Ca sĩ Phương Vy (bìa trái) - Thần tượng âm nhạc mùa đầu tiên - tham gia cùng các thí sinh trong vòng sơ tuyển cho mùa Idol thứ sáu tại Cần Thơ - Ảnh: Zu Nguyễn |
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình - Ảnh: Khả Linh |
“Nhưng bây giờ tất cả đều hoang mang, không biết phải giải quyết ra sao” - đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (ảnh), chủ tịch Công ty BHD - đơn vị sản xuất chương trình Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam), bối rối chia sẻ cùng Tuổi Trẻ:
- Tất cả nhà sản xuất đều lo lắng, bối rối không biết làm gì, làm như thế nào trong những ngày qua. Chỉ nói riêng ở BHD, ngoài Thần tượng âm nhạc đang sản xuất chờ ngày phát sóng, chúng tôi còn rất nhiều chương trình liên kết khác với VTV có kế hoạch sản xuất trong năm nay như: Tìm kiếm tài năng châu Á, Vua bếp Việt Nam, Cuộc đua kỳ thú, Hoa khôi áo dài...
Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2015 - Vietnam Idol hiện thời đã kết thúc vòng tuyển sinh tại tám TP: Hà Nội, Ðà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long. Chỉ còn TP.HCM đã lên kế hoạch tuyển sinh vào cuối tháng 3 này nữa là xong. Nhưng bây giờ phải tạm ngưng hết. Idol như một dự án “treo” và các chương trình khác cũng vậy, chúng tôi hiện không biết phải giải quyết ra sao.
* Kinh phí sản xuất cho Vietnam Idol khoảng 2 triệu USD. Cái lo lớn nhất của BHD hẳn là sẽ mất đi một số tiền đầu tư rất lớn nếu chương trình ngưng phát sóng?
- 2 triệu USD là con số ở những mùa đầu tiên. Hiện tại số tiền sản xuất này lớn hơn nhiều và tăng theo mỗi mùa vì yêu cầu của chương trình ngày càng cao. Chúng tôi không thể tiết lộ con số đầu tư cụ thể cho mùa năm nay vì quá trình sản xuất đang dở dang.
Tuy nhiên, với Idol, đầu tư cho vòng tuyển sinh là tốn kém nhất. Nhưng tiền chỉ là một phần, còn nhiều thiệt hại đáng lo hơn, đó là uy tín, sự bất an, âu lo của cả êkip 140-160 người làm Idol và gần 500 cán bộ công nhân viên của công ty, sự hoang mang, nghi ngại của các đối tác và khoảng 17.000 thí sinh dự tuyển (chưa kể gần 10.000 thí sinh đăng ký ở TP.HCM).
Ngày nay, ngoài chi phí sản xuất chương trình, các nhà sản xuất còn phải đầu tư rất nhiều tâm sức. Cạnh tranh giữa các chương trình hiện rất lớn, đó là chưa kể việc các chương trình phải tự “vượt lên chính mình” để giữ được khán giả.
Vì vậy, để có chỗ đứng, có tỉ suất người xem (rating) cao, các đơn vị sản xuất phải làm kế hoạch, chuẩn bị nội dung cùng các phương án sản xuất, chọn lựa khách mời, giám khảo, chuyên gia... từ rất sớm mới mong có được một đội ngũ thực hiện tốt và phù hợp với mục tiêu, chiến lược của từng năm.
Mọi kế hoạch đều trở thành quy hoạch “treo” “Idol năm nay, chúng tôi đã có rất nhiều đổi mới. Thế nhưng mọi kế hoạch đều đã trở thành quy hoạch “treo” và tất cả mọi người đều hoang mang, bối rối. Việc chúng tôi đang làm nhiều nhất hiện giờ là nghe và trả lời điện thoại của các đối tác và hàng ngàn thí sinh. Câu trả lời duy nhất và cũng không phải là câu trả lời mà mọi người muốn nghe đó là hãy kiên nhẫn chờ đợi, hãy tập luyện và chúng tôi sẽ thông tin sớm nhất khi có giải pháp”. |
* Nhưng cũng không thể phủ nhận đôi khi vì muốn tạo dựng được vị trí riêng cùng rating vào hàng top nên các nhà sản xuất đã bất chấp dư luận khiến chất lượng chương trình sụt giảm, kèm theo rất nhiều xìcăngđan gây bức xúc khán giả?
- Nếu hỏi các chương trình của chúng tôi có kịch bản không?
Tôi trả lời là có. Kịch bản của truyền hình thực tế chính là những đề bài và lời giải cho những đề bài đó thuộc về thí sinh. Kịch bản của chúng tôi không quy định thí sinh này sẽ làm thế này, thí sinh kia sẽ làm thế khác.
Kịch bản chỉ là sự chuẩn bị trước, rào đón trước cho các tình huống sẽ xảy ra trong thực tế các thí sinh “giải đề”.
Mọi người cần phải hiểu quy trình thực hiện một chương trình cho đài luôn rất gắt gao. Sau một vài sự cố đáng tiếc từ các chương trình truyền hình thực tế trong năm qua thì quy trình này càng gắt hơn nữa.
Một chương trình trước khi lên sóng đều được duyệt từ ý tưởng cho đến kịch bản và luôn được nhà đài giám sát suốt quá trình sản xuất, không có khâu nào mà không có các biên tập viên hay các trưởng phòng ban của đài trực tiếp theo dõi.
Còn “chiêu trò” ư? Chúng tôi không phủ nhận việc phải có một số thủ thuật để “kích” chương trình lên hay một số chiêu trò nhằm tạo sự hấp dẫn cho chương trình và mang đến lợi ích tốt đẹp. Cần phân biệt giữa tai nạn và xìcăngđan. Tai nạn thì khôn lường và không nhà sản xuất nào muốn thế.
Còn xìcăngđan rất khó tránh bởi rất nhiều xìcăngđan không phải do nhà sản xuất tạo nên. Tôi không đổ lỗi nhưng không ít xìcăngđan do giới truyền thông tạo ra, do các thí sinh tự tạo hay các anti-fan mang đến.
Như vòng tuyển sinh Idol năm nay có vụ “nữ sinh trọc đầu”, chúng tôi không hề nhắc đến hay sử dụng hình ảnh của bạn này nhưng truyền thông lại chú ý và chủ động thông tin gây tò mò dư luận.
Nếu để tạo xìcăngđan, tăng rating bằng mọi giá thì chúng tôi đã không bỏ qua trường hợp của Nhật Thủy hay Ðông Hùng của mùa trước. Mãi sau này mọi người mới biết chuyện ba mẹ Thủy chia lìa, Thủy sống cùng ông nội và em vất vả tự lo cho cuộc sống của mình như thế nào qua lời kể của cô ấy. Nhà sản xuất biết từ đầu nhưng cũng quyết không đưa thông tin này ra để PR cho chương trình.
Tại sao không dùng năng lực của Nhật Thủy để chứng minh mà phải dựa vào gia cảnh hay chuyện đời kém may mắn của cô ấy? Hay Hùng đi thi khi gia đình vỡ nợ. Suốt thời gian em thi, giang hồ vây quanh phim trường. Chúng tôi đã phải tăng cường lực lượng an ninh và bảo vệ không chỉ để đảm bảo an toàn cho em mà còn cho rất nhiều người khác.
Có lần em “mất tích” khoảng 15 phút mà chúng tôi nháo nhào tìm kiếm. Em hi vọng từ chương trình sẽ có cơ hội để kiếm tiền giúp gia đình thoát khỏi nợ nần. Câu chuyện đó chẳng phải PR quá tốt sao? Nhưng chúng tôi đã giữ kín...
Dù vậy, không phải mọi việc chúng tôi đều chủ động hay kiểm soát được. Ðùn đẩy trách nhiệm cho người khác hay phơi bày ra hết những điều không đúng của một cá nhân nào đó đều không hay bởi dù sao chúng tôi cũng là nhà sản xuất, là người làm nên chương trình.
Những sai phạm có khi không trực tiếp từ chúng tôi nên cần có những trao đổi cho từng sự vụ cụ thể trong xử lý sai phạm. Còn với văn bản ngừng phát sóng vừa qua, chúng tôi hi vọng VTV và Bộ Thông tin - truyền thông sớm tìm ra giải pháp và cho chúng tôi câu trả lời sớm, hợp tình hợp lý nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận