Ngày 16-6-1955, Chính phủ ban hành nghị định 551/TTg thành lập đơn vị hành chính mới, rất đặc biệt: khu vực Vĩnh Linh nơi đầu sóng ngọn gió, ranh giới chia cắt tạm thời là vĩ tuyến 17. Từ đó, lịch sử Vĩnh Linh đã mở ra một khúc tráng ca không thể nào quên.
Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có một đặc sản văn nghệ dân gian được gần xa biết đến, đó là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Đã có nhà nghiên cứu ví nó có thể sánh với làng trạng Gabrovo trứ danh của nước Bulgaria. Những chuyện có vẻ hài hước dân gian, nhưng đằng sau đó chứa đựng cả một sự thật hào hùng của lũy thép Vĩnh Linh.
Ai ai cũng đào địa đạo
Đặc biệt, kho chuyện trạng Vĩnh Hoàng càng nở rộ trong kháng chiến chống Mỹ. Foklore Vĩnh Hoàng có câu chuyện đào địa đạo sâu và dài đến nỗi nghe thấy lao xao tiếng cười nói người xứ lạ.
Sau bỡ ngỡ ban đầu, rồi cũng biết nhau, hóa ra là gặp được các bạn Cuba đang khoan tìm kiếm mỏ dầu thì phải, ý ngợi ca tài đào giếng của dân Vĩnh Linh, sau gặp thời chiến hóa thành tài đào địa đạo để sống và chiến đấu.
Trở lại sự thực lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, dưới mưa bom bão đạn, người dân Vĩnh Linh những ai bám trụ đều phải đào địa đạo và có đến 144 địa đạo lớn nhỏ.
Nhưng lớn nhất và nổi tiếng nhất vẫn là địa đạo Vịnh Mốc tại thôn cùng tên gần sát biển, ngày xưa thuộc xã Vĩnh Thạch nay thuộc xã Kim Thạch, nằm không xa bãi biển Cửa Tùng từng được người Pháp tụng ca là "Nữ hoàng của các bãi tắm".
"Công trình sư" địa đạo này là ông Lê Xuân Vy, một cán bộ công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) trình độ học vấn chưa hết cấp 1. Vậy mà đã xây dựng thành công tòa thành trong lòng đất làm nơi trú ngụ an toàn cho cả làng, có lúc lên đến khoảng 600 người và 17 trẻ đã sinh ở đây.
Ông Hồ Văn Triêm, nguyên xã đội phó xã Vĩnh Thạch, người trực tiếp đào địa đạo, kể lại: "Ai cũng làm, mỗi người một tay, nam giới đào ban ngày, phụ nữ đổ đất ra biển vào đêm để bí mật. Người già thì bẻ lá cây ngụy trang. Dù vất vả và nguy hiểm nhưng ai cũng hăng hái".
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nghiên, cũng là một trong những bà mẹ đã sinh con là Hồ Thị Hường ngay trong địa đạo.
Bà Nghiên nhớ lại: "Sinh con ở địa đạo thì không thể bằng ở nhà lúc bình thường nên thiếu thốn nhiều thứ, mà đúng lúc máy bay bắn phá ác liệt. Nhưng cũng có hộ sinh đỡ đẻ cắt rốn cho con bằng dao. Và mẹ tròn con vuông. Cháu cũng lớn lên bình thường".
Địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia đặc biệt. Ngay khi bước vào Nhà trưng bày di tích địa đạo Vịnh Mốc, sẽ thấy một câu thoại trứ danh bằng tiếng Anh của nhân vật Hamlet trong bi kịch cùng tên của nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare: "To be or not to be"/ Tồn tại hay không tồn tại.
Chỉ một câu ngắn ngủi cũng phần nào hình dung những khốc liệt mà người dân Vĩnh Linh phải trải trong cuộc đối đầu lịch sử.
Có một sự kiện quan trọng cần nhắc lại vì không phải ai cũng biết: Chiều ngày 15-9-1973, Chủ tịch Cuba là Fidel thăm Vĩnh Linh đã đến địa đạo Vịnh Mốc và đề nghị được ngủ lại trong nhà hầm để trải nghiệm. Một yêu cầu bất ngờ và tình cảm sâu nặng. Đó cũng là kỷ niệm với Vĩnh Linh không thể nào quên.
Cuộc trình diễn nghệ thuật độc đáo dưới địa đạo
Sau ngày nước nhà thống nhất 40 năm, Vịnh Mốc có một cuộc trình diễn nghệ thuật độc đáo của dự án nghệ thuật "Thăng hoa" với chủ đề nghe lạ lẫm "Xuống đất gặp trời" của họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế, người con của quê hương Vĩnh Linh.
Nghệ thuật sắp đặt đương đại với sự tham gia của các người mẫu, nhiều nữ sinh Vĩnh Linh, tranh ảnh, bóng bay, của hiệu ứng ánh sáng đặc biệt từ những hộp đèn và màu sắc áo dài... đã khiến người xem thăng hoa cảm xúc.
Điểm nhấn của chương trình là những bộ áo dài được thiết kế lấy cảm hứng từ đất và trời địa đạo Vịnh Mốc cùng 2.000 quả bóng bay tượng trưng cho 2.000 ngày sống và chiến đấu dưới làng hầm.
Hôm ấy nghệ sĩ, dân địa phương, học sinh, du khách, trong đó có những sinh viên Mỹ cùng tham gia cuộc trình diễn "xuống đất gặp trời" trong địa đạo Vịnh Mốc. Đông người đi lại trong lòng địa đạo không mấy dễ dàng nhưng hầu như ai cũng hứng khởi với cuộc chơi nghệ thuật nhiều ý nghĩa.
Đứng ở miệng hầm địa đạo, trán lấm tấm mồ hôi, họa sĩ Võ Xuân Huy xúc động tâm sự: "Tôi là một người con của Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ nhỏ tôi đã bị ám ảnh với những công trình có giá trị lịch sử lớn lao và độc đáo như địa đạo Vịnh Mốc.
Điều này mách bảo, thôi thúc tôi phải làm những gì đó cho quê nhà. Cảm hứng lịch sử cộng hưởng với tìm tòi nghệ thuật đã tác thành cho dự án nghệ thuật ở ngay chính địa đạo quê hương.
Một thông điệp mà tôi muốn gửi đến mọi người, ấy là sau khi qua những gian lao, thử thách nghiệt ngã, chúng ta sẽ được chạm tay vào hạnh phúc. Như là xuống đất gặp trời. Thông điệp lớn nhất tôi muốn ký thác và gửi gắm đến mọi người là kiên cường trải qua chiến tranh, chúng ta sẽ gặp được hòa bình, cũng như qua bóng tối sẽ nhìn thấy ánh sáng, nhất định như thế, nhất định phải như thế".
Em Nguyễn Thị Hà Giang, học sinh Trường THCS Vĩnh Linh, chia sẻ: "Là lứa tuổi ra đời sau chiến tranh rất lâu, nhưng khi tham gia cuộc triển lãm nghệ thuật lần này, em thấy mình như được sống lại cùng cha ông trong những ngày khói lửa, cảm nhận nhiều hơn, đầy đủ hơn về lịch sử quê hương. Khi xuống địa đạo, bản thân em cũng thấy hồi hộp, hơi sờ sợ nhưng rồi quen dần và thấy hào hứng với những cảm xúc bất ngờ khi trải nghiệm.
Bản thân em khi tham gia cuộc trình diễn nghệ thuật này thấy rất vui, rất thú vị và có thêm được nhiều tình cảm với quê hương".
Còn nhà thơ Trần Tuấn đến từ Đà Nẵng thì cảm nhận: "Đây là một thưởng lãm mỹ thuật kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và triển lãm sắp đặt đầy ấn tượng, được hình thành từ ý đồ mang tính triết học của họa sĩ Võ Xuân Huy. Người xem vừa là khán giả vừa là người đồng hành với hành trình nghệ thuật và đồng sáng tạo.
Có những cặp phạm trù có vẻ đối lập xuất hiện trong cuộc trình diễn nghệ thuật này như: chiến tranh và hòa bình, sự sống và cái chết, bóng tối và ánh sáng, đất và trời, âm và dương... đã đan xen, cộng hưởng tạo nên một cảm hứng triết mỹ đặc biệt".
Họa sĩ Võ Xuân Huy theo cách riêng của mình đã tạo nên một sự kiện nghệ thuật tái hiện chiến tranh tàn khốc thành một bi kịch lạc quan. Và đến hôm nay, Quảng Trị đã vừa khai mạc lần đầu lễ hội "vì hòa bình" vào tháng 7-2024 nhằm thỏa ước nguyện của bao người.
Trước năm 1954, Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 1954, Hiệp định Genève chia cắt hai miền, vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời.
Ngày 16-6-1955, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra nghị định số 551/TTg lấy phần đất Vĩnh Linh bắc sông Bến Hải trở ra thành lập thành đơn vị hành chính đặc biệt, gọi là khu vực Vĩnh Linh, tương đương cấp tỉnh. Ngày 25-8-1954, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Vĩnh Linh là ngày Vĩnh Linh được giải phóng hoàn toàn và được chọn làm ngày truyền thống Vĩnh Linh.
Địa đạo Vịnh Mốc khởi công năm 1965, hoàn thành năm 1966, làm hoàn toàn bằng thủ công, dài hơn 1.700m, chia làm ba tầng hầm khác nhau, cách mặt đất từ 10 - 23m, có cửa thông ra biển. Địa đạo có giếng nước, hội trường, trạm y tế phục vụ lâu dài cho người dân Vĩnh Linh sống và chiến đấu trong gần 2.000 ngày.
-------------------
Có một công trình thủy lợi độc nhất vô nhị trên thế giới nằm ở tỉnh Quảng Bình mà tưới mát được cho ruộng đồng Quảng Trị. Xung quanh đập nước này cũng toàn là sự lạ.
Kỳ tới: Đập nước có một không hai trên thế giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận