16/06/2016 09:40 GMT+7

Vĩnh biệt người thầy lớn 
của mỹ thuật Việt

ĐỖ PHẤN
ĐỖ PHẤN

TTO - Vậy là người cuối cùng trong “tứ trụ” của hội họa Việt Nam đã ra đi. Một cái chết không đột ngột ở tuổi 94 nhưng khoảng trống mà ông để lại sẽ không có gì bù đắp nổi.

Danh họa Ngưyễn Tư Nghiêm - Ảnh: Lê Thiết Cương
Danh họa Ngưyễn Tư Nghiêm - Ảnh: Lê Thiết Cương

Về một nghĩa chính danh nào đó, Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) quả thật là một bậc thầy không có nhiều liên hệ lắm đến bục giảng.

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1945, ông hăng hái đi theo kháng chiến từ những ngày đầu. Sự nghiệp giáo dục của ông bắt đầu và kết thúc trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc.

Ông là người trực tiếp cùng với Tô Ngọc Vân đào tạo ra thế hệ họa sĩ khóa kháng chiến với những tên tuổi lẫy lừng về sau của hội họa Việt Nam. Những Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Mai Long, Trọng Kiệm, Ngô Mạnh Lân, Thế Vị, Đặng Đức...

Thế nhưng theo hồi ức họa sĩ Lưu Công Nhân kể lại, lớp học trong kháng chiến thiếu thốn trăm bề. Làm sao có đủ mọi phương tiện, vật liệu và cả con người nữa để phục vụ cho một lối đào tạo mỹ thuật hàn lâm còn hết sức non trẻ.

Các ông thầy và học trò của họ phần lớn học lý thuyết theo lối truyền khẩu. Phần thực hành chủ yếu là vẽ ký họa và tranh cổ động phục vụ kháng chiến. Và thành công nhất của các thầy - trong đó có Nguyễn Tư Nghiêm - chính là phát hiện ra những tài năng hội họa đặc biệt trong kháng chiến.

Hòa bình lập lại, ông Nghiêm dành trọn thời gian cho sáng tác. Có lẽ phẩm chất của một họa sĩ lớn đã không tự cho phép ông lãng phí thêm một phút giây nào nữa. Ông sẵn sàng vượt qua gian khổ thêm một cuộc kháng chiến nữa cùng với chế độ bao cấp hết sức thiếu thốn vật chất chỉ với cương vị một người lĩnh lương bình thường, không màng đến bất cứ một địa vị hay quyền thế nào.

Không phải ngẫu nhiên mà bao giờ tên ông cũng đứng đầu “tứ trụ” hội họa Việt Nam. “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa tài năng của ông Nghiêm mặc nhiên đứng đầu trong “tứ trụ” ấy. Nhưng có một điều ai đã từng cầm bút vẽ đều nhận ra. Đó là phẩm chất tạo hình của ông đã vượt ra khỏi mọi khuôn khổ của trí tưởng tượng.

Ngay từ những bức vẽ thời còn là sinh viên cho đến những tác phẩm ngày mới hòa bình lập lại, người xem đã phát hiện ra một họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đầy bản lĩnh sáng tạo. Ông dường như đã có dự định sẵn cho những tìm tòi không mệt mỏi của mình.

Để sức sáng tạo có thể kéo dài đến hơn 70 năm sự nghiệp là điều không dễ với bất kỳ ai.

Ông Gióng - sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm, vẽ năm 1990
Ông Gióng - sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm, vẽ năm 1990

Những tìm tòi cả về mặt kỹ năng thể hiện lẫn biểu đạt tư tưởng của ông chính là một bài học lớn cho nhiều thế hệ nối tiếp. Sáng tác của ông cho đến tận những năm cuối đời vẫn luôn tươi mới hồn hậu đậm đặc chất dân dã.

Người ta thường nói rất nhiều về tính dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật. Thế nhưng, để biểu hiện nó bằng tác phẩm có lẽ không một ai vượt qua được ngọn cờ đầu Nguyễn Tư Nghiêm.

Vĩnh biệt ông, thế hệ họa sĩ Việt Nam kế tiếp vô cùng tự hào về một người thầy không đứng trên bục giảng. Tác phẩm của ông sẽ mãi mãi là những bài học làm nâng cao thẩm mỹ không chỉ cho giới cầm bút.

Dành cả cuộc đời cho hội họa

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời lúc 10g30 ngày 15-6, tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

Theo thông báo của ban tổ chức lễ tang, tang lễ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 11g15 ngày 17-6. Lễ truy điệu hồi 12g45 cùng ngày. Họa sĩ được an táng tại khu A nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, tại Nam Đàn, Nghệ An. Thành danh với nhiều tác phẩm để đời, gặt hái được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực hội họa, năm 1996 họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên cho các tác phẩm: Con nghé quả thực - sơn mài (1957); Đêm giao thừa - sơn mài (1958); Nông dân đấu tranh chống thuế - sơn mài (1958); tranh Gióng - sơn mài (1976); Ông Gióng - sơn mài (1990); Điệu múa cổ - sơn mài (1983).

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam chia sẻ về danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm:

“Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thuộc thế hệ đầu tiên của nền mỹ thuật cách mạng VN, ông đã dành hết cuộc đời mình cho sáng tác hội hoạ. Gần như ngày nào ông cũng vẽ, tác phẩm nào của ông cũng thấm đậm tình cảm và tài nghệ của một họa sĩ lớn.

Với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu, chì than... chất liệu nào ông vẽ cũng thành công. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người biết tới và được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng thành phố Hải phòng, Bảo tàng Phương Đông Mátcơva, Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Bộ Văn hoá - Thông tin, Công ty Tàu biển Việt Nam tại Hải Phòng…

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là một danh hoạ lớn, cây đại thụ của nền Mỹ thuật Cách mạng, hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm có nguồn cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian Việt Nam đồng thời có nhiều sáng tạo tìm tòi mới có cá tính độc đáo với phong cách nghệ thuật hiện đại”.

V.V.TUÂN

ĐỖ PHẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp