Phóng to |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-6, ông Nguyễn Xuân Phúc - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện nghị quyết về cơ chế, chính sách vận dụng đối với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để Chính phủ ban hành nhằm thực hiện tái cơ cấu tập đoàn này.
Trước đó, trả lời báo chí về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với việc chấp hành pháp luật tại Vinashin cũng như một số khoản nợ vay của tập đoàn này, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đối với Vinashin thì thái độ của Chính phủ rất rõ ràng và cương quyết. Còn việc trả nợ thực hiện theo quy định tín dụng, nghĩa là có vay có trả, việc trả nợ vào thời điểm nào thì bản thân Vinashin cũng như các cơ quan liên quan phải xem xét một lộ trình cụ thể...”.
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Nhạ - chuyên gia của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương - cho biết thời gian qua ông đã tham gia đoàn làm việc của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương tại Vinashin, qua đó cho thấy việc tái cơ cấu tập đoàn này đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể về khoản nợ vay của Vinashin đối với các chủ nợ trong nước, ông Nhạ nói: “Theo tôi được biết Vinashin khó có điều kiện trả nợ trong năm 2011, cần phải tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho Vinashin đến ít nhất là cuối năm 2012, đầu năm 2013”.
Về nợ có yếu tố nước ngoài của Vinashin, ông Nhạ cho biết: “Nợ nước ngoài của Vinashin phải được trả bằng nỗ lực sản xuất kinh doanh của chính tập đoàn chứ không thể dùng ngân sách nhà nước. Hiện Vinashin phải chủ động đàm phán để giãn nợ”.
Theo ông Nhạ, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản quy định cơ chế đặc biệt cho Vinashin để thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, một số vấn đề cần được quan tâm xem xét như việc rút vốn, bán, giải thể doanh nghiệp phù hợp tình hình thực tế của Vinashin hiện nay; cơ chế đặc biệt ưu đãi vay vốn cố định và vay vốn lưu động; quy định đầu tư kiến thiết cơ bản đóng và sửa chữa tàu biển; có cơ chế gắn kinh tế với quốc phòng trong công nghiệp tàu thủy...
“Một vấn đề cần quan tâm nữa là vừa qua có nhiều chủ tàu đã dừng, hủy hợp đồng với Vinashin nay muốn đàm phán quay lại thực hiện hợp đồng, có thể nếu Vinashin tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã dừng, đã hủy này thì hiệu quả không cao, nhưng nếu không thực hiện thì thiệt hại còn lớn hơn vì nhiều trang thiết bị đã mua về còn nằm đó. Hơn nữa, tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Do vậy, cấp có thẩm quyền nên quyết định việc đàm phán lại để tiếp tục thực hiện hợp đồng với chủ tàu đã hủy theo hướng: chỉ ký thực hiện hợp đồng khi tổn thất nhỏ hơn so với không ký hợp đồng” - ông Nhạ nói.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm năm (từ 2006-2010), Vinashin đã ký 85 hợp đồng có giá trị trên 58.000 tỉ đồng với khách hàng trong và ngoài nước nhưng mới chỉ hoàn thành 12% số hợp đồng; bị hủy 47% số hợp đồng với giá trị trên 27.000 tỉ đồng và còn 13% số hợp đồng chưa được thực hiện. Hậu quả của việc này dẫn đến bị phạt và trả lãi tiền đặt cọc 270 tỉ đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ còn nhiều hợp đồng bị hủy dẫn tới bị phạt, trả lãi tiền đặt cọc trên 530 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền phạt, tiền trả lãi do hủy hợp đồng và chắc chắn hủy hợp đồng lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Tính đến hết năm 2009, tập đoàn đã quyết định mua 25 tàu cũ qua sử dụng với số tiền gần 8.200 tỉ đồng. Toàn bộ dự án mua tàu thuộc dự án nhóm A đều không có văn bản cho phép đầu tư của Thủ tướng, 17 dự án nhóm B không thực hiện thẩm định. Điển hình là dự án mua tàu Hoa Sen, Thủ tướng không cho phép mua mà chỉ cho phép đóng mới nhưng ông Phạm Thanh Bình, chủ tịch HĐQT Vinashin, vẫn cho mua. Đáng chú ý, quyết định phê duyệt dự án ban đầu gần 1.400 tỉ đồng, sau khi mua tàu và đầu tư khai thác được hai tháng, ông Bình điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên gần 1.500 tỉ đồng. Hậu quả của dự án này làm thiệt hại ít nhất 550 tỉ đồng. Đối với các dự án đầu tư, mua sắm khác, Thanh tra Chính phủ kiểm tra 984 gói thầu tại tám đơn vị, phát hiện 334 gói thầu có vi phạm, trong đó nhiều gói thầu, dự án có sai phạm nghiêm trọng. Điển hình là dự án khu công nghiệp Tàu thủy Lai Vu được lập và phê duyệt dự án nhưng không xác định rõ nguồn vốn, khả năng tài chính... Năm 2006, Vinashin mua 20,4 triệu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt trị giá hơn 1.400 tỉ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư này thua lỗ ít nhất 730 tỉ đồng. |
Tin bài liên quan:
Xây nhà máy xử lý chất thải nixCái giá của xỉ đồngKiến nghị cho nhập xỉ đồng nghe... hơi kỳ lạHyundai Vinashin lại nhập hạt nix
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận