Nhà thơ, họa sĩ - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Mới trước đó thôi, sớm ngày 15-7, tôi nhận được email của đơn vị Nhã Nam báo tin tập văn xuôi Ly rượu trần gian của tác giả Phan Vũ đã có mặt tại các nhà sách ở Hà Nội và sắp gửi sách vào Sài Gòn.
Đây là tập sách tôi được Phan Vũ ủy quyền xuất bản trên cơ sở tập hợp, sưu tầm những bài viết của ông đã in, phần lớn trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) và một số báo, tạp chí khác.
Khi thực hiện tập văn xuôi này, tôi muốn giới thiệu một mảng sáng tác khác của tác giả trường ca Em ơi, Hà Nội phố đã được nhiều thế hệ người đọc yêu thích.
Tôi gặp gỡ và mau chóng thân thiết với Phan Vũ từ cuối những năm 1980 khi đang phụ trách tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật, biết ông lúc đó đang dấn bước vào hội họa và thật ngạc nhiên khi đọc tạp bút đầu tiên ông gửi cho tờ báo sau khi bị tôi nhiều lần "dụ dỗ" viết mục này.
Cũng từ đó, Phan Vũ viết khá đều tay cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Ngoài các tạp bút ngắn gọn mà súc tích chuyện đời, chuyện thế sự, Phan Vũ còn viết khá nhiều chân dung nhân vật như họa sĩ Lưu Công Nhân, họa sĩ Bùi Quang Ngọc, đạo diễn Trần Vũ, diễn viên Trà Giang, nhạc sĩ Trần Tiến, đạo diễn Việt Linh... và vài người bạn chiến đấu thời trẻ của ông.
Đặc biệt trên số báo Xuân Tuổi Trẻ năm 1998, nhân năm Mậu Dần, Phan Vũ đã viết truyện ký Con cọp trên ngọn Tà Lơn thật hấp dẫn về một con cọp được một đơn vị quân tình nguyện nuôi dưỡng đến khi thả về rừng vì đơn vị chuyển quân.
Tháng 8-2015, trong một lần ngồi cà phê với Phan Vũ, tôi được nghe ông thổ lộ về nguồn cội của mình. Hóa ra ông là người gốc Đà Nẵng nhưng chào đời ở Hải Phòng, khi cụ thân sinh rời quê nhà ra miền Bắc lập nghiệp. Và ông - tên khai sinh là Trần Hồng Hải - mong muốn có dịp được trở lại thăm quê quán của cha vì cũng đã đến tuổi gần đất xa trời.
Tôi nghĩ ngay đến một triển lãm tranh Phan Vũ tại Đà Nẵng nên bàn với nhà văn Thái Bá Lợi, giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn khu vực miền Trung và Tây Nguyên, để chung tay tổ chức triển lãm có tên "Phan Vũ, 90 năm về quê hương Đà Nẵng" tại gallery La Tour Eiffel bên sông Hàn.
Người đến xem tranh được nghe Phan Vũ đọc một số trích đoạn Hà Nội phố cùng nhiều thi phẩm khác của ông. Có người hát ca khúc cùng tên được Phú Quang phổ nhạc. Triển lãm khiến Phan Vũ rất cảm động và nhiều lần bày tỏ nếu có đủ sức khỏe sẽ trở lại Đà Nẵng lần nữa...
Năm ngoái đây, cùng với gallery Bình Minh ở TP.HCM, tôi đã tổ chức trưng bày tranh lần nữa cho Phan Vũ, lấy tên trường ca bất tử của ông đặt tên cho triển lãm, bởi phần lớn tranh lấy từ loạt tranh Hà Nội phố được ông vẽ vài năm gần đây. Không ngờ đó cũng là phòng tranh cuối cùng của ông.
Nhà phê bình - họa sĩ Nguyễn Quân dùng từ "đại lão thi - họa sĩ" để gọi Phan Vũ. Quả thật không có từ nào thích hợp hơn để chỉ một nghệ sĩ đã suốt đời sáng tác, sáng tác cho đến giờ lâm tử. Có lần, một nhà nhiếp ảnh được tôi giới thiệu đến gặp Phan Vũ để chụp chân dung ông.
Anh bạn hỏi tôi: "Theo anh thì điều gì là lớn lao nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của Phan Vũ?", tôi đáp: "Đó chính là cuộc đời của ông". Một người suốt đời mê mải đi tìm cái đẹp, tìm sự vĩnh cửu trong cuộc sống hữu hạn. Tôi vẫn nghe văng vẳng lời ông: "Tôi vẫn đang vẽ ông ạ, lúc nào không vẽ thì làm thơ...".
Khúc tơ vương Em ơi, Hà Nội phố
Chân dung tự họa của nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ
"Nghe Phan Vũ đọc xong bài thơ Em ơi, Hà Nội phố, tôi nói: Anh yên tâm là sẽ có một bài hát rất hay từ bài thơ này" - nhạc sĩ Phú Quang kể lại.
Phú Quang là một trong những người bạn vong niên kém nhiều tuổi của Phan Vũ. Nhạc sĩ kém nhà thơ 23 tuổi.
Em ơi, Hà Nội phố được sáng tác năm 1972. Theo lời kể của Phú Quang, khoảng 20 năm sau khi bài thơ ra đời, Phan Vũ mới gặp ông trong một lần ông đang làm chương trình ca nhạc ở Q.3, TP.HCM. "Buổi hôm đó có tôi, Trần Tiến và Dương Thụ. Phan Vũ đến, mang theo bài thơ, ông đọc lên, rồi nói tôi phổ nhạc" - Phú Quang kể.
"Nghe anh đọc xong, tôi nói: 'Anh yên tâm là sẽ có một bài hát rất hay từ bài thơ này'. Tôi mang bài thơ về nhà, trong buổi chiều và đêm hôm đó đã sáng tác xong Em ơi, Hà Nội phố. Hôm sau, tôi mang đến cho Phan Vũ, ông rất xúc động và nói: 'Quang làm sang trọng cho bài thơ của anh'" - Phú Quang tự hào.
Bài hát phổ thơ này thành công vang dội, chiếm được trái tim của công chúng nhiều thế hệ, đặc biệt là những ai từng sống và có kỷ niệm sâu sắc với Hà Nội. Nhờ nhạc phẩm, bài thơ gốc cũng được biết đến nhiều hơn và có một đời sống riêng phong phú.
Phú Quang cho biết bài hát đã khởi đầu mối thâm tình đặc biệt giữa ông và Phan Vũ. Do cách trở địa lý, nhiều lần thay đổi số điện thoại, cả hai chưa có dịp gặp lại nhau. Vào năm ngoái, khi Phan Vũ đón tuổi 93, ông mời Phú Quang vào Sài Gòn dự sinh nhật. Nhưng thật đáng tiếc, nhạc sĩ lại vướng ngày khai mạc chương trình ca nhạc quan trọng ở Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang không ngờ rằng đó cũng là tiệc sinh nhật cuối cùng trong cuộc đời Phan Vũ. Cuộc đời ấy mãi mãi dừng ở con số 93, cũng có thể coi là khá dài, đầy ắp sự kiện đáng nhớ cùng những mối thân tình.
Mi Ly
Phan Vũ sinh năm 1926. Ông là nhà thơ, nhà soạn kịch kiêm họa sĩ được công chúng mến mộ. Phan Vũ nổi tiếng là người tài hoa, lãng mạn, có phong cách sống hiện đại và trẻ trung nên được nhiều bạn văn các thế hệ yêu mến.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông là: kịch Lửa cháy lên rồi, Dòng sông âm vang, Bà mẹ và thanh gươm, tuyển thơ Ta còn em. Đặc biệt, bài thơ Hà Nội phố được Phú Quang phổ nhạc là tác phẩm được đông đảo công chúng yêu mến.
Lễ viếng nhà thơ Phan Vũ bắt đầu lúc 19h ngày 17-7. Lễ di quan diễn ra lúc 7h sáng 19-7 tại Nhà tang lễ TP, 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận