Phóng to |
Năm đại sứ môi trường Bayer đoạt Giải thưởng lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu năm 2013. Từ trái sang: Felipe dos Santos Machado (Brazil), Kevin Lee Jia Le (Singapore), Soumyajit Paul (Ấn Độ), Claudia María Escobar Prado (Costa Rica), Wallace Chwala (Kenya) - Ảnh: Trung Uyên |
Giải thưởng là một nội dung quan trọng của chương trình du khảo sinh thái diễn ra tại thành phố Leverkusen (Đức) từ ngày 10-11 đến ngày 15-11 với 46 đại sứ môi trường Bayer đến từ 19 quốc gia. Đây là chương trình hợp tác quốc tế giữa Tập đoàn Bayer và Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc (UNEP).
Năm đại sứ được vinh danh gồm Felipe dos Santos Machado (Brazil), Claudia María Escobar Prado (Costa Rica), Soumyajit Paul (Ấn Độ), Wallace Chwala (Kenya), Kevin Lee Jia Le (Singapore).
Các bạn trẻ này có nhiều điểm chung: đều ở độ tuổi 9X, đang theo học các ngành kỹ thuật - khoa học - công nghệ, là tác giả các dự án mang tính nghiên cứu chuyên sâu... Hầu hết dự án tham gia tranh giải năm nay mang yếu tố nghiên cứu khoa học.
Các giải thưởng có giá trị ngang nhau, gồm giấy chứng nhận, kỷ niệm chương, sự hỗ trợ nhiều mặt của Bayer và 1.000 euro (khoảng 28 triệu đồng) để triển khai dự án tại địa phương.
Dưới đây là thông điệp từ 5 lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu:
* Felipe dos Santos Machado (Brazil, 20 tuổi): “Ý tưởng xanh có thể làm nên cuộc cách mạng”
Dự án tái chế vỏ tuýp kem đánh răng của tôi thành vật liệu xây dựng được thực hiện từ năm 2010. Sản phẩm tái chế này còn có thể làm đồ chơi hay sử dụng cho việc giáo dục trẻ em ý thức tái chế để bảo vệ môi trường.
Tôi tin tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm nên cuộc cách mạng cho thế giới bằng những ý tưởng xanh. Nói riêng về dự án môi trường của mình, tôi tin răng của mỗi người càng trắng thì sẽ càng có thêm nhiều tuýp kem đánh răng được dùng tái chế và góp phần làm cho Trái đất càng xanh hơn.
* Claudia María Escobar Prado (Costa Rica, 21 tuổi): “Hãy cứ nghiên cứu vì môi trường dù bạn có ít tiền”
Dự án làm pin mặt trời bằng TiO2 (titan đioxit) thay vì monocrystalline silicon của tôi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Tôi hi vọng có thể hoàn tất khâu nghiên cứu và bán sản phẩm ra thị trường trong 1-2 năm tới. Pin mặt trời từ dự án này rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm hiện tại. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều người có thể dùng công nghệ xanh.
* Soumyajit Paul (Ấn Độ, 21 tuổi): “Ngay lúc này, hãy làm bất cứ điều gì để bảo vệ môi trường”
Với dự án mang tên “TRANS-CONS”, tôi mong muốn tạo ra vật liệu bêtông trong suốt từ sợi quang, kết hợp thép để vật liệu này có thể được dùng để chịu lực. Thời gian tới tôi sẽ sản xuất và bán vật liệu này.
* Wallace Chwala (Kenya, 23 tuổi): “Chúng ta mượn Trái đất từ thế hệ tương lai”
Dự án của tôi là sử dụng túi nhựa để lót trong các hố ủ phân, làm tăng nhiệt độ cho hố, thúc đẩy quá trình phân hủy. Hiện nay chúng tôi đã có được 5 hố phân như thế. Tôi sẽ dùng số tiền từ giải thưởng Lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu để mua các thiết bị mở rộng dự án.
* Kevin Lee Jia Le (Singapore): “Hãy không ngừng tái chế vì cuộc sống xanh hơn”
Hầu hết mọi người khi nghĩ về tái chế sẽ nghĩ đến việc tái chế nhựa, còn tôi quan tâm đến các vỏ bào gỗ và đã tái chế chúng thành vật liệu xây dựng.
Có rất nhiều cách để bảo vệ môi trường, bạn hãy thử quan sát mọi thứ xung quanh và không ngừng đặt câu hỏi có cách nào tái chế chúng không.
Phóng to |
Hai đại sứ môi trường Bayer Việt Nam Lưu Quản Trọng (thứ hai từ trái sang, SV ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) và Đỗ Văn Thiện (thứ ba từ trái sang, SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhận giấy chứng nhận tham dự chuyến du khảo - Ảnh: Trung Uyên |
Phóng to |
46 đại sứ môi trường Bayer đến từ 19 quốc gia chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức. Năm 2013 cũng là năm cuối cùng của chương trình Đại sứ môi trường Bayer - Ảnh: Trung Uyên |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận