Phóng to |
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và Giải thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á - Ảnh: N.N.B. |
(Nguyên văn: The lifetime archivement award in the recognition of your outstanding contribution in Asia film industry).
Tuổi Trẻ đã đến chia vui cùng đạo diễn khi ông vừa về đến Hà Nội.
* Xin chúc mừng đạo diễn. Ông có cảm nhận gì khi nhận được giải thưởng này?
- Thú thật tôi cảm thấy bất ngờ và cảm động khi được đứng cạnh những đạo diễn tên tuổi như Shen Sang Ok (Hàn Quốc), Tạ Tấn (Trung Quốc), Yoji Yamada (Nhật Bản), Lý Hành (Đài Loan) trong buổi lễ nhận giải về những đóng góp xuất sắc cho điện ảnh châu Á do ông chủ tịch liên hoan phim (LHP) trao tặng. Có lẽ đó là kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi trong chuyến đi này.
* Có bao nhiêu phim VN được giới thiệu trong LHP Gwangju 2005? Khán giả Hàn Quốc và những người tham dự LHP đã đón nhận phim VN ra sao?
LHP Gwangju (Gwangju Film Festival 2005) có tên viết tắt là GIFF, được tổ chức hằng năm tại Seoul, vừa tròn năm tuổi. Xếp thứ hai sau LHPQT Pusan (10 tuổi), hội tụ được khá đông phim ảnh thế giới với 380 phim truyện và phim tài liệu từ 33 quốc gia và khu vực. Chương trình dự thi chính thức có 19 phim dành cho các đạo diễn trẻ làm phim đầu tay và phim thứ hai. Ngoài ra còn nhiều chương trình thú vị khác, như chương trình phim của năm đạo diễn bậc thầy châu Á (Master directors of Asia). Năm đạo diễn được trao Giải thành tựu trọn đời vì những đóng góp nổi bật cho nền điện ảnh châu Á gồm Shen Sang Ok (Hàn Quốc), Tạ Tấn (Trung Quốc), Yoji Yamada (Nhật Bản), Lý Hành (Đài Loan) và Đặng Nhật Minh (VN). |
- Có hai phim VN được chiếu trong LHP này là Bao giờ cho đến tháng mười và Thương nhớ đồng quê (cùng của đạo diễn Đặng Nhật Minh). Phim làm đã lâu nhưng với khán giả Gwangju thì vẫn mới.
Đây là lần thứ hai tôi sang thăm đất nước Hàn Quốc và nhận thấy hai nước rất gần gũi nhau về tình cảm, tâm lý và văn hóa. Do vậy, những gì trình bày trong phim của ta không có gì lạ lẫm đối với họ.
Cũng như ở nước ta, khán giả VN đón nhận phim Hàn Quốc cũng rất vui vẻ, không có chút trở ngại hoặc khó hiểu. Thậm chí sau khi chiếu xong hai phim VN, nhận thấy khán giả LHP đón nhận rất nhiệt tình, chị Pock Rey Cho - người chuyên trách tuyển chọn phim cho LHP - đã nói với tôi về dự định sang năm sẽ tổ chức hẳn một chương trình phim VN tại Seoul.
* Trong vài năm gần đây, phim VN có nhiều cơ hội hơn để đi ra bên ngoài giới thiệu với khán giả quốc tế, tuy nhiên vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Vậy theo ông, cách nào tốt nhất để đưa phim VN ra thế giới một cách có hiệu quả nhất?
- Vấn đề là chúng ta phải có những bộ phim hay, mang tính nghệ thuật cao. Kỹ thuật có yếu một chút cũng không sao, đừng quá nhấn mạnh đến kỹ thuật khi kinh phí làm phim eo hẹp.
Ngoài ra phải đẩy mạnh việc quảng cáo, tuyên truyền phim VN rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế và khu vực để khán giả yêu điện ảnh các nước có thêm nhiều thông tin tìm hiểu phim VN.
* Mặc dù thời gian qua khá vắng bóng trên phim trường VN nhưng dường như đạo diễn vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch?
- Khi chưa có điều kiện làm phim thì tôi viết. Từ khi làm xong phim truyện nhựa Mùa ổi đến nay, tôi đã viết hai kịch bản, được Hãng Phim truyện VN chấp nhận và đã đệ trình lên hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh, nhưng cả hai đều bị trục trặc! Không nản, tôi tiếp tục viết kịch bản thứ ba. Nhưng hi vọng rồi chúng sẽ không chỉ ở trên giấy.
* Xin cảm ơn đạo diễn. Chúc những “bộ phim trên giấy” của ông sớm được chuyển lên màn ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận