17/09/2020 20:57 GMT+7

Vietjet sẵn sàng bay trở lại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ tháng 9

Q.AN
Q.AN

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải, Vietjet được nhà chức trách đề xuất khai thác 3 đường bay từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) từ tháng 9-2020.

Vietjet sẵn sàng bay trở lại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ tháng 9 - Ảnh 1.

Vietjet sẵn sàng bay trở lại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ tháng 9 - Ảnh: T.T.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 cũng như công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam cũng được quốc tế đánh giá cao, việc song phương nối lại đường bay quốc tế đã được đề xuất.

Nhật, Hàn, Đài - ba điểm đến an toàn

Cụ thể trong giai đoạn đầu nối lại các đường bay quốc tế, Cục Hàng không đề xuất Vietjet khai thác đường bay TP.HCM đi Tokyo (Nhật Bản) với tần suất 1 chuyến/tuần. Các chuyến bay này dự kiến được hãng khai thác vào thứ ba hằng tuần bằng máy bay A321neo ACF, mẫu máy bay thân hẹp hiện đại nhất của Airbus, có cấu hình 240 ghế hành khách.

Với các chuyến bay đi Hàn Quốc, Vietjet được đề xuất khai thác đường bay TP.HCM đi Seoul với tần suất 1 chuyến/tuần. Các chuyến bay này sẽ được Vietjet dự kiến khai thác vào thứ tư hằng tuần, cũng bằng máy bay A321neo ACF. 

Đường bay còn lại mà Vietjet được đề xuất khai thác từ 29-9 là đường bay Hà Nội đi Đài Bắc, tần suất 1 chuyến/tuần. Ba điểm đến quốc tế mà Vietjet khai thác trở lại trong giai đoạn đầu đều là những điểm đến có công tác kiểm soát dịch COVID-19 được đánh giá cao. 

Cả Hàn Quốc, Nhật Bản đều có số ca nhiễm mới mỗi ngày thuộc hàng thấp thế giới, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) đang ghi nhận số lượng ca mắc mới ở mức 2 ca trong 7 ngày gần nhất.

Vietjet sẵn sàng bay trở lại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ tháng 9 - Ảnh 2.

Hàng không khai thác trở lại đường bay quốc tế tới khu vực đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, tạo sự an tâm cho khách hàng - Ảnh: T.T.

Về quy định cách ly tại các điểm đến trên, nếu di chuyển tới Seoul, hành khách nhập cảnh phải đeo khẩu trang, thân nhiệt không vượt quá 37,5 độ C, tự cách ly tại nhà hoặc cơ sở được chỉ định và phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát.

Nếu di chuyển tới Tokyo, hành khách cần có kết quả xét nhiệm RT-PCR tại Việt Nam trong 72 giờ trước khi khởi hành và phải cách ly 14 ngày khi tới Nhật Bản. Với Đài Loan, hành khách chỉ cần thực hiện tự cách ly 5 ngày.

Việc nối lại các đường bay được cả Việt Nam và các quốc gia trên đạt được thống nhất cao trong bối cảnh nhu cầu đi lại, giao thương đường hàng không giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đang bị dồn nén do dịch COVID-19.

Tương tự như các chuyến bay nội địa Việt Nam đang được Vietjet khai thác, các chuyến bay tới 3 điểm đến quốc tế trong giai đoạn đầu khai thác trở lại sẽ được Vietjet áp dụng quy trình phòng chống dịch cao nhất.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh trên các chuyến bay trên, Vietjet sẽ tăng cường các công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt các quy trình kiểm tra sức khỏe cho hành khách, tổ bay trước mỗi chuyến bay, các yêu cầu khai báo y tế bắt buộc, đeo khẩu trang...

Tất cả các chuyến bay của Vietjet đều tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cao nhất của cơ quan chức năng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách, phi hành đoàn và cả cộng đồng.

Tạo đà phục hồi

Với hoạt động chính là vận tải hàng không bị ảnh hưởng tác động lớn bởi dịch COVID-19, báo cáo tài chính soát xét ghi nhận doanh thu 9.228 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ 2019 và lỗ vận chuyển hàng không 1.440 tỉ đồng, thấp hơn dự kiến 670 tỉ đồng. Đây là kết quả tích cực so với các hãng hàng không trên thế giới trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Khi dòng tiền kinh doanh vận tải hàng không sụt giảm, Vietjet chuyển nhượng danh mục đầu tư và một số tài sản tích lũy trong thời gian trước đó để tập trung nguồn vốn, tiền mặt và nuôi dưỡng nguồn lực để phục hồi khi hàng không bật tăng trở lại.

Với tổng tài sản 46.317 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.313 tỉ đồng gồm cổ phiếu quỹ. Chỉ số thanh khoản hiện hành duy trì ở mức 1,1 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,57 lần. Với tỉ lệ nợ vay thuộc nhóm thấp trong ngành hàng không thế giới, Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn để tăng cường nội lực tài chính.

Khi thị trường hàng không trong nước khôi phục, hãng khai thác toàn bộ đường bay nội địa với hơn 300 chuyến/ngày trong tháng 6, tăng 3-5 lần trong thời gian đỉnh điểm dịch. Chỉ riêng tháng 6, tổng số lượt khách vận chuyển đạt 1,2 triệu lượt khách, khôi phục thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia hàng không, việc khai thác trở lại 3 đường bay quốc tế sẽ là bước ngoặt quan trọng trong quá trình khôi phục doanh thu sau dịch của các hãng bay, trong đó như Vietjet.

Những chuyến bay tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đánh dấu sự trở lại của hãng bay Việt tại thị trường Đông Bắc Á, thị trường quốc tế quan trọng đóng góp nhiều doanh thu nhất cho hãng trước dịch COVID-19.

Ngoài ra, Vietjet cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để mở lại đường bay đến một số nước đang kiểm soát dịch rất tốt như Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… ngay khi Chính phủ, nhà chức trách Việt Nam và các nước chấp thuận.

Chính thức mở đường bay quốc tế từ 15-9, khách nhập cảnh cách ly 5 ngày Chính thức mở đường bay quốc tế từ 15-9, khách nhập cảnh cách ly 5 ngày

TTO - Từ ngày 15-9 sẽ mở đường bay với một số đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với tần suất 2 chuyến/tuần. Khách nhập cảnh là người có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, thân nhân, chuyên gia, kỹ thuật, nhà quản lý thực hiện cách ly 5 ngày.


Q.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp