Thông tin được chị Nguyễn Diệu Trang - con gái đạo diễn - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Con gái đạo diễn cho biết vì tuổi cao sức yếu, lại bị bệnh nặng, nên cha chị đã không qua khỏi.
Tạm biệt "Phần Ma làng"
Thông tin đạo diễn Nguyễn Hữu Phần qua đời trưa nay khiến nhiều người sốc.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ những người bạn lâu năm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn thường gọi ông bằng cái tên giản dị là "Phần" hoặc "Phần Ma làng".
Bà Nhã cho biết hai người quen biết, rồi thân nhau từ gần 40 năm trước, khi cùng đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) với bao hy vọng và khát vọng.
Sau đó, Nguyễn Hữu Phần cùng một số đạo diễn đầu quân cho Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam (VFC), lúc đó mới bắt đầu mở ra chương trình Văn nghệ cuối tuần.
Rất nhanh, những người ra đi từ số 4 Thụy Khuê trở thành lực lượng nòng cốt của VFC, sản xuất phim một tập, rồi nhiều tập... mà đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là một trong những người làm nên thương hiệu ấy.
"Khi biết Phần rẽ vào, rồi gắn bó với đề tài nông thôn, chúng tôi hơi ngạc nhiên nên theo dõi các phim của anh rất kỹ và tâm phục khẩu phục", biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Nghe tin đạo diễn vừa "đi", bà vẫn lặng người, dù không có bất ngờ nào cả. "Chỉ là vẫn hy vọng anh nhập viện, rồi lại ra viện như nhiều lần trước đó", bà nói.
"Thôi thì... ai cũng có một cách để ra đi. Quy luật không thể tránh khỏi. Mong là anh đã thanh thản, chấm dứt mọi lo âu đau đớn. Vĩnh biệt Anh - NSND Nguyễn Hữu Phần. Anh đi thanh thản nhé", bà Nhã bày tỏ.
Một người sâu sắc và đam mê thay đổi
Đạo diễn Phi Tiến Sơn nói với Tuổi Trẻ Online ông và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần rất gắn bó với nhau, nên khi nghe tin báo "ông anh" mất trưa nay, ông đang trong một cơn sốc và chưa hết bàng hoàng.
Phi Tiến Sơn kể ông là người quay bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tội lỗi cuối cùng.
Khoảng năm 1992, một số đạo diễn trẻ tâm huyết với điện ảnh Việt Nam như Nguyễn Hữu Phần, Lưu Trọng Ninh, Phi Tiến Sơn, Hoàng Nhuận Cầm… nhận thấy điện ảnh nước ta cần thay đổi, cả nội dung lẫn quy trình sản xuất.
Được sự bảo trợ và ủng hộ của lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm Điện ảnh Trẻ ra đời.
Vì các đạo diễn trẻ thời bấy giờ có quá ít cơ hội làm phim nên họ quyết định làm phim độc lập.
Em còn nhớ hay em đã quên - bộ phim do NSND Nguyễn Hữu Phần biên kịch và đồng đạo diễn với Phi Tiến Sơn - lấy cảm hứng từ loạt ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ra đời ngay sau đó. Phim có sự tham gia đóng chính của Lê Công Tuấn Anh và Trương Ngọc Ánh.
"Thời đó, chúng ta hiếm phim ca nhạc, chất lãng mạn kiểu đó cũng chưa có nhiều trong điện ảnh Việt Nam. Điều đó cho thấy khát khao thay đổi, làm mới mình, đóng góp cho điện ảnh Việt Nam của chúng tôi", ông Sơn nhớ lại.
Nói về "ông anh" của mình, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xuất thân là giáo viên dạy văn nên có nhiều kiến thức về văn học, cách làm phim của ông vì thế cũng sâu sắc hơn người khác.
Ngoài ra, trong mắt anh em và bạn bè, ông là một người năng động, xông xáo. Những năm gần đây, dù có tuổi, đạo diễn vẫn viết sách, truyền nghề cho các đạo diễn trẻ.
Sau khi rời Hãng phim truyện Việt Nam, Nguyễn Hữu Phần sang VFC, từ đây cho ra nhiều bộ phim đình đám về nông thôn.
Phi Tiến Sơn nói phim của Nguyễn Hữu Phần sâu sắc và sinh động, "khi nhắc đến phim về nông thôn thì mọi người không thể không nhắc đến anh Phần".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hưng Yên, là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường đại học Sân khấu Điện ảnh.
Ông là đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng như phim điện ảnh Em còn nhớ hay em đã quên và các phim truyền hình trên VFC như Ma làng, Đất và người, Gió làng Kình, Làng ma 10 năm sau…
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được phong tặng danh hiệu NSND năm 2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận