08/01/2021 13:02 GMT+7

Vinafood 2 ‘hô biến’ đất công thành đất tư thế nào?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Được Nhà nước giao hàng ngàn mét vuông đất vàng tại trung tâm TP.HCM, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân để "hô biến" đất công thành đất tư, lập dự án khống để vay ngân hàng nhiều ngàn tỉ.

Vinafood 2 ‘hô biến’ đất công thành đất tư thế nào? - Ảnh 1.

Khu đất vàng hơn 6.200m2 Vinafood 2 đã bán cho tư nhân trái quy định - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bán rẻ đất vàng

Trong kết luận về sai phạm tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt  trong chuyển đổi đất công thành đất tư.

Năm 2010, sau khi được TP.HCM giao 4 cơ sở nhà đất nêu trên, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200m2 được TP.HCM giao theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần.

Quá trình hợp tác lòng vòng giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong chuyển nhượng đất đai, thoái vốn nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Đáng lưu ý, trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân, chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đề xuất của Vinafood 2, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho Vinafood 2 thực hiện phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất.

Nhưng trong quá trình sắp xếp đất đai, Vinafood 2 đã 4 lần cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. 

Đó là, Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp 4 cơ sở nhà đất theo quyết định 09 năm 2007 của Thủ tướng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, trình Thủ tướng quyết định; Vinafood 2 tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.

Bên cạnh đó, dù Ủy ban nhân dân TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có rất nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Vinafood 2 không thực hiện. 

Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Lần thứ 4 Vinafood 2 cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng là không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân đang sinh sống tại các cơ sở nhà đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vinafood 2 ‘hô biến’ đất công thành đất tư thế nào? - Ảnh 2.

34 hộ dân sống tại khu đất vàng không đồng tình với cơ chế đền bù của Vinafood 2 khi giải tỏa mặt bằng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lập dự án khống vay ngân hàng hơn 6.300 tỉ

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 4 lô đất trên để thế chấp ngân hàng vay nhiều ngàn tỉ đồng trái luật.

Cụ thể, giai đoạn từ 2010 - 2015, Vinafood 2 không triển khai đầu tư dự án trên đất được giao như cam kết, ngược lại tổng công ty này đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 của 4 lô đất để vay 518 tỉ đồng từ một ngân hàng cổ phần ở phía Bắc để trả nợ cho các công ty con.

Từ cuối năm 2015 đến nay, sau khi mua lại 4 cơ sở nhà đất, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục dùng "chiêu" vẽ dự án khống - The Goldmark Preminum Tower trên đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh để vay thêm nhiều ngàn tỉ từ ngân hàng.

Công ty Việt Hân Sài Gòn đã thế chấp đất đai để vay từ một ngân hàng thương mại cổ phần ở phía Nam khoảng 6.308 tỉ đồng. Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con: Công ty CP Bạch Minh Long, Công ty CP Supreme Power, Công ty CP Đầu tư Thuận Nha, Công ty CP Clover Peak, Công ty CP Đầu tư Thanh Man, Công ty CP Đầu tư Song Phú.

Nhưng khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp. Đó là các bất động sản tại dự án khu dân cư lô 9A2 khu 9A+B, khu chức năng số 9 đô thị mới nam TP.HCM, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Việt Liên Á làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Chinh.

Kiến nghị thu hồi hơn 6.200m2 đất vàng

Trong kết luận vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM thu hồi 4 cơ sở nhà đất Vinafood 2 đã bán cho Công ty Việt Hân.

*Công ty Việt Hân nói gì?

Đại diện Công ty TNHH Thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) cho biết họ là đối tác duy nhất muốn hợp tác với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) để thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng đển bán và cho thuê trên khu đất số 33 Nguyễn Du, 34-36 - 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Tháng 9-2014, Công ty Việt Hân có văn bản gửi Vinafood 2 xin mua khu đất, với mức giá đề nghị từ 600-650 tỉ đồng. Cùng thời điểm này, Công ty Cổ phần địa ốc AA cũng có văn bản gửi Vinafood 2 đề xuất mua khu đất với mức giá đề nghị 700 tỉ đồng. Đến tháng 1-2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đề nghị được mua chỉ định khu đất tại số 33 Nguyễn Du, 34-36- 42 Chu Mạnh Trinh.

Vinafood 2 sau đó có văn bản gửi cả 3 đối tác trên nêu rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhận chuyển nhượng khu đất. Nhưng bất ngờ sau đó cả Techcombank và Công ty Cổ phần địa ốc AA đều có văn bản xin rút không tham gia chuyển nhượng khu đất, chỉ có Công ty Việt Hân gửi văn bản tới Vinafood 2, chấp nhận các tiêu chí hợp tác phát triển dự án trên khu đất nêu trên.

Trước đó, vào năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 quy định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản. Những tập đoàn, tổng công ty đã góp vốn, đầu tư vào bất động sản thì phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư.

Cũng trong năm 2013, Vinafood 2 lỗ hơn 200 tỉ đồng, và 8 tháng đầu năm 2014 lỗ thêm khoảng 376 tỉ đồng, nợ khó đòi lên tới 432 tỉ̉ đồng, Vinafood 2 mất cân đối hơn 1.000 tỉ đồng. Tình hình tài chính khó khăn, quy định của nhà nước về không đầu tư ngoài ngành buộc Vinafood 2 phải bán khu đất 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh cho đối tác.

Thanh tra kết luận: Vinafood 2 sai phạm cả trăm tỉ đồng Thanh tra kết luận: Vinafood 2 sai phạm cả trăm tỉ đồng

TTO - Đây là kết luận cuộc thanh tra của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp