23/07/2007 19:37 GMT+7

"Vietnamese Food tour": Tour du lịch bị lãng quên

Theo NGUYỄN TẤN VIỆT - Sài Gòn Giải Phóng
Theo NGUYỄN TẤN VIỆT - Sài Gòn Giải Phóng

Vài năm trở lại đây, bên cạnh món ăn Trung Hoa, Pháp, Ý, Thái..., ẩm thực Việt Nam đã được nhắc đến nhiều. Tờ New York Times đánh giá Việt Nam là “ngôi sao ẩm thực mới ở châu Á” và có khả năng sẽ lọt vào Top ten của nền ẩm thực thế giới.

NXg5FCVj.jpgPhóng to
Món khẩn hoang – một đặc sản ẩm thực độc đáo. Ảnh: Tấn Việt
Vài năm trở lại đây, bên cạnh món ăn Trung Hoa, Pháp, Ý, Thái..., ẩm thực Việt Nam đã được nhắc đến nhiều. Tờ New York Times đánh giá Việt Nam là “ngôi sao ẩm thực mới ở châu Á” và có khả năng sẽ lọt vào Top ten của nền ẩm thực thế giới.

Ẩm thực Việt Nam: “Wonderful” – tuyệt vời!

Đó là lời khen tặng của bà Laura - phu nhân Tổng thống Mỹ George W. Bush khi thưởng thức các món ăn Việt Nam tại nhà hàng Tib ở TP.HCM (sau khi cùng phu quân tham dự Hội nghị APEC cuối năm 2006, diễn ra tại Hà Nội). Hôm đó, phu nhân và Tổng thống Mỹ cùng phu nhân và Thủ tướng Australia John Howard thưởng thức những món ăn đậm phong cách Huế như: càng cua bách hoa, chả giò, gỏi mít, bánh lá chạo tôm, chè hạt sen… Trước đó, cựu phu nhân Tổng thống Mỹ Bill Clinton – bà Hillary, khi thưởng thức món chả giò cũng hết lời khen ngợi.

Còn với người trong nghề - các đầu bếp nổi tiếng thế giới thì sao? “Tôi rất mê món ăn Việt Nam bởi các món ăn hòa hợp giữa âm và dương nên bao giờ cũng nhẹ, bổ, ngon và độc đáo” - vua bếp Yan (nổi tiếng với chương trình Yan Can Cook) sau nhiều lần qua Việt Nam, đánh giá.

“Ông Tây nước mắm” Didier Corlou (người Pháp) - bếp trưởng khách sạn Metropole Hà Nội - chuyên nấu những món Việt cho các nguyên thủ, khách VIP thì cho rằng phở là món “ngon nhất thế giới” và ông đã viết một cuốn sách về phở. Mới đây, ông xuất bản tiếp cuốn sách viết bằng tiếng Pháp “Thưởng thức gia vị” giới thiệu 30 món ăn độc đáo của Việt Nam (chủ yếu là ẩm thực vùng núi). Ông Didier Corlou cho rằng gia vị và hương vị từ rau thiên nhiên đã tạo nên nét riêng trong món ăn của Việt Nam và đây là sự đặc sắc hiếm có.

Du khách Nhật thuộc đối tượng khách khó tính trong ẩm thực nhưng cũng phải thừa nhận Việt Nam là đất nước của những món ăn lạ, thiên về hoa - lá - quả, điều này khiến người Nhật rất thích. Bà Sachiko Hoshizawa, đầu bếp nổi tiếng của chương trình truyền hình STV (The Sapporo Television Broadcasting Co., Ltd) của Nhật, đã từng dẫn học viên qua Việt Nam nhờ đầu bếp một khách sạn hướng dẫn cách chế biến món gỏi ngó sen tôm, gỏi cuốn, bò lá lốt… Còn chị Shinobu – chủ nhân của website www.vietnamfood-net.com - mê món ăn Việt Nam nên mở trang web để dạy nấu món Việt Nam cho người Nhật.

“Food tour” có “Local food”: Hấp dẫn thực khách

Một khảo sát của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho thấy: Có đến 80% khách du lịch khoái “local food” (món ăn địa phương). Chính vì vậy mà nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… xếp “Food tour” vào hàng “Top” trong những sản phẩm du lịch. Thực tế cho thấy, hãng lữ hành nào chịu khó chăm chút, nghiên cứu cho bữa ăn của khách thì hầu hết đều thành công.

Anh Hà Thái Bình – Hướng dẫn viên (HDV) Công ty Du lịch Wetravel, kể: “Khi tôi giới thiệu với khách rằng, tối nay tôi sẽ mời quý vị thưởng thức những món ăn hè phố đã xuất hiện tại Sài Gòn cách đây cả 300 năm thì du khách rất ngạc nhiên. Và khi tôi đưa họ đến nhà hàng buffet gánh Bông Sen, khách rất bất ngờ vì Việt Nam có quá nhiều món ăn dân dã nhưng sang trọng và ngon”.

Với kinh nghiệm 10 năm làm HDV quốc tế, anh Bình đúc kết: “Món ăn địa phương bao giờ cũng khiến du khách thích thú". Còn mới đây, trong chuyến về cồn Thới Sơn, chúng tôi gặp một nhóm du khách người Anh đang ăn bánh xèo trong một chòi lá, khi được hỏi đánh giá như thế nào, họ đều đồng thanh: “Banh xeo numberone!” (Bánh xèo (ngon) số 1!).

Rất nhiều đoàn khách nước ngoài khi đến một địa phương nào đó đều yêu cầu hướng dẫn viên chỉ chỗ thưởng thức các món địa phương. Nơi nào trình bày món ăn đẹp, vệ sinh họ càng thích thú, chụp hình lia lịa, trầm trồ khen ngợi.

Trong các chương trình dạy nấu ăn của khách sạn Rex, Bình Quới và một số trường du lịch như Khôi Việt, Trường Du lịch - Khách sạn TPHCM… du khách đến học rất đông. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ nhà hàng Wrap & Roll (Q.1), cho biết: “Nhiều khách nước ngoài đến quán thật sự bất ngờ vì Việt Nam cũng có kiểu “fast food” quá độc đáo là các món cuốn đầy rau xanh. Khách nước ngoài cho biết họ thấy món cuốn ngoài đường nhưng không dám ăn, khi vào đây ăn thì mê luôn cả mắm nêm. Không ít vị khách nước ngoài khuyên tôi nên mở nhà hàng kiểu này ở New York”.

Nhiều khách sạn 4 - 5 sao tại TP.HCM như New World, Caravelle, Sheraton, Omni, Equatorial, Legend, Renaissance Riverside, Windsor Plaza, Sofitel Plaza, Park Hyatt… cho biết, trước đây thực khách chỉ nhắc đến ẩm thực Thái, Hoa, Hàn… nhưng gần đây họ rất quan tâm đến các món ăn Việt Nam bởi nó không quá béo như món Hoa, không quá cay như món Thái và còn hấp dẫn bởi gia vị, rau thơm.

Vì sao bị bỏ ngỏ?

Với thế mạnh như vậy nhưng từ trước đến nay tại Việt Nam chưa có một sự kiện ẩm thực nào mang tầm cỡ khu vực để thu hút khách du lịch, qua đó quảng bá ẩm thực, hình ảnh đất nước Việt Nam. Khi khảo sát nhiều chương trình tour cho khách nước ngoài đến TP.HCM, chúng tôi thấy chỉ có 4 công ty có chương trình “Food tour”.

Ông Nguyễn Thanh Phong – hiệu trưởng trường Trung học Du lịch và Khách sạn TP.HCM (thuộc Saigontourist), nói: “Chúng ta chưa đưa văn hóa ẩm thực vào du lịch (Food tour) là do thiếu quyết tâm và thiếu sự quan tâm của nhiều ngành liên quan”. Nhiều ý kiến khác cho là chúng ta thiếu tầm nhìn. Mặt khác, do lối làm ăn mạnh ai nấy làm nên ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là “Food tour”, ít được du khách nước ngoài quan tâm.

Còn theo thạc sĩ Trương Hoàng Phương, giám đốc tiếp thị - sản phẩm công ty Du lịch Vietmark: “TP.HCM có rất nhiều quán ăn nhưng chúng ta chưa tổ chức thành hệ thống và thiếu cung cấp thông tin. Các nhà hàng ít tiếp thị cho chúng tôi biết họ có những gì để đưa vào tour. Điều này khiến cho các hãng lữ hành và quán ăn chưa gặp nhau”.

Tuy nhiên, giám đốc một hệ thống nhà hàng tầm cỡ ở TP.HCM thẳng thắn: “Chúng tôi không cần công ty du lịch đưa khách đến nhà hàng của chúng tôi bởi ngoại trừ vài công ty lớn để giữ uy tín nên họ đặt món ăn theo đúng kiểu “tiền nào của đó”, còn lại rất nhiều công ty ép giá nhà hàng, trả tiền ít mà đòi chất lượng cao. Chúng tôi tự tìm nguồn khách riêng lẻ, có thể ít khách hơn nhưng thoải mái hơn”.

Vị giám đốc này còn giải thích thêm: “Sở dĩ các nhà hàng không “mặn mà” với nguồn khách từ các công ty du lịch đưa đến là do họ đặt giá thấp nên buộc nhà hàng phải làm thức ăn không ngon, không nhiều. Trong khi nhà hàng mình là nhà hàng lớn, có thương hiệu, thà không bán cho khách còn hơn bị mang tiếng”.

Một điều nữa, vẫn còn không ít công ty chỉ cốt “đón khách một lần” hoặc do cạnh tranh giá nên không dám đặt cho khách ăn tại những nhà hàng ngon, chứ chưa nói đến việc mở “Food tour”. Tệ hơn, không ít hướng dẫn viên đưa khách vào những quán ăn nhỏ, thức ăn dở miễn có được tiền huê hồng. Chính điều đó đã làm ảnh hưởng chung đến uy tín của ngành ẩm thực – du lịch Việt Nam.

Theo NGUYỄN TẤN VIỆT - Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp