07/05/2017 10:17 GMT+7

Vĩnh biệt nhà thơ Việt Phương: Một chút hư không một chút đầy

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTO - Ông nhiều năm là thư ký cho người đứng đầu Chính phủ và bất ngờ nổi tiếng về thơ từ thập niên 1970 khi đã mở trước và mở sớm, bằng ý nghĩ, cảm xúc và vần điệu cánh “cửa mở”, cho xã hội và cho thơ.

Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Việt Phương là một nhà nghiên cứu chính trị, kinh tế xuất sắc; một nhà thơ nổi tiếng, đi trước thời đại; một người đồng chí trung thực, tốt bụng, mẫu mực. Anh đã tham gia vào việc biên soạn hầu hết các nghị quyết về cải cách, có những đóng góp vô cùng lớn lao vào công cuộc đổi mới của đất nước

Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

Ông là nhà thơ Việt Phương (1928-2017), vừa từ giã chúng ta vào ngày 6-5 tại Hà Nội.

Năm mới tặng ta điều gì mới

Hình như gió lộng thổi từ mây

Ta tặng điều gì cho năm mới

Một chút hư không một chút đầy.

Bây giờ thì ông đã về hư không, nhưng cõi thế vẫn còn một chút đầy ông để lại. Trong những bài thơ ông đã viết.

Viết khi còn ở vị thế và tâm thế của một người làm chính trị, từng nhiều năm gần cận các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Viết khi đã về lại cuộc sống của một người bình thường, một người dân, trong “cõi nhân gian bé tí” như một nhà văn đã từng ngẫm ngợi.

Và chính thơ đã cho ông một chút đầy để lưu lại dấu vết mình trong cuộc làm người 90 năm vào một thế kỷ khốc liệt của nhân loại ở nước Việt Nam nhiều biến động dữ dội. Để không tan biến vào chốn hư không mịt mù với những chức này tước nọ.

Thơ đã giúp một người có tên Trần Quang Huy trở thành nhà thơ Việt Phương sẽ còn được nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại với các tập thơ Cửa mở (1970), Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009) và Cỏ dọc đường trần (2010). Nhất là với tập Cửa mở - một hiện tượng văn học đột xuất ở thập niên 1970.

“Những khung cửa mở ngày mai” mà gần nửa thế kỷ trước ông đã mong muốn và dự báo, đó là làm sao cho ở cuộc sống này, trần gian này, con người được thực là con người.

Bởi làm người thì “mặc kệ được sao một nỗi đau người” và gộp lại những nỗi đau người đó là “nỗi đau trái đất”. Hễ con người còn biết đau và đồng cảm nỗi đau người, chứ không bao giờ mặc kệ trước nỗi đau của đồng loại, thì hành tinh này, cuộc đời này còn đáng sống.

Nhưng “trần ai hạnh phúc cái khi làm người”!

Cho nên trong tập thơ thứ hai có cái tên ngỡ trái ngược nhưng rất biện chứng tâm tình Bơ vơ đông đảo ông đã thổ lộ, bộc bạch, giãi bày những chiêm nghiệm và tình cảm của một người đã sống một đời thấy nhiều, hiểu nhiều, để cuối cùng ngộ ra “Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình”.

Ai có thể tự nhận và dám nhận đời mình được như nhà thơ này? Người đã biết từ sớm cái ý nghĩ “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” là “Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”.

Người về già vẫn đau đáu nỗi niềm thế sự đất nước, nhân dân. Thời gian, thời đại, thời cuộc đã chứng thực cho những câu thơ nói thật, nghĩ thật của nhà thơ:

Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin/ Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả/ Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ/ Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn. Câu khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” của thời đổi mới đã được nói trước bằng thơ của Việt Phương.

Thơ đó sẽ thay ông hiện diện trong đời sống tinh thần của xã hội và của mọi người.

Một chút đầy của ông sẽ làm đầy thêm một chút trong lòng những ai chia sẻ cùng ông cái đau, cái vui và lòng yêu này được ông viết thành thơ từ năm 1969: Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở/ Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi/ Ta vui lắm những niềm vui cởi mở/ Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi...

Một giọt người rất sáng rất trong

Lại một lần nữa, cuộc sống hôm nay mất đi một người đã đau đáu cống hiến từng giọt sống cho đời, cho đến giọt cuối như ông từng nhắn nhủ:

Cho dẫu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/ Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ Một giọt người rất sáng rất trong/ Đậu xuống vai em làm giọt sương đồng...

Ông từng viết về chính mình: Một đời là người của sự quá/ Quá thương quá yêu quá dại khờ/ Quá tin quá tưởng quá nhẹ dạ/ Quá mơ quá mộng quá ngây thơ...

Ai được gặp và trò chuyện với ông một lần cũng sẽ chứng kiến được “sự quá” ấy. Quá lịch sự đến mức đệm chữ “vâng ạ” ở đầu câu, cuối câu khi nói chuyện với tất cả mọi người, kể cả với một kẻ đến hỏi chuyện chỉ đáng tuổi cháu nội ông là tôi.

Quá yêu thương vợ đến mức trong câu chuyện, cứ chốc chốc ông lại hướng sang bà: “Anh nói thế có phải không, Tú Lan?”. Quá yêu đời, yêu người đến mức khi nào đặt vấn đề phỏng vấn ông cũng từ chối, nhưng rồi sau đó lại say mê cuốn vào những câu chuyện về đời, về người...

Từng 53 năm làm thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lại thêm nhiều năm làm thành viên nhóm tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, thân quen với các lãnh tụ như người trong gia đình, từng gây sóng gió và gặp sóng gió với những bài thơ “nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng”, nhưng rồi khi gặp lớp hậu thế như chúng tôi đến hỏi chuyện, bao giờ ông cũng kể những câu chuyện đẹp, thật đẹp.

Chuyện về chữ nhẫn, chữ dũng trong cõi vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuyện về chữ hòa, chữ tâm trong hành xử của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chuyện về chữ tầm trong cách nhìn nhận, đánh giá của Thủ tướng Võ Văn Kiệt...

Ông cười dung dị trước những câu hỏi cắc cớ và lại đọc thơ thay lời giải thích: Đã qua cái thời ngạc nhiên/ Đã qua cái thời dằn vặt/ Đã qua cái thời tức điên/ Đã qua cái thời đau uất/ Đã đến cái thời mở mắt/ Nhìn cho sáng màu tiếng khóc/ Nhìn cho tỏ sắc nụ cười/ Nhìn thấy cuộc đời đang lọc/ Nhìn ra trong vắt ngày mai...

PHẠM VŨ

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp