Với sự hồi phục mạnh mẽ của ngành hàng không và du lịch, Vietjet đã hoạt động và khai thác hiệu quả trong 3 tháng đầu năm - Ảnh: TÀI NGUYÊN
Theo báo cáo tài chính quý 1-2022 Vietjet công bố, so với cùng kỳ năm 2021, hãng ghi nhận tăng trưởng 113% lợi nhuận trước thuế nhờ kinh doanh vận chuyển hành khách phục hồi nhanh và mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa tiếp tục mở rộng, với mức tăng trưởng doanh thu trong quý 1-2022 lần lượt là 76% và 94%.
Trong quý 1-2022, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 4.522 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỉ đồng, lần lượt tăng 12% và 98% so với cùng kỳ năm 2021.
Về doanh thu vận tải hàng không, Vietjet đạt doanh thu quý 1-2022 là 3.340 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, giúp hãng đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 40 tỉ đồng.
Từ cuối năm ngoái đến nay, ngành hàng không và du lịch đã mở cửa hoàn toàn trở lại, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Vietjet đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ; thực hiện 20.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế được khai khác.
Theo công bố của Vietjet, tổng số chuyến bay và lượt khách của Vietjet trong quý 1-2022 đã đạt 50% và 55% so với tổng số của cả năm 2021, đánh dấu cột mốc phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý 1-2022 hơn 12,5 nghìn tấn.
Đây là kết quả rất đáng chú ý của Vietjet trong bối cảnh ngành hàng không các tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.
Trong quý 1-2022, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 4.522 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỉ đồng - Ảnh: TÀI NGUYÊN
Đặc biệt, Vietjet đã đưa 2 tàu bay thân rộng A330 đầu tiên vào khai thác và dự kiến sẽ đưa chiếc thứ ba vào đội hình tàu bay hiện đại của mình trong thời gian tới.
Để nâng cao chất lượng hoạt động và phục vụ hành khách, Vietjet và Tập đoàn Lufthansa Technik đã ký kết hợp tác triển khai ứng dụng nhật ký kỹ thuật điện tử của AVIATAR; cùng Tập đoàn ST Engineering ký kết hợp đồng bảo dưỡng toàn diện thiết bị tàu bay theo giờ cho toàn bộ đội bay của Vietjet; cùng Changi Airports International - đơn vị quốc tế thuộc Tập đoàn Cảng hàng không Changi Airport Group - ký kết biên bản hợp tác chiến lược trị giá 1,5 tỉ USD phát triển việc cung cấp các dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không của Việt Nam và trong khu vực.
Hãng cũng được AirlineRatings, đơn vị uy tín chuyên đánh giá dịch vụ và an toàn hàng không thế giới, vinh danh trong Top 10 hãng hàng không chi phí thấp an toàn nhất thế giới năm 2022 trong tổng số hơn 385 hãng bay toàn cầu.
Hiện tại Vietjet đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động; đa dạng hóa các kênh bán hàng trên thiết bị số, trên các sàn thương mại điện tử; số hóa hoạt động và quản lý nhằm tạo bước chuyển mình lớn trong thời gian tới để đưa Vietjet thành hãng hàng không số hàng đầu khu vực, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn xa hơn ra ngoài thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận