- Ảnh:
Phúc Tân kêu gọi trả thù' - một trong những bức ảnh nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ - nhà báo, phóng viên ảnh Vũ Ba được bấm máy cách nay hơn nửa thế kỷ.
Nhà báo Vũ Ba kể: "Khi ấy, chiều 13-12-1966, tôi đang có mặt tại tòa soạn báo Quân đội Nhân dân ở phố Phan Đình Phùng thì nghe tiếng còi báo động. Máy bay Thần sấm F-105 cuả Mỹ ném bom rải thảm cầu Long Biên nhằm phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Với vội chiếc máy ảnh đeo lên ngực, tôi nhanh chóng đạp xe ra hiện trường, vừa đến khu Phúc Tân thì chợt thấy một bé gái từ trong đám cháy chạy ra kêu khóc thảm thiết…".
Bức ảnh được bấm đúng khoảnh khắc đầy cảm xúc, là hình tượng sinh động, trực quan, tố cáo mạnh mẽ tội ác chiến tranh xâm lược, là biểu tượng để phản đối chiến tranh do Mỹ gây ra đã được vinh dự trao giải thưởng lớn tại cuộc thi ảnh quốc tế của báo Sự thật (Liên Xô) với tựa đề "Không thể để thế này…" nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười - Nga.
Nhà báo Vũ Ba thời trẻ
Nhà báo Vũ Ba sinh năm 1930 tại xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định. Năm 1947, ông làm giao liên cho Ban Quân báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ tháng 10-1952 đến tháng 3-1955, ông được giao nhiệm vụ phóng viên quay phim thời sự, phòng văn nghệ thuộc Tổng cục Chính trị khu miền Tây Nam bộ.
Tập kết ra Bắc năm 1954, từ tháng 2-1965 đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhà báo Vũ Ba công tác tại Tổng cục Chính trị và làm phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân.
Đây cũng là thời kỳ nhà báo Vũ Ba có những tác phẩm nổi tiếng khác như: Vào lửa, Báo động, Đoàn cao xạ 235 chống máy bay Mỹ bảo vệ cầu Long Biên, Bắt kẻ thù phải rơi ngay trên đất Thủ đô, Hãy cảnh giác, Pháo phòng không bảo vệ Hải Phòng...
Năm 2006, tác phẩm Phúc Tân kêu gọi trả thù của Vũ Ba được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Cho đến nay, bức ảnh báo chí sinh động, giàu tính thời sự này vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm đắt giá bậc nhất về đề tài chiến tranh Việt Nam.
Lễ tang nhà báo Vũ Ba được tổ chức tại nhà riêng 166 bến Vân Đồn, P. 6, Quận 4. TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận