06/11/2016 09:00 GMT+7

Vĩnh biệt sầu nữ hết lòng vì nghệ thuật

Đạo diễn THANH HIỆP
Đạo diễn THANH HIỆP

TTO - Bà được người đời gọi tên sầu nữ, vì giọng ca sầu thương, dễ lấy nước mắt và tạo sự đồng cảm sâu sắc. Cuộc đời bà gắn với truân chuyên, nhưng thiệt thòi của gia cảnh nghèo khó đã cho bà nghị lực trưởng thành.

NSƯT Út Bạch Lan bật khóc khi trang điểm cho bức tượng sáp tạc chân dung mình - Ảnh: THANH HIỆP
NSƯT Út Bạch Lan bật khóc khi trang điểm cho bức tượng sáp tạc chân dung mình - Ảnh: THANH HIỆP

Đi vào nghề từ chợ Bàu Sen, cùng người anh kết nghĩa là Văn Vĩ ôm đàn đi hát dạo, tìm vài đồng bạc lẻ đỡ đần bữa cơm của hai bà mẹ. Có một người thương tâm, thấy cảnh hai đứa trẻ mồ côi cha đi hát dạo để nuôi hai bà mẹ, ông cho ít tiền để mở một lò cổ nhạc.

Xứng danh là Đệ nhất đào thương

Tài năng học lóm của ông Văn Vĩ nhanh chóng giúp ông từ một cậu thanh niên bị mù đôi mắt trở thành danh cầm sáng giá, thì cũng thời kỳ đó, tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của bé Út đã lọt đến tai nghệ sĩ Năm Cần Thơ, để bà tìm đến lò mời bé Út về hát cho Đài phát thanh Pháp Á.

Rạng danh từ cái tên Bạch Lan được ông Công Thành đặt cho, bé Út xin được gắn tên chữ Út (tên khai sinh cha mẹ đặt là Đặng Thị Hai, tự Út), để luôn nhớ về cội nguồn. Thế là từ đó sân khấu cải lương và làng đĩa nhựa có một nữ danh ca mang tên Út Bạch Lan.

Tài năng chín muồi khi được bầu giao vai nào cũng hoàn thành hơn cả tuyệt vời. Và cứ thế, bà đạt nhiều thành tích, được giới chuyên môn đánh giá với nhiều nghệ danh: Bức trường thành vọng cổ, Vương nữ sương chiều, Sầu nữ, Đệ nhất đào thương...

Tôi có nhiều cơ hội làm việc cùng bà, lắng nghe những chỉ bảo để thổi vào kịch bản cải lương chất liệu quý mà bà thẩm thấu từ kinh nghiệm. Trải qua hơn 20 đoàn hát lớn nhỏ, 200 vai diễn từ sân khấu cho đến video cải lương, chỉ cần đọc qua câu vọng cổ, bà đo lường ngay hiệu quả của vở tuồng.

Tôi nhớ có lần dựng vở Mẹ mãi trong đời con, bà đọc kịch bản người mẹ bị bệnh tim, ngồi trên chiếc xe lăn, quay về nhà giữa lúc các con đang tranh giành gia sản. Bà đã nói trong nghẹn ngào: “Hồi đó lúc sinh thời, má của Út đã từng dạy, anh chị em trong nhà, cùng chung huyết thống thì không nỡ xâu xé nhau chỉ vì tiền bạc. Nên vai diễn này Út thích, nó răn dạy đời, và làm Út nhớ về mẹ của mình”.

“Có xin lỗi khán giả giùm Út không?”

Khi tôi đưa kịch bản Mẹ ngồi sàng gạo của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, mong muốn bà tham gia để diễn tối 27-10 tại rạp Công Nhân, bà đọc xong rồi khóc. Bà lại nhớ về mẹ của mình.

“Hồi đó ở chợ Bàu Sen, khi chồng chết, má Út bồng bế Út và các em lên chợ, xin tá túc ở một mái hiên, rồi gặp mẹ của anh Văn Vĩ. Hai bà mẹ buổi sáng phụ giúp các tiểu thương lựa hành, lựa tỏi, tối rửa sạp thịt làm giường ngủ.

Khuya có ánh trăng sáng thì hai mẹ lại làm công việc sàng gạo mướn để nuôi con. Nên dẫu có mệt nhọc vì căn bệnh ung thư, Út cũng ráng tập để hát. Hơn nữa chương trình này làm vì ý nghĩa giúp học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo, nên rất ý nghĩa” - tôi nhớ như in lời của sầu nữ.

Ngày 24-10, đẩy xe lăn đưa bà đến rạp Công Nhân để tập cùng các diễn viên, tất cả chúng tôi đều khóc khi bà bước đi chầm chậm, lời thoại ấm áp, khuyên nhủ con cháu sống giữ gìn đạo đức, nhân nghĩa. Một hạt lúa giúp người hoạn nạn là truyền thống của quê hương ta.

Nhưng rồi đến ngày 27-10, bà trở bệnh, chị Hạnh cháu của bà cho biết tin, nghệ sĩ Cao Mỹ Châu lập tức thế vai. Ngày 28-10, chúng tôi đến thăm bà, bà lại hỏi: “Có xin lỗi khán giả giùm Út không? Ráng vài bữa khỏe, sẽ đi quay vai này ở đài truyền hình, thương vai diễn này lắm!”.

Và rồi bà đã ra đi khi chưa thể thực hiện vai diễn cuối cùng. Nhưng với tất cả chúng tôi, hình ảnh bà bước lên sàn tập sẽ in dấu mãi với thời gian, minh chứng một điều bất hủ ở nhân cách của bà: sống với nghệ thuật cho đến hơi thở cuối cùng.

Thành Được - Út Bạch Lan: Mối tình tuyệt vời

Tôi lại còn nhớ đến buổi đưa bà đi xem bức tượng sáp mà các nghệ nhân điêu khắc đã hoàn chỉnh, chuẩn bị khánh thành nhà trưng bày tại Nhà hát Hòa Bình. Bà bật khóc khi trang điểm cho bức tượng. Rồi bà hỏi nhỏ tôi: “Hổng biết rồi người ta có làm bức tượng ông Thành Được? Nếu có khi nào xong, cho Út lên xem và hóa trang cho ổng?”.

Đến gần cuối đời, tình yêu dành cho sân khấu của bà vẫn hừng hực. Với bà, bước lên sân khấu thì phải đẹp, mà mối tình tuyệt vời của bà với nghệ sĩ Thành Được vì thế đã tạc trong tâm trí người xem rất nhiều mối tình diễm lệ trên sân khấu cải lương. Để rồi khi không còn chung bước, bà và ông vẫn giữ tình thâm như đồng nghiệp, cùng san sẻ, chăm sóc khi có dịp gặp nhau trên sàn diễn.

Suất hát có một không hai khi Thành Được - Út Bạch Lan tái diễn Nửa đời hương phấn tại San Jose (Mỹ), đã là một đêm diễn bà nâng niu, mỗi khi nhắc về người bạn diễn đẹp đôi mà Tổ nghiệp đã ban cho bà.

Thắp nén hương nhớ mãi công ơn của sầu nữ dành cho sân khấu cải lương, đại thụ luôn đồng hành với diễn viên trẻ. Công tác thiện nguyện của giới nghệ sĩ từ nay vắng bà. Nhưng tôi tin đâu đó trong khán phòng của những suất hát thiện nguyện, vẫn văng vẳng giọng ca ngọt lịm của bà với bài Hoa lan trắng.

Sầu nữ Út Bạch Lan trong phim Trở về 3 - Ảnh: Senafilm
Sầu nữ Út Bạch Lan trong phim Trở về 3 - Ảnh: Senafilm

 

Nét đẹp hiếm có trong nghệ thuật

NSƯT Út Bạch Lan và tôi từng làm việc chung khi chúng tôi cùng hoạt động ở đoàn Dạ Lý Hương. Có thể nói đây là giai đoạn rất đặc biệt trong cuộc đời nghệ thuật của tôi vì được hát với hai đại danh ca là Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn và Đệ nhất đào thương Út Bạch Lan. Gọi cô Út Bạch Lan là đại danh ca vì cô có một chất giọng rất đặc biệt mà trong lịch sử 100 năm của cải lương không ai có thể thay thế được.

Ngày đó, tôi được hát chung với cô và NSND Út Trà Ôn khá nhiều tuồng, trong đó có tuồng Tuyệt tình ca tôi đóng vai Lê Thị Trường An, còn nghệ sĩ Út Bạch Lan đóng vai bà Lê Thị Lan rất được khán giả yêu thích.

Tôi mê giọng ca của Út Trà Ôn và Út Bạch Lan đến mức hôm nào không hát tôi đều đứng trong cánh gà để nghe họ ca, họ diễn. Giọng ca trên sân khấu hay cách nói chuyện ngoài đời của cô hệt như nhau, thỏ thẻ, nhẹ nhàng. Một giọng ca như mật rót vào tim, cứ âm ỉ làm người ta nhớ hoài...

Cô là người sống trầm lắng, chẳng bao giờ làm mích lòng ai. Gặp đau khổ, bệnh tật, người ta than, còn cô cứ giấu trong lòng, sợ làm phiền người khác. Bao nhiêu vui buồn, thương khổ cô đã gói hết trong giọng hát, trang trải trong nghệ thuật, trong từng vai diễn trên sân khấu.

Bởi vậy, gọi Út Bạch Lan là đệ nhất đào thương vì cô hát không cần mếu máo, chỉ nhíu mày thôi là ai cũng thương, cũng muốn rớt nước mắt. Diễn buồn hay vui gì trông cô cũng rất đẹp, nét đẹp hiếm có trong nghệ thuật.

NSND Bạch Tuyết

Người đi mang theo nụ cười từ bi

Có lẽ vai bà ngoại của Diễm - nhân vật chính (Khả Ngân đóng) trong bộ phim Trở về 3 - là vai diễn lớn cuối cùng của cô Út Bạch Lan. Khi tuyển vai diễn bà ngoại, đạo diễn Việt Trinh đề xuất ngay má Út Bạch Lan, tôi hơi e ngại vì sợ tuổi của cô cao, cảnh quay chủ yếu dưới quê vất vả. Việt Trinh thuyết phục tôi không sao, cô còn khỏe, còn nhiệt huyết đam mê lắm.

Và rồi, tôi thật bất ngờ khi được làm việc cùng với cô. Suốt ba tháng quay, chưa một lần cô có mặt ở điểm quay sai giờ hẹn. Nhiều hôm cô Út Bạch Lan và chị Thanh Nguyệt phải ngồi chờ cả tiếng những nghệ sĩ trẻ đến trễ, chúng tôi ái ngại đến xin lỗi, cô vẫn cứ một nụ cười dịu dàng, nhân hậu với câu nói cửa miệng: Không sao đâu!

Những đêm quay khuya, mọi người lo lắng muốn tìm chỗ nghỉ ngơi giữa các cảnh quay cho cô, cô vẫn một mực: Không sao đâu! Trời mưa, phải chờ, cô vẫn im lặng ngồi chờ không than vãn một tiếng, vẫn chỉ mỉm cười. Phải, lúc nào cô cũng sợ phiền người khác, sợ ảnh hưởng đến tiến độ bộ phim. Đó đích thực là một nhân cách lớn của một nghệ sĩ lớn mà các nghệ sĩ trẻ bây giờ nên nhìn vào để soi mình.

Vậy là tôi và Việt Trinh đã lỡ hẹn một vai diễn cho má trong phim tới rồi. Một nghệ sĩ tài hoa đã rút hết những sợi tơ lòng cuối cùng dành tặng cho nhân gian, cho cuộc đời rồi mỉm cười ra đi. Má đi mang theo nụ cười từ bi nhưng để lại cho đời một nhân cách lớn của một nghệ sĩ lớn, để lại tiếng hát lảnh lót và những vai diễn giúp con người sống giữa nhân gian khóc được để vơi bớt buồn đau.

Nhà biên kịch Châu Thổ

Sầu nữ Út Bạch Lan qua đời

NSƯT Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An. Bà được mệnh danh là giọng ca sầu nữ, sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư gan đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22g55 ngày 4-11 tại nhà riêng, thọ 82 tuổi. Tang lễ của bà tổ chức tại chùa Ấn Quang (243 Sư Vạn Hạnh, P.9, Q.10, TP.HCM). Lễ động quan lúc 7g ngày 8-11, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Đạo diễn THANH HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp