Nhà báo Hàm Châu tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam - Ảnh: Trường Đăng |
Khoa học là một lĩnh vực khó “nhằn” và tiếp cận, khai thác các nhà khoa học vốn là những người kín đáo, kiệm lời, không thích phô trương để cho ra những bài báo hay luôn là thử thách đối với phóng viên. Thế nhưng có một nhà báo đã làm được điều đó và làm rất tốt: Nhà báo Hàm Châu.
Gắn bó với những người làm khoa học, phát hiện ra các tài năng từ rất sớm. Thành thạo ba ngoại ngữ, hiểu biết sâu sắc về các ngành khoa học đặc biệt là khoa học cơ bản đã giúp nhà báo Hàm Châu tiếp cận, đồng cảm và chia sẻ với các nhà khoa học để từ đó mang đến cho bạn đọc những bài viết về khoa học với ngôn từ dung dị, dễ hiểu dễ đi vào lòng người.
Ông đã viết hơn 2.500 bài báo, hơn 10 tác phẩm in riêng và 23 tác phẩm in chung trong đó có những tác phẩm đồ sộ như Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại dày 1.200 trang.
Quyển sách mới nhất nhà báo Hàm Châu vừa hoàn thành là tác phẩm Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà Vật lý, một ký sự văn học dày 830 trang, giàu những quan sát thú vị và cảm xúc tinh tế, kể về một lần dự Gặp gỡ Moriond, bảy lần dự Gặp gỡ Blois và tất cả 11 lần dự Gặp gỡ Việt Nam, những lần dự các hội nghị vật lý quốc tế ở Mỹ, Nga, Pháp, Italy, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả chân dung của các nhà bác học đạt giải Nobel, các nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng thế giới...
>>
>> Niềm vinh hạnh của chủ nhân Nobel vật lý 2013
>> Ra đời từ những đồng tiền lẻ
Ông Nguyễn Tử Uyên - con trai của nhà báo Hàm Châu cho biết nhà báo Hàm Châu sống một mình ở Hà Nội để thuận tiện cho việc thực hiện cuốn sách này. Dự định sau khi xuất bản sách xong sẽ chuyển vào TP.HCM để sống cùng con trai nhưng ông đã đột quỵ vào cuối tuần rồi mà không ai biết.
GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam: Chúng ta mất đi một nhà báo chân chính Nhà báo Hàm Châu đã gắn bó với chúng tôi từ năm 1993 khi ông đến đưa tin về Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam. Tôi chưa thấy nhà báo nào tâm huyết với khoa học như Hàm Châu. Cả 12 lần hội nghị Gặp gỡ Việt Nam ông đều có mặt, cả những lần hội nghị ở Pháp hay khi Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức buổi trao tiến sĩ danh dự cho tôi năm tôi 65 tuổi, ông cũng cùng dự. Cách đây năm ngày, tôi và ông trao đổi qua điện thoại về kế hoạch đi trao học bổng, sáng 1-8 chúng tôi gửi vé máy bay ra thì cũng nhận được tin ông mất. Tôi không biết cái tin này sẽ làm GS OdonVallet đau buồn đến thế nào bởi mỗi chuyến đi trao học bổng khắp các tỉnh thành, Hàm Châu đều ngồi cạnh GS Vallet và kể cho GS nghe về văn hóa, lịch sử, con người mỗi vùng miền Việt Nam nơi chúng tôi đi qua. GS Vallet rất quý Hàm Châu và thích thú với các câu chuyện của ông. Chúng ta đã mất đi một nhà báo chân chính hết lòng cho nền khoa học nước nhà và sẽ không bao giờ có một nhà báo tâm huyết và hiểu về khoa học như Hàm Châu. Khó mà diễn tả được tâm trạng tôi lúc này và tôi không biết dùng lời nào để nói lên tâm sự của mình với Hàm Châu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận