ ước đến những điều như thế, kiểu như mơ nồi cơm Thạch Sanh.
Còn bây giờ thì tìm thấy được có nhà nào ở đây ăn cơm bữa diếp cũng e là chuyện quá hiếm, vì dù nông dân hôm nay có nghèo cũng khó lòng đến nỗi đứt bữa. Chuyện quần lò xo cũng vậy, đố ai tìm được.
Bữa ăn không còn khoai sắn độn cơm, chỉ có một món sơ sài ăn cốt để no. Còn áo quần thời nay thì đủ loại. Bây giờ ăn mặc, nhà cửa, đi lại, học hành... đã khác xưa nhiều lắm, nhiều đổi thay có thể nói một trời một vực.
Ngày trước, nói thiệt, có cho mơ cũng không dám nghĩ tới. Cực khổ đến nỗi lứa chúng tôi hay nói đùa với nhau "Không sợ khổ nữa, vì khổ quá nhiều rồi, chừ (bây giờ) chỉ sợ sướng thôi, vì không quen sướng!".
Như bầy tui dù tuổi cao sức yếu nhưng như ngày xưa cũng phải tất bật phụ giúp con cái để chúng nó còn làm lụng kiếm miếng ăn, đâu như bây giờ được nghỉ ngơi mà thoải mái uống nước chè, ăn bánh kể chuyện trạng...
Mấy anh đi nhiều chắc hẳn cũng thấy quê mình, trong đó có Vĩnh Linh, đã đổi thay nhiều lắm". Nói xong, ông lão lại cười khà khà với vẻ mãn nguyện.
Thay da đổi thịt
Rất nhiều dịp đi xuôi ngược, dọc ngang vùng quê Vĩnh Linh, tận mắt chứng kiến mảnh đất này đã khác xưa quá đỗi, nói theo cách nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là thực sự thay da đổi thịt.
Không chỉ ở thị trấn Hồ Xá đã lột xác trở thành một đô thị cấp huyện rộng thoáng, khang trang, quy hoạch bài bản mà đến những làng quê từ vùng biển cho đến đồng bằng, miền núi đều nỗ lực vươn mình trong vận hội hôm nay. Một Vĩnh Linh thực sự hồi sinh và phát triển.
Còn nhớ cách đây ít lâu, khi đến vùng đất Thủy Ba bắt cọp trứ danh thuộc xã Vĩnh Thủy, đi trên đường làng phía núi hít thở không khí yên bình, trù phú, cả một một quê xanh thắm mắt người.
Vừa đi, người nông dân cũng là trưởng thôn Thủy Ba Hạ vừa tâm tình: "Anh thấy đó, lúa tốt nhờ bà con chăm sóc thì đã đành, vì ai cũng siêng năng chịu khó, nhưng cũng nhờ công trình thủy lợi La Ngà do Nhà nước đầu tư xây dựng thì sản xuất lúa mới ổn định, được mùa.
Lại thêm có mấy trăm ha rừng trồng nữa nên thôn chẳng lo đói. No ấm là cái chắc, còn ai có chí, biết tính toán thì có thể làm giàu. Bởi vậy cả thôn mấy trăm hộ chỉ còn vài hộ nghèo do già cả, đau ốm, neo đơn".
Còn ông Hồ Văn Thủy - dân tộc thiểu số Vân Kiều, một người có uy tín trong cộng đồng bà con Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, một địa bàn mà khó khăn nhiều như lá rừng - thì vui vẻ chia sẻ khi chỉ tay giới thiệu với khách về bản làng: "Từ khi Nhà nước kêu gọi và đầu tư xây dựng nông thôn mới thì người Vân Kiều cũng hưởng ứng nhiệt tình, góp công và sẵn sàng hiến cây, hiến đất để xây dựng bản làng đổi mới. Nhờ có phong trào xây dựng nông thôn mới mà quê hương đã đổi thay nhiều, từ đường sá cho đến trường học, nước sạch, cách thức làm ăn đều thay đổi nên bà con phấn khởi nhiều".
Chuyện người dân vươn lên làm giàu ở Vĩnh Linh có quá nhiều tấm gương sinh động bắt nhịp với khoa học kỹ thuật hiện đại. Khi đến thôn Hiền Dũng (xã Vĩnh Hòa) sẽ chứng kiến trại vịt chăn nuôi công nghệ cao có tiếng của ông Lê Phước Thu - một cựu chiến binh.
Sau nhiều thất bại, ông nuôi vịt lúc tuổi đã xế chiều, mỗi năm thu nhập tiền tỉ. Nghe chuyện đời ông, lại nhớ câu ca dân gian Quảng Trị: "Chớ than phận khó, ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".
Rồi chuyện chị Trần Thu Trang, nữ công chức địa chính nông nghiệp xã Vinh Giang, sau 15 năm công tác đã xin nghỉ việc nhà nước về mở trang trại nông nghiệp hữu cơ và đã thành công...
Rõ ràng, người Vĩnh Linh lúc trước đã không cam chịu mất nước, cam chịu nô lệ thì ngày nay cũng không cam chịu đói nghèo, phải rửa nhục đói nghèo bằng chính tâm lực của mình.
Khi bàn đến chuyện nông nghiệp sạch, kỹ sư Hồ Xuân Hiếu - chủ tịch HĐQT Tổng công ty thương mại Quảng Trị, một doanh nghiệp hàng đầu ở Quảng Trị sản xuất, kinh doanh đa lĩnh vực và có nhiều duyên với nông dân - đã chia sẻ: "Doanh nghiệp chúng tôi đã và đang mở rộng liên kết sản xuất với bà con nông dân, trong đó có nông dân Vĩnh Linh, trong sản xuất lúa hữu cơ như đầu tư kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... Đó mới là hướng đầu tư cho nông nghiệp sạch và là con đường lâu dài cho tương lai".
Tháng 8 vừa qua, khi luận bàn đôi điều về những gì Vĩnh Linh đã làm được, đại biểu quốc hội - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, có ví von, so sánh: "Muốn nói một địa phương nào đó tiến triển thế nào, đang đứng ở đâu trong hành trình tới tương lai thì trước tiên phải nhìn xem xuất phát điểm của họ.
Như Vĩnh Linh, bước ra từ chiến tranh với hai bàn tay trắng, nói như dân Quảng Trị, đến chiếc đũa bếp để nấu cơm cũng không còn, thì đủ biết tình cảnh ra sao. Nhưng nay thì cứ ra Vĩnh Linh sẽ rõ nhiều kết quả vượt bậc.
Lúc trước, Vĩnh Linh lập kỳ tích trong kháng chiến cứu nước, ngày nay lại lập nhiều chiến công trong xóa đói giảm nghèo. Huyện bước đầu xây dựng thành công nông thôn mới là một trong những minh chứng hùng hồn".
Theo thống kê sơ bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ 1964-1972, khoảng 7 vạn dân Vĩnh Linh phải hứng chịu nửa triệu tấn bom đạn.
Tính ra dân Vĩnh Linh, từ người già cho đến trẻ sơ sinh, mỗi người phải hứng chịu hơn 7 tấn bom đạn.
Chiến tranh, bom đạn đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của khoảng 5.580 người và làm bị thương khoảng 8.350 người khác.
---------------------
Không chỉ người dân Quảng Trị mà cả đồng bào cả nước và du khách quốc tế thì địa danh sông Hiền Lương là một địa chỉ đỏ trong tâm cảm, trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi qua nhiều thế hệ.
Kỳ tới: Hiền Lương, dòng sông cách biệt và đoàn tụ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận