Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Trung tướng - linh hồn của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ và cả đường Hồ Chí Minh hôm nay, nối từ Pác Bó đến Cà Mau - đã dừng bước. Rừng thiêng của đất nước và đồng đội yêu thương đã mở vòng tay đón bước chân trở về của vị tướng già đáng kính.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi ông là "một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc", được Đại tướng "rất tin và quý mến".
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong hai người (người nữa là Đại tướng Lê Đức Anh) cho đến nay được Nhà nước đặc cách phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng, do những thành tích to lớn có ý nghĩa chiến lược trên cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Được phong tướng vượt cấp vì những đóng góp lớn lao làm nên "Xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ", nhưng hơn hết, ông là một vị tướng của lòng dân và lòng quân. Trong các danh tướng của quân đội ta thời chống Mỹ, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên xứng danh là vị tướng huyền thoại.
Đường mòn Hồ Chí Minh chắc chắn là một cái tên đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nó là kỳ tích lịch sử có một không hai của bộ đội ta, và là nỗi khiếp đảm của kẻ thù.
Đường mòn Hồ Chí Minh có tới 14 tuyến với với 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa, 1.500km đường ống xăng dầu, 1.350km cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông.
Trong đó có Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 120 cây số, từ trong Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã vô cùng thán phục gọi là một "kỳ công - kỳ tích - kỳ quan".
Để các chiến trường, chiến dịch cả Đông Dương cần cái gì và "cần bao nhiêu cũng có", tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng với hàng vạn quân của mình trong hàng chục năm ròng rã đã dầm mình trong nắng đốt, mưa quay, giữa mưa bom bão đạn và cả những cơn mê man sốt rét rừng, giữa máu và nước mắt để giữ huyết mạch của cuộc chiến khốc liệt, cam go.
Những hi sinh thầm lặng của vị tướng và hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong để bảo vệ "Xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ" cho tới ngày toàn thắng thật khó có sử sách nào chép cho đủ.
Có lẽ chỉ có vị tướng trong rừng Trường Sơn ấy và lính của mình mới có thể nhìn thấy hết được những hi sinh, mất mát của nhau và thương nhau cho đủ!
Bởi thương xót lính của mình, đồng đội của mình, việc đầu tiên mà tướng Đồng Sỹ Nguyên làm sau chiến thắng là đề xuất xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống vì độc lập Tổ quốc.
Ý tưởng này thậm chí đã đến với ông ngay từ những ngày mà cả nước còn ngổn ngang, sục sôi ý chí giành chiến thắng và thống nhất nước nhà.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng có lần kể với người lái xe thân tín của ông rằng trước khi kết thúc chiến tranh, ông đã cất công đi tìm một mảnh đất thật đẹp, có hồ nước, có đồi cây bát ngát để làm nơi yên nghỉ cho những đồng đội của mình.
40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương dưới sự chỉ huy của tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam đã miệt mài làm việc gần 2 năm ròng.
Đúng hai năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 4-1977, tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có diện tích 140.000m² nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải đã được hoàn thành, là "ngôi làng" chung cho hơn 10.000 liệt sĩ Trường Sơn.
Quyến luyến với các đồng đội của mình, vị tướng già đã dành nửa đời người chinh chiến trận mạc và hàng chục năm ròng rã lội mưa bom bão đạn cùng đồng đội giữa rừng Trường Sơn, khi còn sống đã nhiều lần bày tỏ tâm nguyện được về nằm nghỉ bên đồng đội của mình và bên vợ - cũng là một quân nhân nơi chiến trường xưa.
Một câu chuyện ít ai biết về cuộc chiến vệ quốc năm 1979 với tướng Đồng Sỹ Nguyên, đó là, người con trai đẹp đẽ và tài năng của ông đã hi sinh ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, cùng với hàng trăm đồng đội và nhân dân.
Câu chuyện của nhà văn Đỗ Trung Lai về người bạn chính là người con đã hi sinh của tướng Đồng Sỹ Nguyên - càng khiến nhiều người xúc động hơn trước một vị tướng, một người cộng sản kiên trung, và một người cha.
Nhà văn Đỗ Trung Lai kể, vào năm học 1977-1978, ông lúc đó đang là giáo viên của Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, đóng ở thị xã Lạng Sơn, được gặp và kết bạn với một người con trai của tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên Quân, cũng đang ở đó học tiếng Nga để chuẩn bị đi du học.
Năm 1978, ông Lai 28 tuổi, còn con trai của tướng Đồng Sỹ Nguyên kém ông vài tuổi, rất đẹp trai, cao lớn, đang chuẩn bị ra nước ngoài học trung - cao pháo binh. "Đó là một chàng trai rất dễ thương, tốt bụng, thông minh và tràn đầy lý tưởng. Anh em chúng tôi vẫn đá bóng cùng nhau", nhà văn Đỗ Trung Lai kể.
Nhưng rồi, cuối năm 1978, biên giới phía bắc rập rình bóng quân bành trướng. Đơn vị của ông Đỗ Trung Lai sơ tán về vùng an toàn ở Hà Tây, trong khi đó con trai của tướng Đồng Sỹ Nguyên lại bỏ dở kể hoạch du học, lập tức trở về đơn vị và người thiếu úy pháo binh ấy cùng đại đội của mình đóng ở ngay Pháo đài Đồng Đăng.
Sáng sớm ngày 17-2-1979, quân bành trướng lén lút tràn qua biên giới. Đại đội pháo binh của con trai tướng Đồng Sỹ Nguyên bị đánh úp từ phía sau lưng, không một ai sống sót.
Nhiều người thương ông và tiếc thương người con trai trẻ đẹp và giỏi giang của ông đã nói rằng, với cương vị của mình, tướng Đồng Sỹ Nguyên hoàn toàn có thể đưa con trai về phía sau cho an toàn. Vậy mà ông đã không làm thế.
Sau này, nhà văn Đỗ Trung Lai được bạn mình là nhà thơ Phạm Tiến Duật - lính dưới quyền thân thiết của tướng Đồng Sỹ Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ - kể lại rằng, nhiều lần đến thăm "thủ trưởng", để ý mãi Phạm Tiến Duật mới biết, trung tướng lặng lẽ treo bức ảnh người con trai đã hi sinh của mình trong phòng ngủ.
Vị tướng ấy cố giấu đi tình riêng, chỉ sau những lo toan việc nước, đêm đến, trong phòng ngủ, ông mới lại lặng lẽ ngắm nhìn và thương nhớ người con của mình.
Lúc ấy, trái tim nhạy cảm của nhà thơ Phạm Tiến Duật như bị bóp nghẹt. Càng xót thương tâm tình của người cha già phải giấu đi những giọt nước mắt khóc con, ông càng nể trọng hơn vị tướng vĩ đại trong lòng ông và trong lòng nhân dân.
Năm 1997, khi đã 74 tuổi, tướng Đồng Sỹ Nguyên lại một lần nữa "xông trận" nơi núi rừng Trường Sơn với nhiệm vụ mới: Đặc phái viên của Chính phủ, tìm hướng tuyến cho xa lộ Bắc Nam, sau này được đổi tên là đường Hồ Chí Minh, nối từ Pác Bó tới Mũi Cà Mau.
Là người may mắn được bước theo những bước chân không mỏi mệt của tướng Đồng Sỹ Nguyên khắp mọi miền Tổ quốc, ông Trường Sơn - lái xe của tướng Đồng Sỹ Nguyên - chia sẻ, bản thân ông và nhiều người không hiểu hết được, điều gì đã cho vị tướng già nguồn năng lượng lớn đến vậy để lại vượt núi trèo đèo, băng rừng lội suối tìm hướng tuyến ở tuổi "xưa nay hiếm", biến ước mơ của ông và của bao người dân thành hiện thực: mở một con đường mang tên Hồ Chí Minh nối liền Nam - Bắc.
Ông Trường Sơn kể, quãng thời gian ấy, tháng nào trung tướng cũng vào tuyến kiểm tra đôn đốc đúng như tác phong của một vị Tư lệnh. Những chuyến đi thời bình để xây dựng đất nước vẫn cứ vất vả chẳng kém gì những chuyến đi thời chiến năm xưa mà vị tướng đã kinh qua cùng đồng đội của mình.
Hơn 70 tuổi, tháng tháng, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại leo lên những chuyến xe kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày ngồi mấy trăm cây số từ sáng sớm đến tối mịt, tiện chỗ nào dừng xe dọc đường ăn xôi hoặc bánh mỳ mang theo, hoặc vào lán trại của anh em bộ đội nghỉ qua đêm.
Đường xuyên rừng Trường Sơn khi đó chẳng khá hơn hồi chiến tranh là mấy, có những đoạn đường chỉ vài cây số nhưng phải đi hết nửa buổi. Đường vừa đào lên thì mưa rừng ập xuống, xe thi công chạy đi chạy lại, biến con đường trở thành một "dòng sông bùn" đỏ quạch.
Xe của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đi qua, chỉ chạy được số 1, số 2, nhích từng tý một, người ngồi trong xe dù còn trẻ khỏe vẫn ù tai chóng mặt, lái xe thì thấy "như có ruồi bay trong mắt". Vậy mà những người trên xe tuyệt nhiên không thấy vị "Tư lệnh" già có biểu hiện gì về sự mệt mỏi.
Sau này, được nghe nhiều tâm sự của thủ trưởng, người lái xe mới hiểu được cội nguồn sức mạnh của vị tướng già. Ông rất tâm huyết với đường Hồ Chí Minh, không khác gì tâm huyết của ông và đồng đội dành cho đường mòn Hồ Chí Minh mấy chục năm trước.
Nhưng khi chiến tranh đã qua lâu mà họ vẫn quá đói khổ, thì vị tướng được sinh ra giữa lòng dân ấy thấy mình còn mắc nợ nhân dân nhiều quá. Nên dù tuổi đã cao, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên quyết mang hết sức lực của mình để đẩy nhanh việc mở con đường này, ngoài ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng cho đất nước còn là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào mà đất nước còn nợ bao ân tình...
Trên những cung đường khó nhọc mà vị tướng già đang "xông trận" một lần nữa, có lẽ ông đã luôn mỉm cười với ý nghĩa rằng: "Từ nay một nải chuối, quả cam hay con gà của người dân đem bán cũng có giá trị hơn, một cô gái người dân tộc thiểu số cũng có thể yêu và kết hôn với một chàng trai dưới xuôi…". Nếu một vị tướng mà có thể nghĩ tới cả những việc "nhỏ mọn" như vậy của dân, thì vị tướng ấy còn ở mãi trong lòng dân.
Nay thì con đường đã trở thành con đường hạnh phúc của bao bản làng và vẫn tiếp tục vươn tới mọi nơi nhân dân ngóng đợi như tâm nguyện của vị tướng đáng kính.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận